5 năm gần đây, Fintech Việt Nam là một trong những thị trường đáng chú ý trong mảng đầu tư công nghệ vào thị trường khu vực.
Theo báo cáo về đầu tư công nghệ vào thị trường Đông Nam Á của Cento, công nghệ tài chính là một trong những mảng có sức tăng trưởng đầu tư nhanh nhất.
Năm 2014, cả khu vực chỉ có đúng 7 thương vụ đầu tư vào các startup dịch vụ công nhệ tài chính và 26 thương vụ đầu tư vào công nghệ thanh toán. Đây đều là những con số khiêm tốn so với ngành bán lẻ (182).
Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau đó, 596 thương vụ đầu tư vào startup công nghệ tài chính và 433 thương vụ đầu tư vào công nghệ thanh toán đã diễn ra. Theo dự báo của Cento, đây là 2/3 ngành có khả năng tiếp tục hút vốn đầu tư lớn trong năm 2020.
Việt Nam cũng chứng kiến một năm thành công trong việc thu hút các khoản đầu tư về công nghệ. Số thương vụ gọi vốn thành công tăng từ 8% toàn khu vực năm 2018 lên 9% năm 2019. Trong khi đó, tổng số vốn trong các thương vụ cũng tăng từ 1% lên 3%.
"Sự tăng trưởng vốn đầu tư vào thị trường công nghệ Việt Nam có phần đóng góp lớn từ VNPay, Sendo và Tiki", báo cáo nhấn mạnh.
Vụ gọi vốn của VNPay là một trong những thương vụ đáng chú ý và tạo tiếng vang khi hút về 300 triệu USD vốn đầu tư. Sau khi gọi vốn, VNPay đã gia nhập nhóm công ty fintech có mức định giá trên 100 triệu USD, bên cạnh Momo và VinID.
Trong nhóm các công ty công nghệ có mức định giá trên 100 triệu USD và dưới 1 tỉ USD tại Việt Nam, ngoài VNPay, Sendo và Tiki, những cái tên còn lại bao gồm: Yeah1, Topica, Scommerce, Sendo, Tiki, TrustingSocial, Cốc Cốc và Vato.
Hầu hết công ty nổi bật trong mảng fintech tại Việt Nam đều thuộc mảng thanh toán, một hiện tượng dễ hiểu khi dư địa ngành thanh toán tại Việt Nam đang rất lớn.
Báo cáo "Số hóa tiền mặt ở ASEAN" của Ngân hàng Standard Chartered chỉ rõ rằng 86% giao dịch tại Việt Nam được thanh toán bằng tiền mặt - cao hơn hẳn so với Singapore (10%) và các nước phát triển khác trong khu vực (47%-65%).
Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến người dân dần chuyển sang dùng phương thức thanh toán không tiền mặt. Nhiều công ty giao hàng đã khuyến cáo khách hàng hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Dù nhận vốn tới 300 triệu USD, nhưng VNPay vẫn chưa thể chen chân vào top 3 ví thanh toán điện tử của Việt Nam. Thậm chí, 3 cái tên Moca, ZaloPay và Momo đã chiếm hơn 90% thị phần.
Dịch vụ thanh toán cũng chiếm đa số (35/120) trong tổng số các startup fintech tại Việt Nam, chỉ sau mảng thanh toán là các công ty cho vay ngang hàng với 23 startup.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech, dịch COVID-19 sẽ là cơ hội cho các công ty cho vay ngang hàng.
Theo ông, toàn bộ các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ gặp khó khăn trong mùa dịch. Hơn thế nữa, việc tiếp cận đến nguồn vốn hỗ trợ từ chính phủ hay ngân hàng là rất khó. Do đó, tìm tới các công ty fintech là một lựa chọn khả dĩ.
"Trên thế giới và một phần tại Việt Nam, nhiều startup đã sẵn sàng dùng lịch sử giao dịch để làm tài sản thế chấp tại các công ty fintech", ông Bình chia sẻ. Cũng theo ông, các ngân hàng truyền thống tương đối khó chấp nhận khoản vay với tài sản thế chấp là lịch sử giao dịch.
Trong mảng quản lí tài sản, Finhay cũng là một cái tên đáng chú ý. Sau khi giành giải nhì tại Fintech Summit 2019, Finhay đã gọi vốn thành công từ công ty chứng khoán Thiên Việt và Jeffrey Cruttenden, đồng sáng lập ứng dụng đầu tư vi mô Acorns.
Vài nhóm startup khác cũng được xếp vào ngành fintech như tiền kĩ thuật số (17 công ty), điểm bán hàng (10), gọi vốn cộng đồng (6), so sánh (6), dữ liệu/điểm tín dụng/quản lí (6), ngân hàng số (5), công nghệ bảo hiểm (4) và kết nối tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (3).