Đây là cách chúng ta dễ bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng giữa mùa dịch corona

Lợi dụng tâm lí lo sợ giữa mùa dịch corona, các đối tượng xấu gửi tin nhắn, email chứa mã độc hoặc đường dẫn giả mạo ngân hàng. Bằng cách này, người dùng dễ dàng bị mất toàn bộ số tiền trong tài khoản.

Hiện nay, các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona (Covid-19) thường xuyên được gửi tới nhiều người, thông qua email, tin nhắn văn bản, hoặc các ứng dụng mạng xã hội. Nhưng thực chất, một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để gửi email phát tán mã độc (emotet,…) hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng phishing email.

Cảnh báo này đang được Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) gửi đến khách hàng. Cụ thể, theo ngân hàng này, các email/tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh corona, sau đó yêu cầu người dùng click vào đường link đính kèm trong mail.

Đây là cách chúng ta dễ bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng giữa mùa dịch corona  - Ảnh 1.

Lợi dụng tâm lí lo sợ giữa mùa dịch corona, nhiều đối tượng giở chiêu lừa đảo qua tin nhắn, email. (Ảnh: The Verge).

Khi truy cập vào link, hoặc đơn giản chỉ click mở email/tin nhắn, thiết bị của người dùng, có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. MSB cho biết một vài trường hợp khác, đối tượng lừa đảo yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking, để chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

Về việc này, MSB khẳng định ngân hàng này cũng như các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác, không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu trong bất kì trường hợp nào. Do đó, khi nhận được các email, tin nhắn văn bản, hoặc các ứng dụng mạng xã hội có nội dung tương tự, người dùng tuyệt đối cảnh giác.

Trước đó, theo thông tin cảnh báo từ Bộ Công an, các đối tượng lừa đảo còn có thủ đoạn khác để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Cụ thể, họ giả mạo tin nhắn thương hiệu - SMS Brand Name của các ngân hàng, kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lí (các trang web này có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng).

Các tin nhắn giả mạo này được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu "thật" của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng. Do đó, khách hàng rất dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ các ngân hàng, hay các cơ quan hữu quan. Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) cảnh báo, đây là thủ đoạn rất tinh vi và hoàn toàn mới.

Các loại tin nhắn thường dưới dạng: "Trân trọng thông báo tới Quý khách! Tài khoản của bạn sẽ bị tạm ngưng dịch vụ vào ngày …... Quý khách nhanh chóng đăng nhập vào http://www.***bank.top để cập nhật trực tuyến", hoặc "Kính gửi người dùng ***Bank, điểm tài khoản của bạn đã được đổi thành điều kiện quà tặng. Vui lòng đăng nhập www.***bank.vip ngay để đổi quà. Nếu quá hạn, nó sẽ không được chấp nhận",…

Các trang web giả mạo có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng, và được yêu cầu điền các thông tin, như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng, và thực hiện được các hành vi như: chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng kí vay online…

Đây là cách chúng ta dễ bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng giữa mùa dịch corona  - Ảnh 2.

Người dùng chỉ nên cung cấp thông tin tài khoản trên các đường dẫn chính thống của ngân hàng. (Ảnh: Getty).

Để phòng tránh bị mất tiền "oan", người dùng cần lưu ý không mở email từ những người gửi lạ. Quan trọng hơn là không truy cập, không cung cấp thông tin Ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) hoặc thẻ vào đường link lạ được đính kèm trong email. Người dùng chỉ đăng nhập vào địa chỉ Internet Banking chính thống từ ngân hàng của mình.

Ngoài ra, người dùng cần xem kĩ mục đích sử dụng của OTP được đề cập trong SMS của ngân hàng trước khi nhập thông tin. Trong trường hợp nghi ngờ bị lộ thông tin thẻ hoặc ngân hàng điện tử, người dùng cần liên lạc cho bộ phận hỗ trợ của các ngân hàng càng sớm càng tốt.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.