Điện ảnh Việt Nam đã thực sự hiểu cộng đồng LGBT?

Khi cộng đồng LGBT đang ngày càng có tiếng nói tích cực trong xã hội thì điện ảnh nước nhà có thực sự phản ánh khách quan về họ dưới lăng kính của nghệ thuật?

Khán giả đến gần hơn với cộng đồng LGBT

Những năm gần đây, điện ảnh Việt đã xuất hiện ngày càng nhiều những bộ phim lấy đề tài về cộng đồng LGBT hoặc có những nhân vật thuộc cộng đồng LGBT. Điều này thu hút một lượng lớn khán giả theo dõi và thưởng thức. Đáng chú ý, cần kể đến những bộ phim có giải thưởng lớn, tạo nên “cơn sốt phòng vé” và khiến khán giả thay đổi nhận thức về cộng đồng LGBT.

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt
Hình ảnh Cầm (Phạm Linh Đan) và Duyên (Đỗ Thị Hải Yến) xông hơi tạo ấn tượng về cảm giác cho khán giả (trích đoạn phim “Chơi vơi”)

Bộ phim “Chơi vơi” (2009) đã xuất hiện thứ tình cảm khó gọi thành tên của nữ nhà văn Cầm (Phạm Linh Đan) dành cho cô bạn gái Duyên đã lấy chồng (Đỗ Thị Hải Yến) đan xen trong các tuyến nhân vật có mối quan hệ quẩn quanh, phức tạp. Bộ phim mang về cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và biên kịch Phan Đăng Di giải thưởng của Hội phê bình Điện ảnh Quốc tế tại Liên hoan phim Venice 2009 dành cho hạng mục “Orizzonti”, cùng với hai giải thưởng trong nước tại Cánh diều vàng 2009.

Vài năm sau, Phan Đăng Di trở lại với vai trò đạo diễn trong bộ phim “Cha và con và…” (Mekong Stories) và giành giải “Ban giám khảo trẻ” tại Festival des 3 Continents 2015 - Liên hoan phim ba châu lục. “Hot boy nổi loạn 1” (2011) khắc họa thế giới mại dâm đồng tính nam cùng câu chuyện của những thân phận bất hạnh nơi phố thị sầm uất mang về 4 giải thưởng tại Bông sen vàng lần thứ 17.

Đến năm 2017, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tiếp tục thành công với phần 2 của phim, xoáy sâu hơn vào cuộc đời trắc trở của Lam (Lương Mạnh Hải) trên con đường đấu tranh với chính bản thân mình, tìm về nơi bình yên đích thực. Phim “Yêu” (2015) với cặp đôi lesbian Tú (Gil Lê) – Nhi (ChiPu) tạo nên hiệu ứng tốt, là một sản phẩm điện ảnh remake từ phim “The love of Sima” (Thái Lan) nhưng “Yêu” lại có tính sáng tạo cao phù hợp với người Việt, mang về giải Mai Vàng phim Điện ảnh – Truyền hình năm 2016.

Bộ phim “Lô tô” (2017) khiến khán giả hiểu hơn về kiếp đời “trôi sông lạc chợ” của những người chuyển giới trong đoàn hát Lô tô “nay đây mai đó” trên những chuyến đi rong ruổi. Bộ phim được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật trong phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (2014). “Lạc giới” (2014) trở thành bộ phim điện ảnh Việt đầu tiên lấy đề tài về người song tính, mang về 3 giải thưởng tại Cánh diều vàng 2014.

Ngoài ra còn kể đến những bộ phim tạo nên “dấu ấn phòng vé” như ‘Để mai tính 2” (2014), sau 6 tuần công chiếu cán mốc 100 tỷ đồng khẳng định sức hút của chị Hội (Thái Hòa) ngày càng lan rộng; phim “Cầu vồng không sắc” (2015) với cặp đôi Hoàng (MC Thanh Tú) – Hùng (Tuấn Việt); “Xóm trọ 3D” (2017) miêu tả cuộc sống của những người LGBT sống trong một xóm trọ nghèo, với cái nhìn cảm thông, giàu nhân ái mà cũng vô cùng hài hước…

Và gần đây là “Song Lang” (2018) của đạo diễn Việt kiều Leon Quang Lê phục dựng cải lương “một thưở vàng son” của Sài Gòn những năm 80 của thế kỷ trước, tinh tế hòa quyện mạch sống của từng tích cải lương vào câu chuyện tình chưa biết nói thành lời của chàng kép chính Linh Phụng (Issac) và Dũng “thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát).

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt
“Lạc giới” được coi là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam có hình ảnh của người song tính

Có thể nhận thấy sự đa dạng của cốt truyện và các tuyến nhân vật trong các bộ phim lấy đề tài về cộng đồng LGBT. Họ có thể xuất thân từ một gia đình giàu có (Hoàng trong “Cầu vồng không sắc”), có một khối tài sản đáng mơ ước (chị Hội trong “Để mai tính 2”), hay có một hoàn cảnh đặc biệt (Tú trong “Yêu”), thậm chí họ còn phải ở trong một xóm nghèo thực chất là khu đất sắp bị giải tỏa bất cứ lúc nào (“Xóm trọ 3D”). Và còn cùng cực hơn nữa khi họ phải bỏ nhà đi vì không muốn “giấc mơ chết nghĩa là đời cũng hết” (gã con trai tên Đực, sau trở thành Lệ Liễu trong phim “Lô tô”).

Tuy mỗi người một số phận, khác nhau về hoàn cảnh sống, tính cách nhưng những người trong cộng đồng LGBT ngoài đời và trong phim Việt đều có điểm chung: họ cô đơn, mong muốn được yêu thương và đau khổ, dằn vặt với tình yêu chân thành của mình.

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt
Cặp đôi Tú (Gil Lê) và Nhi (ChiPu) trong bộ phim “Yêu”

Cuộc đời này còn gì hạnh phúc hơn khi được sống với tình yêu mà mình lựa chọn nhưng liệu họ có thực sự hạnh phúc khi muốn có tình yêu ngang trái đó, họ phải đánh đổi bạn bè, gia đình và chấp nhận sự xa lánh và nặng nề hơn là sự kỳ thị của xã hội dành cho mình? Nhi (ChiPu) đã từng rời xa Tú để mẹ Tú không phải đau khổ vì “đã mất một người con trai, giờ bác không muốn mất thêm một người con gái” (phim “Yêu”).

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt
Những phận người “trôi sông lạc chợ” vẫn tìm cho mình niềm hạnh phúc riêng (trích đoạn phim “Lô Tô”)

Lệ Liễu đã có một tuổi thơ bất hạnh trước khi được sống thật là chính mình: bị người thân đánh đập vì sở thích bôi son, bị bắt phải đánh chết con bò để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, bị ép buộc phải lấy vợ để rồi phải vội vàng chạy trốn khỏi nhà, không hề hay biết mình có một đứa con gái. Lệ Liễu trong đoàn hát “Lô tô” là hình mẫu điển hình của những người thuộc cộng đồng LGBT, họ luôn rơi vào những tình huống trớ trêu, đứng giữa ngã ba đường không biết nên đi về hướng nào.

Lệ Liễu (Hữu Châu) yêu thương Quân (Trịnh Xuân Nhản) nhưng không thể làm chàng thỏa mãn hoàn toàn với tình yêu ấy. Lệ Liễu có người con gái Thương (Nam Em) nhưng không dám nhận vì sợ làm con tổn thương mà cũng muốn sống thật với mình. Khán giả khi xem phim “Lô tô” chắc hẳn vẫn còn nhớ đoạn đối thoại đầy xúc động giữa Thương và Lệ Sa Sa (Hải Triều). Khi Thương hỏi Lệ Sa Sa có nhớ nhà không, cô đã nghẹn ngào trả lời: “Tụi chị có nhà mà không dám nhớ, vì mỗi lần nhớ nhà là lại thấy có lỗi với mẹ cha”.

Những nhân vật kể trên, họ đều giằng xé tâm can, họ gào thét trong tâm trí, họ khóc lóc, họ đau đớn… Tất cả những trạng thái cảm xúc đó của cộng đồng LGBT nếu không được khắc họa chân thực mà giàu tính nghệ thuật trong những bộ phim điện ảnh, liệu đến bao giờ khán giả Việt mới mở lòng cảm thông, chia sẻ cho những con người “sinh ra phận mình trái ngang, yêu đương khác thường” (lời nhạc phim “Lô tô”)?

Nhưng thực sự phim Việt đã hiểu cộng đồng LGBT?

Dễ dàng nhận ra những mô típ quen thuộc trong phim Việt về cộng đồng LGBT như đó là những con người vì hoàn cảnh mà phải thay đổi bản thân, giới tính của mình (như Tú trong phim “Yêu” vì trong gia đình có người anh trai qua đời, Tú muốn gánh vác trọng trách của anh nên đã trở thành một người con trai mạnh mẽ; họ có số phận bất hạnh, không lối thoát, chỉ có cái chết mới đưa họ về với nhau (Hoàng và Khôi trong “Hot boy nổi loạn 2”, Hoàng và Hùng trong “Cầu vồng không sắc”).

Hay tệ hơn, hình ảnh của cộng đồng LGBT còn trở nên “méo mó” với hàng loạt những vai diễn “dán nhãn” mang tính chất gây cười quá đà, lối sống khác người trở nên lố bịch. Điều này vô cùng tai hại vì sẽ khiến khán giả Việt “quen quá hóa nhờn” và có nhận thức sai lệch về cộng đồng LGBT.

Điện ảnh Việt đang có lối nghĩ cũ khi làm phim: một là bi kịch hóa, hai là hài hước hóa “quá liều lượng” về LGBT. Những nhà làm phim Việt cần tìm hiểu kỹ càng và nhận thức đúng đắn về cộng đồng LGBT sao cho hình ảnh của họ trên màn hình điện ảnh được tái hiện một cách chân thực, khách quan, đa chiều và không đơn thuần cực đoan từ một phía.

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt
Hình ảnh trong phim “Hot boy nổi loạn 2”

Chúng ta vẫn quen thuộc với những lời khẩu hiệu kêu gọi sự bình đẳng trong cách ứng xử đối với cộng đồng LGBT. Vậy thì nên đặt họ vào cuộc sống bộn bề thường nhật này với những cảm xúc vui buồn, hờn giận, hạnh phúc như bao tình yêu bình dị khác – “Đó không phải là một câu chuyện về đồng tính. Đó cũng không phải là một câu chuyện về dị tính. Đó là câu chuyện về con người” (lời giới thiệu bộ phim tài liệu nổi tiếng về LGBT của Mỹ “Bridegroom”).

Ngay cả “Song Lang” (2018) với tư cách là một trong những tác phẩm nghệ thuật có ngôn ngữ điện ảnh gần như hoàn hảo mang hơi thở của LGBT cũng có những khúc mắc khiến khán giả chưa thỏa mãn. Điểm cộng của phim là không cần dùng đến chiêu trò câu khách gây kích thích nặng về yếu tố sex mà lại khoác lên mình những rung động thầm kín, man mác buồn của chuyện tình dở dang nhưng vẫn đủ để khán giả ngầm hiểu ý đồ của đạo diễn.

Nhưng có phải vì ở thập niên 80 của thế kỷ trước, người ta thương nhau kín đáo, e dè, ý nhị đến mức đôi khi khán giả phân vân rằng sợi dây tình cảm liên kết giữa Linh Phụng và Dũng “thiên lôi” là tình yêu giữa hai người đàn ông hay tình tri kỷ, tri âm giữa người đàn kẻ hát trong bộ môn nghệ thuật cải lương có nét tương đồng với Bá Nha - Tử Kỳ? Nhịp phim quá thong thả lúc đầu và diễn biến quá nhanh lúc sau khiến cho khán giả chưa bắt kịp với sự thay đổi chóng vánh trong quá trình nảy sinh tình cảm của hai nhân vật chính.

Cái kết của phim khiến cho khán giả đau xót, hụt hẫng, nuối tiếc. Vì nếu theo như kết phim, tình cảm giữa Linh Phụng và Dũng “thiên lôi” chỉ là những xúc cảm khó gọi thành tên, không lời ước hẹn, không dẫn đến kết cục tương lai - một “lối đi cụt” cho LGBT từ những năm 80?

Điện ảnh thế giới mỗi năm lại có thêm những bộ phim lấy cảm hứng từ cộng đồng LGBT và tạo nên tiếng vang lớn. Trước khi “tung hứng” với khán giả lối kể chuyện duyên dáng, những góc quay tuyệt đẹp, khi kể về những con người LGBT vô cùng đặc biệt và thú vị, họ thường bắt đầu bằng những câu chuyện giản đơn, phổ biến và quen thuộc như bao tình yêu thông thường khác: tiếng sét ái tình giữa Carol Aird (Cate Blanchett) và Therese Belivet (Rooney Mara) tại cửa hàng đồ lưu niệm Giáng sinh (phim “Carol”); những phân vân, do dự, đôi lúc sợ hãi khi “come-out” của hai thanh niên trẻ Simon và Blue (phim “Love, Simon”)…

Mong rằng thời gian tới, khán giả Việt sẽ có cơ hội thưởng thức những bộ phim về đề tài LGBT hay, chất lượng, giàu cảm xúc và mang ý nghĩa nhân văn bởi những câu chuyện nhỏ luôn có khả năng gửi gắm những thông điệp lớn.

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt Tôi là một người chuyển giới

"Những ngày tháng sống chung với mái tóc dài và những bộ quần áo con gái, tôi cảm thấy bực bội, đó là lý do ...

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt Cần làm gì đối với hành vi bắt nạt trẻ em LGBT xảy ra trong trường học?

Đây là một nội dung nằm trong chuỗi chủ đề tại cuộc thi Phát triển bộ tài liệu thông tin, giáo dục và truyền thông ...

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt Hé lộ những góc khuất bất ngờ về cuộc sống của người chuyển giới ở Ấn Độ

Người chuyển giới ở Ấn Độ thường phải đi ăn xin hoặc bán dâm để kiếm sống qua ngày.

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt Tâm sự của người mẹ gắn bó với hành trình VietPride khiến nhiều người suy ngẫm

"Giây phút hàng trăm quả bóng đủ sắc màu được tung lên trời cao, cảm giác tự do được giải thoát như vỡ ra. Các ...

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt 9X chuyển giới: 'Nhiều lần ăn cơm chan nước mắt vì bị đồng nghiệp mắng chửi là pê đê'

An Vi là gương mặt khá quen thuộc trong làng mẫu cũng như cộng đồng LGBT Việt Nam. Suốt hành trình được sống với chính ...

dien anh viet nam da thuc su hieu cong dong lgbt 4 bộ phim đồng tính nữ của Hàn Quốc khiến người xem ám ảnh nhất

Cùng xem lại 4 bộ phim về đề tài đồng tính nữ từng gây sốt những năm qua của điện ảnh Hàn Quốc trong cộng đồng LGBT và ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.