Gần nửa triệu khẩu trang y tế, nước rửa tay kém chất lượng, không nguồn gốc bị phát hiện đang bán ra thị trường

Bộ Công an khuyến cáo người dân nên chọn mua các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép để không mua phải hàng giả, kém chất lượng do thị trường đang xuất hiện nhiều.

Gần nửa triệu khẩu trang, nước rửa tay kém chất lượng bị phát hiện

Theo thông tin từ Bộ Công an, trước nguy cơ của dịch bệnh và sự gia tăng đột biến nhu cầu về một số mặt hàng, vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trước dịch nCoV, một số đối tượng tại các thành phố lớn trong nước đã đầu cơ, nâng giá bán sản phẩm lên gấp 4-5 lần bình thường.

Phát hiện, xử lí gần nửa triệu khẩu trang y tế, nước rửa tay kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ - Ảnh 1.

Lô khẩu trang y tế, nước rửa tay kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện. (Ảnh: NLĐ).

Đáng chú ý, để trục lợi, các đối tượng đã gia tăng sản xuất khẩu trang kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong quá trình kiểm tra, xử lí, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng giá khẩu trang và các thiết bị y tế tăng cao tại Trung Quốc để thu gom, vận chuyển, buôn lậu qua biên giới để kiếm lời.

Trong 4 ngày (1-4/2), Cục C03 đã tiến hành kiểm tra, đấu tranh, xử lí 26 vụ việc liên quan đến các hành vi nêu trên.

Lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ hơn 422.000 khẩu trang y tế các loại và gần 4.000 chai dung dịch rửa tay không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 3/2, tại khu vực Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, tổ công tác của Cục C03 phối hợp với Cục Quản lí thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra 1 xe tải, phát hiện 25.000 khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ, xuất xứ nguồn gốc.

Đối tượng này đặt mua 50.000 khẩu trang y tế của một số đối tượng qua mạng xã hội với giá 125.000 đồng/hộp và bán lại cho một người quen với giá 145.000 đồng/hộp. Trước đó, đã giao dịch trót lọt một lần với 25.000 chiếc, lần thứ hai đang vận chuyển đến địa bàn quận Nam Từ Liêm để tiếp tục giao dịch thì bị phát hiện, bắt giữ.

Ngoài ra, ngày 1/2, Phòng PC03 Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt phát hiện một ô tô chở 300.000 chiếc khẩu trang y tế 4 lớp, không có giấy tờ hợp lệ, có dấu hiệu xuất lậu đi Trung Quốc.

Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lí cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.

5 ngày, quản lí thị trường xử lí 2.180 hiệu thuốc, tạm giữ gần nửa triệu khẩu trang

Cuối ngày 4/2, Tổng cục Quản lí thị trường có báo cáo nhanh về kết quả xử lí cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc trên địa bàn cả nước vi phạm niêm yết giá, hét giá mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn trục lợi từ dịch nCoV.

Phát hiện, xử lí gần nửa triệu khẩu trang y tế, nước rửa tay kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ - Ảnh 2.

5 ngày, Bquản lí thị trường xử lí 2.180 hiệu thuốc hét giá khẩu trang. (Ảnh: QLTT).

Theo đó, chỉ riêng ngày 4/2, lực lượng quản lí thị trường cả nước đã tổng kiểm tra 338 cửa hàng, phát hiện 95 trường hợp vi phạm, xử phạt gần 200 triệu đồng, tạm giữ 137.776 khẩu trang các loại.

Như vậy, chỉ sau 5 ngày ra quân, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lí 2.180 vụ hét giá khẩu trang, găm hàng, không niêm yết giá và tạm giữ 466.326 chiếc khẩu trang các loại.

Tổng cục Quản lí thị trường nhận định hiện tình hình dịch nCoV đang có diễn biến phức tạp, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch gia tăng. 

"Tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy mua khẩu trang y tế, nước sát trùng về tích trữ đã giảm do hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, vẫn xảy ra hiện tượng khan hàng và có biến động giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh", Tổng cục QLTT cho biết.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy hầu hết quầy thuốc, cơ sở kinh doanh hàng hoá là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khoẻ dùng để phòng, chữa bệnh vẫn có khẩu trang bán nhưng số lượng ít, bán cho mỗi người số lượng hạn chế và giá tăng cao hơn trước. 

Nhiều cơ sở kinh doanh, quầy thuốc treo biển "Không còn khẩu trang để bán", "khẩu trang y tế hết hàng", "hết khẩu trang, nước rửa tay" do nguồn cung mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng... hạn chế.

Khuyến cáo tố giác hành vi hét giá, bình tĩnh mua khẩu trang, không tích trữ

Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV và nhu cầu khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tăng cao, Tổng cục Quản lí thị trường đã công bố số điện thoại đường dây nóng tại 63 tỉnh, thành phố. Cơ quan này sẵn sàng tiếp nhận thông tin tố giác của người dân về các hành vi liên quan niêm yết giá bán các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn phòng dịch.

Phát hiện, xử lí gần nửa triệu khẩu trang y tế, nước rửa tay kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ - Ảnh 3.

Khuyến cáo tố giác hành vi hét giá, bình tĩnh mua khẩu trang rõ nguồn gốc, không tạo điều kiện tích trữ. (Ảnh: Phúc Minh).

Tổng cục Quản lí thị trường cho biết các hành vi cần được tố giác gồm lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lí.

Tổng cục nhấn mạnh đặc biệt là trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe, phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa trong dịch nCoV.

Cơ quan quản lí thị trường yêu cầu người dân và doanh nghiệp nếu phát hiện những hành vi vi phạm trên tại các địa phương mình đang sinh sống, có thể gọi điện đến đường dây nóng vừa công bố để lực lượng quản lí thị trường kiểm tra, xử lí.

Tương tự, Bộ Công an đề nghị người dân phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật tương tự nêu trên, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ theo đường dây nóng của công an các đơn vị, địa phương.

Bộ khuyến cáo người dân nên chọn mua bán các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất. Người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng, nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi.