Dù đã ngoài 70 tuổi, danh ca Tuấn Ngọc vẫn giữ được sự trẻ trung và năng lượng dồi dào dành cho âm nhạc. Lần đầu ngồi ghế nóng Giọng hát Việt 2019, Tuấn Ngọc đối diện với nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên, nam danh ca khẳng định anh đến với chương trình năm nay không nhằm mục đích khẳng định danh hiệu hay hơn thua với ai.
Danh ca Tuấn Ngọc phong độ, trẻ trung hơn tuổi
- Cơ duyên nào khiến anh nhận lời làm giám khảo Giọng hát Việt 2019?
Mọi chuyện trên đời đều bắt đầu từ chữ "duyên" nên khi mình làm điều gì cũng cần phải có duyên. Thật sự BTC Giọng hát Việt đã ngỏ lời mời tôi làm huấn luyện viên (HLV) 4-5 lần rồi và đến lần này tự nhiên tôi cảm thấy hứng thú nên đồng ý. Khi đảm nhận vai trò HLV, tôi nghĩ rằng mình có thể giúp được cho các em thì tôi mới làm.
Nhiều người nghi ngại dòng nhạc tôi hát không giống với các bạn trẻ nhưng không phải như vậy, tôi từng hát rất nhiều thể loại nhạc từ khi còn nhỏ. Âm nhạc vẫn là âm nhạc thôi, mục đích chuyên chở của nó là làm sao cho người nghe cảm nhận mình hát hay. Người ta cứ nghĩ về sự khác biệt thế hệ nhưng chẳng lẽ ông bác sĩ già không chữa bệnh cho đứa trẻ được sao?
Cũng từng có nhiều chương trình mời tôi làm giám khảo lắm mà tôi không thích. Ngoài ca hát, tôi không thích đi ra ngoài nhiều. Nhưng lại nghĩ dù sao mình cũng là người nổi tiếng, không lẽ cứ sống khép kín hoài? Hơn nữa, tôi cho rằng đây là dịp tôi có thể giúp được các bạn trẻ vì cũng từng ở vị trí của các em. Thời kì này là lúc hoang mang lắm, các em đang học hỏi và không biết mình nên đi con đường nào, làm gì và không hiểu mình muốn gì! Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là mình phải biết bản thân đang ở đâu, muốn cái gì?
Vì vậy, tôi thương thế hệ trẻ lắm, bước ra cuộc đời khi hành trang chưa đủ mà phải lo đủ thứ. Nhất là nghề hát này, ngày xưa tôi không có thầy, phải tự tìm hiểu lấy. Không có thầy, bạn vẫn có thể làm nên nhưng phải trả giá đắt.
- Tham gia một chương trình truyền hình dài kì thường mất nhiều thời gian, anh thu xếp công việc tại Mỹ và gia đình ra sao?
Tôi không gặp trở ngại gì cả vì cứ bay đi đi về về vậy thôi. Khi về Việt Nam, tôi đâu chỉ làm việc riêng cho Giọng hát Việt, tôi vẫn đi hát sự kiện và diễn ở các phòng trà. Phòng trà là nơi tôi thích hát nhất bởi mình có thể đến gần khán giả và nói chuyện để người ta hiểu mình hơn, tôi thấy vui hơn.
- Bà xã có ủng hộ việc anh nhận lời làm HLV Giọng hát Việt năm nay?
Không ủng hộ lắm đâu và mười người thì chắc khoảng 2-3 người ủng hộ thôi. Hồi xưa, tôi cũng không "mặn mà" với Giọng hát Việt lắm, vì tôi biết chương trình này HLV cần có "chiêu trò" để chiêu dụ thí sinh về đội mình, riêng tôi không có điều đó. Cuộc đời tôi từ xưa đến giờ luôn để mọi việc thuận theo tự nhiên, nếu ai đó đã không thích về đội của tôi thì có nói gì họ cũng không chọn. Tôi nghĩ khi thí sinh đến với cuộc thi này thì ít nhiều họ phải biết mình yêu thích HLV nào và mong muốn về đội ai.
Chỉ trong 1-2 phút mà chiêu dụ được thí sinh, tôi nghĩ người đó phải ăn nói hay lắm. Trong tình yêu cũng thế, tôi cứ để tự nhiên. Tôi cũng không chiêu dụ khán giả bởi tôi biết tính mình không làm được những chuyện đó nên cần phải trau dồi nghề để có cái gì đó cho khán giả chứ không chỉ bằng lời nói, hứa hẹn...
Tôi làm HLV Giọng hát Việt với tâm thế "hữu xạ tự nhiên hương" và từ xưa đến giờ, tôi là vậy. Ngày từ thời chưa nổi tiếng, tôi cũng không "đói khát" danh vọng. Tôi đi hát, ai biết đến thì mời, không thì thôi chứ không phải kết bè kết bạn để người ta giới thiệu mình đâu. Và tôi là người may mắn, yếu tố may mắn quan trọng lắm nên không dám tự phụ, bất cứ làm việc gì cũng cần phải trau dồi thì sẽ thành công.
- Một trong những "đặc sản" của Giọng hát Việt là màn tranh luận để chiêu dụ thí sinh giữa các HLV nhưng anh lại không chủ trương cho việc đó?
Tôi không xem Giọng hát Việt các mùa trước nhiều nhưng cũng biết đường lối của chương trình. Trong đó, cách giành thí sinh giữa các HLV là điều mà tôi không thích. Tuy nhiên điều này lại là một trong các yếu tố thành công của cuộc thi, thành ra tôi cũng không hiểu tại sao BTC lại mời tôi, mà lại mời nhiều lần hay họ có tính toán gì mà tôi không biết.
Tôi nghĩ nếu không có tôi thì 3 HLV còn lại tranh giành thí sinh thì cũng đủ vui rồi. Nhưng biết đâu được khi vào chương trình rồi, gặp tình huống gay cấn, tôi "nóng mặt" và thay đổi thì sao?
- Không "chiêu trò" hay chủ trương giành thí sinh, anh có lo ngại sẽ để "vuột mất" những nhân tố nổi bật vào tay HLV khác và sở hữu một đội hình không được đánh giá cao tại mùa giải năm nay?
Cùng lắm là thua thôi chứ có sao đâu (cười). Tôi làm hết sức mình còn thắng thua không quan trọng. Điều tôi quan tâm là mình giúp được cho các thí sinh trở thành ca sĩ hay hơn, như vậy là tôi vui rồi! Cuộc đời này thắng thua là chuyện bình thường, nhiều khi mình hát hay nhưng chưa chắc sẽ thắng, đâu phải khán giả lựa chọn ai là người đó hay hơn mình, chính mình nghĩ bản thân như thế nào mới quan trọng. Tôi từ xưa giờ là như vậy, không cần người ta nghĩ về mình là hay nhất thì mới hạnh phúc.
Bây giờ nếu tôi gặp những thí sinh tầm thường đi nhưng họ đam mê ca hát và cố gắng hết sức thì tôi vẫn thấy vui khi giúp cho họ. Tôi không kén chọn người có tài thì mới giúp. Tôi tin vào chữ duyên, nếu có thì sẽ tự nhiên đến với nhau, học trò cũng vậy.
Tôi nghĩ biết đâu khi gặp khó khăn, trở ngại, thì tôi lại càng hăng, hào hứng hơn khiến cuộc sống thú vị. Như vậy thấy ai đó chống đối tôi làm The Voice, tôi lại thấy thích bởi đó là một sự thách đố mình.
- Anh hoạch định đường hướng huấn luyện cho học trò của mình ra sao?
Tôi hãnh diện về kinh nghiệm huấn luyện người ta hơn tiếng hát của mình, vì "dám đốc" bao giờ cũng dễ hơn là "dám làm" (cười). Trong gia đình, các em tôi đều do tôi huấn luyện và người nào cũng nổi tiếng.
Đi hát bao nhiêu năm, tôi đủ kinh nghiệm để thẩm định giọng hát và biết trình độ người đó đang ở đâu, vì vậy tôi tự tin mình có thể giúp được các thí sinh đội mình lẫn các đội khác. Tôi quan niệm cuộc đời này cần phải chia sẻ, giúp đỡ nhau để mọi thứ tốt đẹp hơn.
- Một số khán giả lo ngại Giọng hát Việt 2019 sẽ trở thành sân khấu bolero khi biết thông tin anh làm HLV. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
Trước nhất, tôi không phải là ca sĩ bolero và dòng nhạc đó cũng không phải là nhạc của tôi. Âm nhạc của tôi hơi thiên về Jazz, như kiểu nhạc tiền chiến. Ngày xưa, tôi hát nhạc này vì ở Việt Nam chỉ có những thể loại như vậy. Khi sang Mỹ, 5 năm ở Hawaii tôi đều hát nhạc Mỹ, bất cứ bài nào đang nổi tiếng thời đó thì tôi hát. Tôi cũng từng hát nhạc vui, sôi động, với vốn kiến thức âm nhạc và ngoại ngữ, tôi sẽ giúp được cho thí sinh rất nhiều.
Trong âm nhạc, tôi là người tham vọng. Tôi đã nghiên cứu rất kĩ cách hát nhạc Jazz, Classical hay Rock... nhưng người ta nhìn vào, họ nghĩ tôi chỉ biết một loại nhạc. Không có đâu! Tôi là người rất tham vọng về nghệ thuật, nếu cuộc đời mình chỉ biết hát một loại nhạc thì chán lắm. Tôi không nghĩ là nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam, người nào học nhạc bằng tôi đâu.
- Câu chuyện về tính minh bạch kết quả của chương trình The Voice từng gây tranh cãi trong dư luận và luôn là vấn đề được khán giả quan tâm. Anh có biết điều này?
Tôi có nghe thông tin này nhưng tính của tôi là khi mình không biết rõ chuyện gì thì sẽ không ý kiến. Cũng như việc khi nghe ai đó bảo rằng người này xấu lắm, đừng chơi với họ... tôi không tin lắm đâu. Câu nói đó chỉ giúp mình đề phòng thôi nhưng mình cũng cần phải tìm hiểu chứ không nên nghe một phía.
Vài tháng gắn bó với The Voice, tôi biết mình sẽ không thể giúp được nhiều cho thí sinh nhưng tôi có thể định hướng con đường cho họ đi không bị trật so với trước khi gặp tôi. Vậy nên, với tôi quan trọng là giúp được cho thí sinh, còn chuyện thắng cuộc không là gì hết. Người chiến thắng sân chơi này chưa là gì hết, chỉ như vừa tốt nghiệp ra trường, cuộc đời còn dài lắm và tôi muốn giúp họ có hành trang tốt hơn.
- Anh cũng không thấy khó chịu kể cả khi kết quả chương trình không thuyết phục và thiếu công bằng với mình?
Nếu kết quả làm cho mình bất mãn thì làm sao phục được? Tất nhiên là tôi sẽ không vui nhưng trước tiên, tôi sẽ tìm hiểu nguyên do. Nếu đặt dấu hỏi và tìm được câu trả lời cho thấy sự bất công với mình thì tôi sẽ lên tiếng chứ không im đâu, đó là con người tôi. Gia đình tôi mà làm gì "trật", tôi còn không bênh huống chi giờ lại để thí sinh của mình chịu bất công mà vẫn để yên, cười cười duyên... không phải tôi đâu!
Với tôi, cái khó nhất khi nhận lời tham gia The Voice chính là việc phải tự tay loại thí sinh của đội mình theo format chương trình, buồn lắm! Quy định này khắc nghiệt và cũng là điều mà tôi không thích.
Với tư cách một huấn luyện viên, tôi đặt tiêu chí công bằng lên hàng đầu với các thí sinh của mình và sẽ đưa ra phương án tốt nhất, công tâm nhất cho thí sinh tranh tài chứ không thiên về thế mạnh của ai.
- Từng có không ít giám khảo, HLV gặp sự cố "vạ miệng" vì thiếu bình tĩnh, rút kinh nghiệm từ những người đi trước, anh chuẩn bị tinh thần "đấu khẩu" trên ghế nóng ra sao?
Ở đời ai chẳng có lúc vô duyên, mà càng nói nhiều thì càng dễ bị mắc lỗi. Nếu lỡ bản thân có vô duyên thì mình phải xin lỗi thôi, chẳng cần chuẩn bị gì hết. Tôi nghĩ tốt nhất mình nên nói ít thôi hoặc... đừng nói luôn. (cười)
- Dường như anh đang ngại "va chạm" với đồng nghiệp?
Đúng, tôi ngại tranh cãi hay phải nhận xét về một ai đó. Dù biết người ta hát dở nhưng không thể nào tôi chê họ được, mình không khen thì thôi. Bởi vì chính mình cũng đâu giỏi hoàn toàn.
- Với vẻ ngoài khá nghiêm nghị, nhiều người thắc mắc không biết danh ca Tuấn Ngọc ở vai trò HLV sẽ khó tính như thế nào?
Tôi càng sống ở đời thì lại càng dễ chịu, dễ chấp nhận người ta nhưng khi vào công việc, tôi rất khó tính. Đối với tôi, lương tâm nghề nghiệp luôn nhắc nhớ rằng mình phải làm đúng, làm hết sức, không lừa ai và hơn hết là phải tự trọng. Vì sự tự trọng ấy mà tôi khó tính.
Nhưng quan trọng, sự khó tính của tôi nhằm mục đích giúp thí sinh giỏi hơn. Bởi tôi biết trình độ thí sinh đội mình thế nào và nếu chịu cố gắng hơn thì họ sẽ giỏi hơn. Nhìn ra được ưu khuyết điểm của từng cá nhân là điều rất quan trọng với người HLV.
Mặt khác, khi huấn luyện cho thí sinh, không phải mình muốn người ta hát y như mình, đó là cái dở nhất trong nghệ thuật, mỗi người phải có nét riêng. Vì vậy, để giúp họ tiến bộ, tôi sẽ đưa những cái hay nhất của họ lên và giấu đi khuyết điểm, chứ không ai giỏi hoàn toàn. Tại sao người ta thấy tôi hát hay hơn người khác? Là vì tôi biết giấu cái dở của mình đi.
Nếu gặp một thí sinh không giỏi, không có trình độ chuyên môn cao nhưng họ có nhiệt huyết với âm nhạc, cố gắng phấn đấu hết sức thì tôi vẫn thích và cảm động hơn là người học trò giỏi nhưng lười biếng, không chịu lắng nghe. Tại sao nhiều nhạc sĩ không thích tôi? Là bởi khi họ đệm đàn tôi hát, tôi nhận ra họ làm trật vì họ lười luyện tập... Những trường hợp như vậy thì tôi sẽ khó tính, tôi khó với cả em mình nữa mà.
- Khi gặp những "học trò cá biệt" như vậy, anh sẽ cư xử ra sao, có nóng tính la mắng họ?
Không, đối với tôi không gì tệ bằng sự nóng giận, bởi tôi từng như thế. Sự nóng giận chẳng làm được gì hết, chưa kể khi mình nóng, người ta thấy mình đứng ở đâu nữa. Mà tôi nóng giận chi khi đang muốn giúp thí sinh? Nếu người nào lười thì chỉ có hại cho họ thôi.
Con mình đôi khi dạy còn chưa được, huống chi người ngoài nên khi ra đời, nhất là trong cái nghề này, mình phải chấp nhận thương đau, có người thương người chê, người quý kẻ ghét... Nếu đã làm hết sức mà người ta không hiểu mình thì thôi, làm gì được bây giờ?
Trong cuộc thi này, nếu tôi thất bại, thí sinh của tôi hát không bằng ai thì điều này không chứng minh cho người khác thấy rằng tôi là một HLV dở, chưa chắc! Tôi chẳng sợ gì hết, cũng không mặc cảm điều gì. Tại sao phải mặc cảm? Miễn là mình làm hết lòng thì thôi, bất cứ việc gì cũng vậy. Nếu biết mình yếu ở điểm nào đó thì cứ trau dồi cho nó tốt hơn, sao phải mặc cảm!? Cái đó kì lắm...
Hơn nữa, trên đời này không có ai ngu hết, mà nếu có thì người ta cũng sẽ hết ngu nên mình đánh lừa họ để làm gì? Nếu tôi đã hết mình với thí sinh mà họ không hiểu, phản ứng với mình thì tôi tội người ta hơn nữa, thật... vì người ta đi không đúng đường, nông cạn thì sẽ gặp những chuyện buồn. Tôi không buồn nhiều đâu, con tôi mà đối xử với tôi như vậy thì tôi mới buồn, còn thí sinh, mình chỉ gặp họ vài tháng thôi.
- Vừa qua, phát ngôn "Không hiểu sao giới trẻ Việt thích nhạc Hàn" của anh bị một số khán giả cho rằng anh đang áp đặt suy nghĩ cá nhân khi phê bình âm nhạc Hàn Quốc...
Đối với tôi, về nghệ thuật âm nhạc, phim ảnh, không có nước nào bằng nước Mỹ. Người Mỹ tôn trọng nguyên bản, sự riêng biệt và không bắt chước ai. Trong khi đó, nghệ thuật Việt Nam còn non trẻ, đang ở giai đoạn học hỏi, bắt chước vậy thì sao không bắt chước người Mỹ, học cái hay nhất mà lại đi học ở âm nhạc Hàn, nơi cũng học từ Mỹ? Tức cười thật!
- Thời gian qua, không ít những tên tuổi lớn như Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Phương Thanh... đón nhận nhiều ý kiến trái chiều khi cover lại các ca khúc nhạc trẻ thịnh hành. Đa phần khán giả cho rằng đó là hành động tự "phá đền đài" của bậc tiền bối. Anh suy nghĩ ra sao về quan niệm này?
Tôi phải nghe cụ thể họ hát tôi mới biết được. Có nhiều đường để đến La Mã chứ không phải một đường, miễn sao hợp lí là được, ca sĩ thể hiện bài hát có giá trị nghệ thuật chứ đừng thương mại hóa. Sợ nhất là những người phá cách mà không có suy nghĩ... phải là người có trình độ và tư duy tốt thì mới nên làm điều này.
Trong chương trình Giọng hát Việt năm nay, theo như tôi biết thì sẽ có tiết mục HLV hát, lần này tôi sẽ thể hiện một ca khúc nhạc Mỹ thời bây giờ để đến gần các bạn trẻ hơn, để người ta thấy âm nhạc nào cũng hay. Đâu phải cứ nhạc xưa, sang thì sẽ hay, sợ nhất là làm ra vẻ sang mà nghe không giống ai, ăn thua thẩm mĩ của mình thôi.
- Hay như trường hợp của ca sĩ Đức Tuấn mới đây khi ra mắt album nhạc Trần Thiện Thanh, dư luận cũng bày tỏ sự phản đối việc Đức Tuấn làm mới cách thể hiện những ca khúc vốn đã quen thuộc với người nghe và gọi đó là "hát bolero theo kiểu Mỹ". Là người đi trước, theo anh làm thế nào để hài hòa giữa thị hiếu khán giả và cái tôi nghệ sĩ để tạo nên sự khác biệt cho mình?
Sắp tới, tôi cũng sẽ làm một cuốn băng nhạc Trần Thiện Thanh và ở quá khứ, tôi từng thể hiện sự phá cách trong cách thể hiện bài hát Bảy ngày đợi mong (sáng tác Trần Thiện Thanh) nhưng chỉ như vậy thôi chứ không phá hơn nữa. Nhạc bolero vốn là nhạc của người Nam Mỹ, giai điệu bồng bềnh hay lắm nên cả thế giới đều thích.
Trên thế giới, nhạc bolero được trình diễn khá đa dạng màu sắc âm nhạc chứ không đơn thuần chỉ một điệu duy nhất. Tôi nghĩ nếu muốn giúp cho khán giả biết nghe bolero hơn thì phải làm từ từ, chứ đừng làm vội quá. Từng tuổi này, tôi nghiệm ra một điều rằng, yếu tố để người ca sĩ hát hay không phải là giọng. Đồng ý anh có giọng tốt nhưng chưa chắc đã là người hát hay nhất, còn tư duy nữa. Điều giúp ca sĩ hát hay chính là thẩm mĩ âm nhạc.
Người Pháp có câu nói: "Chiếc áo không làm nên thầy tu" rất đúng và tôi rất thích. Giọng hát chưa phải yếu tố tiên quyết đưa bạn thành ca sĩ. Anh phải dùng chất giọng của mình chuyên chở cảm xúc, nội dung ca khúc đến người nghe. Cái thẩm mĩ âm nhạc nó dẫn dắt mình quan trọng lắm, lúc nào nên khoe, khi nào nên giấu.
Tôi là người may mắn khi hồi xưa đi hát, nhiều người không thích lối trình diễn của tôi, họ bảo tôi hát kì quá, cứng ngắt, nghe phô... Nhưng tự nhiên một ngày đẹp trời lại có nhiều người khen, đó là khi người ta hiểu được mình. Quan trọng nhất là mình biết mình muốn gì và tôi nghe, học hỏi từ những người hát hay nhất trên thế giới. Điều đó giúp mình biết thế nào là hay, ra sao là dở, giúp óc thẩm mĩ cao hơn để tự nhận xét bản thân mà tiến lên. Tôi đâu có sư phụ, thầy giáo gì đâu. "Sư phụ" tôi là tất cả những ca sĩ Mỹ, mình học tinh hoa của họ trong các sản phẩm băng đĩa âm nhạc.
- Phát ngôn "nhạc Việt ấu trĩ" anh vừa chia sẻ mới đây trên một trang báo điện tử là nhằm nói đến nhạc Việt hiện tại?
Không, nhạc Việt bây giờ phát triển, tiến bộ hơn xưa nhiều rồi. Câu nói đó tôi muốn nhắc lại thời tôi mới bắt đầu đi hát, nhạc Việt ấu trĩ lắm, không được như hiện nay đâu.
- Nhưng thực tế cho thấy, gu nghe nhạc của khán giả trẻ thời nay thay đổi nhiều, họ quay trở lại thích những gì hoài cổ, yêu bolero...Anh nghĩ sao về chuyện này?
Theo tôi, vì nhạc ngày xưa người ta viết bằng trái tim, cảm xúc thật, còn bây giờ thì âm nhạc "mì ăn liền", thương mại hóa và có sự can thiệp của công nghệ âm thanh. Nhạc xưa phần lời rất được chú trọng, ý nhạc là linh hồn ca khúc và mang tính riêng biệt bởi thời đó chưa có YouTube để bắt chước, muốn sáng tác giỏi, hát hay thì phải tự học. Còn bây giờ, nhạc Việt rập khuôn nhiều quá nên nhiều khi chẳng có tình cảm gì.
Nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... đọc lời thôi đã thấy xao xuyến rồi và người nhạc sĩ phải mất bao nhiêu lâu mới sáng tác nên tác phẩm. Ở bên Mỹ, giới trẻ cũng quay trở lại nghe nhạc xưa nhiều lắm vì giá trị nghệ thuật của nhạc xưa rất cao, họ nghe để học hỏi cái hay và phát triển hơn. Thành ra trong tương lai, bolero hay nhạc tiền chiến sẽ trở thành âm nhạc cổ điển của Việt Nam.
- Vậy theo anh, sự chuyển động đó là bước tiến hay lùi của âm nhạc Việt?
Sẽ là bước lùi nếu chúng ta làm lại những điều mình từng làm mấy chục năm trước. Nhạc hồi xưa ấu trĩ về hòa âm, mà thời nay ở thế kỉ 21, mình trở lại và nghe, thể hiện cũng đúng với tinh thần đó thì là mình đang đi thụt lùi. Hồi xưa vì thiếu thốn nên âm nhạc còn hạn chế, chẳng lẽ giờ chúng ta vẫn làm y như thời khó khăn mà gọi là giữ vững tinh thần?
Do vậy cần sự phá cách tinh tế, mình vẫn nghe và hát bolero nhưng trên nền sang trọng, sâu sắc hơn. Sẽ là điều buồn của âm nhạc Việt Nam nếu mình trở lại làm theo cách cũ.
Giới trẻ bên Mỹ hay Canada vẫn hát nhạc xưa nhưng theo cách hát mới, cao siêu, màu sắc hơn. Đâu phải cái gì của bolero cũng đúng đâu, bài đó hay nhưng thời bây giờ mình cần khoác áo mới cho nó hợp thời hơn. Tôi khuyến khích ca sĩ trẻ dùng thẩm mĩ, kinh nghiệm, suy nghĩ cấp tiến nhưng vẫn tôn trọng tinh thần bài hát để làm mới bolero, đưa nó lên cao hơn. Sợ nhất là người nhạc sĩ, nghệ sĩ mà đi theo thị trường, thị hiếu người ta, mình phải biết bản thân muốn gì và cố gắng làm nghệ thuật thôi.
- Đáng buồn hơn nữa khi nhạc Việt thời gian qua ghi nhận khá nhiều ca khúc có phần lời thô tục, tựa đề phản cảm gây bức xúc dư luận. Ở góc độ người làm chuyên môn, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Những bài hát ấy chắc chắn không tốt cho giới trẻ rồi. Chúng ta có những câu chỉ nên nói trong phòng ngủ hay trong nhà bếp... Khi bước lên sân khấu, mình là người của công chúng nên từng lời nói phải cẩn thận, không thể dùng văn chương trên giường với vợ chồng để lên sân khấu hát cho cả nước nghe. Tôi không làm được như vậy! Điều này thuộc về văn hóa của nghệ sĩ bởi đâu phải khán giả nào cũng biết nghe, đó là điều đáng buồn và tội cho công chúng.
- Xin cảm ơn anh!
Giải trí 14:25 | 03/06/2019
Giải trí 18:30 | 28/05/2019
Giải trí 10:37 | 27/05/2019
Giải trí 14:49 | 20/05/2019
Giải trí 17:34 | 13/05/2019
Giải trí 06:30 | 08/05/2019
Giải trí 11:21 | 06/05/2019
Giải trí 14:16 | 29/04/2019