Duy trì sữa mẹ: Bú mọi lúc, hút mọi dịp!

Cho con bú mọi lúc mọi nơi và hút sữa khi cần là bí quyết của chị Trúc Phương (Cần Thơ) dù đi làm cả ngày nhưng cả hai con (4 tuổi và 12 tháng tuổi) vẫn được hưởng dòng sữa mẹ ngọt ngào.

Chị Trương Trúc Phương hiện đang là giảng viên tại trường Đại học Cần Thơ. Công việc giảng dạy khá bận rộn nhưng hai bé nhà chị (bé lớn 4 tuổi và bé nhỏ 12 tháng tuổi) vẫn được hưởng dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Bởi chị trân quí giá trị của từng giọt sữa nên lúc nào có thể mang con theo thì mang và cho con bú mẹ trực tiếp, còn lúc nào không tiện mang con đi cùng hoặc mẹ đi làm thì mẹ mang theo máy hút sữa và luôn sẵn sàng mọi tâm thế để hút sữa khi có thời gian. Cùng trò chuyện với chị Phương về những kinh nghiệm nuôi con sữa mẹ và duy trì sữa mẹ sau khi mẹ đi làm.

duy tri sua me bu moi luc hut moi dip
Với lịch giảng dạy dày đặc, chị Trương Trúc Phương (Cần Thơ) vẫn cố gắng duy trì sữa mẹ cho bé lớn 4 tuổi và bé nhỏ 12 tháng tuổi.

- Chào chị Phương, được biết chị có con 4 tuổi nhưng vẫn bú mẹ, phải chăng chị thuộc nhóm “cơ địa nhiều sữa”, con bú mãi không hết?

Để biết mình có phải do “cơ địa nhiều sữa” hay không, các bạn chịu khó nghe mình kể lại câu chuyện sữa mẹ hoàn toàn khác nhau của 2 con mình.

Tháng 9 năm 2013, lần đầu sinh con còn nhiều bỡ ngỡ và sinh con trong tình trạng cấp cứu mổ bắt bé vì khô ối. Do nhập viện mổ lúc 20 giờ nên cả đêm đó mình bị cách li với con, con hoàn toàn ko được bú mẹ trong những giờ đầu sau sinh. Sáng hôm sau quá mệt mỏi do cả đêm nằm trong phòng hậu phẫu hầu như mình không ngủ được nên mình quên luôn chuyện cho con bú. Khoảng trưa hôm sau mình mới bắt đầu cho con bú.

Do con mới sinh ra đã bú sữa công thức và bú bình nên bé quen ti bình, lười mút ti mẹ. Lúc đó mình không có kiến thức cho nên cũng không thật sự kiên trì với việc tập bé bú. Mọi người xung quanh ai cũng bảo vú mình mềm, không căng là không có sữa nên bé không bú. Lúc đấy cứ nghĩ do cơ địa mình ít sữa chứ hoàn toàn không biết được do bị cách li, do con không được bú ngay sau sinh, do bé bị quen ti bình nên dẫn đến hậu quả như vậy.

Bản năng của người làm mẹ là muốn được cho con bú dòng sữa ngọt ngào của chính bản thân mình nên mình cố gắng rất nhiều, ai bảo ăn gì uống gì lợi sữa là mình đều thử hết nhưng tất cả đều không có kết quả. Con mình bỏ bú và mình phải mua đồ bóp sữa bằng tay về để lấy sữa ra cho con bú bình. Nhưng do làm không đúng phương pháp nên sữa càng ngày càng ít. Trong khoảng 2 tháng đầu là bé uống gần như 70-80% sữa công thức.

duy tri sua me bu moi luc hut moi dip
Lần sinh bé thứ 2, chị Phương chọn bệnh viện không cách li mẹ con dù sinh mổ.
duy tri sua me bu moi luc hut moi dip
Lần sinh thứ 2 này, nhờ áp dụng đúng mà chị có khởi đầu nuôi con sữa mẹ thuận lợi.

Mình là người làm việc trong môi trường học thuật nên cũng thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Do chuyên môn sâu về sinh học nên mình có nền tảng kiến thức về sinh lý sinh sản.

Đến 2016 mình mang bầu và sinh bé nhỏ. Lần này mình tự nói với mình làm đúng ngay từ đầu để con được sữa mẹ hoàn toàn và lâu dài. Khi đi sinh mình chọn bệnh viện không cách li dù sinh mổ. Bé được tiếp da với mẹ, cho bú ngay từ đầu, ngay khi bé được mang ra khỏi bụng mẹ. Nằm trong phòng hậu phẫu 3h thì bé nằm suốt trên ngực mẹ để da tiếp da và bú.

Mình tư vấn sữa mẹ, hỗ trợ các bà mẹ cho con bú và nuôi con sữa mẹ. Mình đã hỗ trợ rất nhiều ca, mình thấy cũng có nhiều mẹ trong 72h đầu sữa non đã có rất nhiều. Còn mình đến ngày thứ 2 nặn mãi mới thấy rỉ tỉ ở đầu ti. Nhưng vì nắm chắc những kiến thức nuôi con sữa mẹ, nên lần sinh thứ 2 này mình khá tự tin.

Sữa non đã được tạo ra trong bầu ngực từ thai kỳ, việc dùng tay nặn không thấy sữa là vì mình chưa tác động đủ kích thích để giúp sữa phóng ra khỏi bầu vú, và chỉ có bé bú mút đúng cách mới giúp tạo được kích thích đúng ngưỡng để sữa phóng ra khỏi vú. Mình cũng tin tưởng vào lập trình của tạo hóa là sữa của mẹ dù có ít thì cũng đủ đảm bảo sự sinh tồn của con non. Nếu không như vậy thì loài người đã tiệt vong từ lâu khi chưa có sự xuất hiện của sữa nhân tạo và thức ăn nhân tạo.

Nói tóm lại, không có khái niệm cơ địa ít sữa, chỉ là người mẹ làm đúng ngay từ đầu thì sẽ đủ sữa, đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển của con. Và mình là một minh chứng cụ thể cho điều đó. Bởi vì mình quyết tâm cho cả 2 bé được uống sữa mẹ nên sau khi bé nhỏ bú trực tiếp mình dùng máy hút hỗ trợ hút sạch sữa trong ngực và kích thêm cho bé lớn.

duy tri sua me bu moi luc hut moi dip
Không có khái niệm cơ địa ít sữa, chỉ là người mẹ làm đúng ngay từ đầu thì sẽ đủ sữa, đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển của con.

- Các mẹ thường lo sợ đi làm sẽ ít sữa, dần dần dẫn đến mất sữa, là một người nuôi con sữa mẹ, đồng thời cũng tư vấn sữa mẹ, chị nghĩ nguyên nhân chính là do đâu?

Mình tư vấn cho nhiều mẹ giữ sữa khi quay lại với công việc, mình nghĩ rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng các mẹ không giữ được sữa khi đi làm lại:

Thứ 1 là nguyên nhân khách quan. Mặc dù luật lao động qui định cho phép lao động nữ có con dưới 12 tháng có 1 tiếng để hút sữa nhưng còn nhiều cơ quan, người sử dụng lao động không tuân thủ điều đó, không có những chính sách hỗ trợ giúp đỡ bà mẹ cho con bú. Vì vậy rất nhiều mẹ do tính chất công việc mà không giữ được sữa cho con, đi làm cả buổi 5-6 tiếng không cho con bú, không hút sữa ắt sẽ dẫn đến giảm sữa dần dần.

Thứ 2 là nguyên nhân chủ quan. Do chúng ta chưa hiểu đầy đủ tầm quan trọng, vai trò và giá trị dinh dưỡng trong từng giọt sữa mẹ nên chúng ta chưa có đủ quyết tâm để giữ sữa trong mọi hoàn cảnh và dễ tự thỏa hiệp tạm chấp nhận cho con uống các loại sữa thay thế sữa mẹ

Mình rất thấu hiểu tâm sự của nhiều mẹ, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Có nhiều mẹ hoàn cảnh lắm, thương lắm, để hút sữa, giữ sữa cho con khi đi làm là cả vấn đề. Nhưng mình hay nói với các mẹ rằng: “Sữa mẹ rất quí giá cho con, sữa mẹ xây dựng nền móng vững chắc cho sức khỏe, sự phát triển não bộ của con. Vì vậy các mẹ nên cân nhắc, sắp xếp để có thể giữ được sữa cho cho con”.

duy tri sua me bu moi luc hut moi dip
Chị Phương mang con theo cùng đến một buổi thảo luận và con được bú mẹ trực tiếp.

- Công việc hiện tại của chị có thuận lợi cho việc hút sữa không? Nếu không, chị có thể chia sẻ những khó khăn của chị khi hút sữa nơi làm việc được chứ? Và chị tìm ra giải pháp gì để khắc phục khó khăn đó?

Sau 6 tháng nghỉ thai sản thì mình quay lại công việc với lịch dạy dày đặc. Mỗi ngày mình thức sớm cho con bú, bé bú xong mình hút sạch sữa ra. Tới lớp dạy suốt buổi, có khi mình vừa ngồi trong lớp vừa hút sữa bằng bộ hút sữa rảnh tay. Có hôm dạy ở nhà học không có phòng giảng viên, mình ngồi ngay cả hành lang lớp học, dùng khăn che lại để hút sữa.

Nói chung bởi vì mình trân quí giá trị của từng giọt sữa nên lúc nào có thể mang con theo thì mang và cho con bú mẹ trực tiếp, còn lúc nào không tiện hoặc mẹ đi làm thì mang theo máy hút sữa và luôn sẵn sàng mọi tâm thế để hút sữa khi có thời gian.

Có những đợt mình tham gia training nghiệp vụ, mình toàn tranh thủ giờ mọi người nghỉ giải lao, giờ mà mọi người sinh hoạt tập thể có nội dung không quá quan trọng thì mình đi hút sữa. Mình xem chuyện cho con bú và hút sữa là việc quan trọng hàng đầu trong giai đoạn này để mình sắp xếp mọi thứ, khắc phục khó khăn và đạt được mục đích giữ sữa lâu dài cho con.

- Chị từng nói chị “kích sữa trong tâm thế không còn gì để mất”, nghĩa là kích sữa bằng mọi giá, mọi cách? Xin chị chia sẻ thêm về quá trình kích sữa để các mẹ có thêm động lực nuôi con sữa mẹ?

Quay lại câu chuyện kích sữa năm 2013 khi mình sinh bé đầu, có những lúc lượng sữa ở mức cũ hoài không tăng lên được. Nhưng mình không nản bởi mình hiểu sữa mẹ rất quan trọng với con. Nên mình tâm niệm thôi thì đằng nào mình cũng có nhiêu đó, được giọt nào hay giọt đó, chứ không hề thấy nản và muốn bỏ cuộc theo cách nghĩ “ít quá kích mất thời gian”.

Vậy là mình coi việc kích sữa nó giống như việc mình thở, mình ăn mỗi ngày. Thậm chí đó là sở thích là niềm vui của mình vì mình đang làm một việc hết sức có ý nghĩa cho con đó là cung cấp một nguồn dinh dưỡng vô cùng quí giá cho sức khoẻ và sự phát triển thể chất trí não của con. Kích sữa ròng rã hơn 1 tháng và cũng tạm đủ cho con bú. Kích sữa trong tâm thế như vậy, tin tưởng là người khác làm được mình sẽ làm được, giữ tinh thần thoải mái vui vẻ, kích đúng phương pháp, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, mình tin chắc các mẹ sẽ thành công.

duy tri sua me bu moi luc hut moi dip
Chị Phương tranh thủ hút sữa mọi lúc mọi nơi.
duy tri sua me bu moi luc hut moi dip
Quyết tâm giữ sữa cho con bằng mọi giá.

- Theo chị yếu tố nào là quan trọng nhất khi mẹ muốn giữ sữa cho con càng lâu càng tốt?

Trải qua kinh nghiệm của bản thân và nhiều ca mà mình tư vấn thì tất cả đều phụ thuộc vào quyết tâm và ý chí của chúng ta. Đơn giản cái gì là quan trọng nhất đối với chúng ta thì bằng mọi giá chúng ta phải nắm giữ cho được. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều có những việc cần ưu tiên tập trung, giai đoạn làm mẹ và nuôi con nhỏ thì có lẽ nuôi con sữa mẹ là việc cần được ưu tiên hàng đầu. Đặt nó là mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn này thì mình sẽ quyết tâm và sắp xếp mọi việc để cho con bú và hút sữa.

duy tri sua me bu moi luc hut moi dip
Có chồng đứng cùng "chiến tuyến", người mẹ sẽ tự tin hơn trong nuôi con sữa mẹ.

- Tiếp xúc nhiều với mẹ sữa, theo cá nhân chị, rào cản lớn nhất của người mẹ khi nuôi con sữa mẹ và duy trì cho con bú mẹ là gì?

Xã hội của chúng ta có rất rất nhiều rào cản: bệnh viện, một số nhân viên y tế, gia đình, gia đình chồng, chồng, bà con, hàng xóm, bạn bè...do chưa hiểu biết đúng mức về tầm quan trọng của sữa mẹ nên đã chưa có những hỗ trợ đúng mức, kịp thời cho mẹ. Đáng buồn hơn vì những quảng cáo quá mức, sai sự thật của sữa công thức đã làm cho họ gây áp lực cho các bà mẹ từ bỏ sữa mẹ để cho con uống sữa công thức để con được béo, tăng cân.

Việc trẻ sơ sinh bị bệnh viện cách ly, bị cho uống sữa công thức, không được bú mẹ ngay trong 1 giờ đầu sau sinh thật sự gây ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ nuôi con sữa mẹ thành công.

Việc các thành viên trong gia đình có cùng nhận thức về sữa mẹ với người mẹ hay không cũng gây cản trở không nhỏ. Vì nếu gia đình không đứng cùng chiến tuyến với mẹ thì sẽ gây áp lực về mặt tinh thần, suy giảm ý chí của người mẹ trong việc duy trì sữa mẹ lâu dài cho con.

Tuy nhiên sự hiểu biết đầy đủ về sữa mẹ của người mẹ là trọng nhất. Làm mẹ thật không đơn giản, thật sự có rất nhiều áp lực gây cho người mẹ căng thẳng mệt mỏi và dễ bỏ cuộc. Nhưng nếu như chúng ta hiểu được sữa mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và sự phát triển não của con thì mình tin chắc các chúng ta sẽ không dễ dàng bỏ cuộc, chúng ta sẽ có đủ ý chí vượt qua mọi khó khăn.

- Nhiều mẹ cho con bú tới 2 tuổi là đã bị “dèm pha” rồi, còn chị con 4 tuổi vẫn cho bú, chắc bị “ném đá” dữ dội lắm phải không?

Mình sống cho mình cho con mình chứ đâu sống theo suy nghĩ và lời bàn luận của người khác. Mà mình cũng không bực bội vì những lời dị nghị đó. Khi nào mình còn bực bội, khó chịu với những lời dị nghị của người khác tức là trong tâm mình còn chưa vững vàng, chưa thật sự kiên định với con đường sữa mẹ lâu dài cho con mà mình chọn.

- Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này!

(Ảnh: NVCC)

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.