Giá nhà liền thổ liên tục lập đỉnh

Khan hiếm quỹ đất trong khi nhu cầu cao khiến giá nhà liền thổ trên cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp được thúc đẩy tăng mạnh.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn bất động sản TheLEADER 2022 tổ chức ngày 16/8 vừa qua, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng sản phẩm nhà liền thổ được tung vào thị trường Hà Nội khá lớn, khoảng 6.000 căn. Mặc dù nguồn cung tăng cao, tỷ lệ hấp thụ cũng vẫn rất cao, cho thấy nhu cầu thị trường vẫn bắt kịp lượng cung hàng.

Trong khi đó tại TP HCM, 6 tháng đầu năm chỉ có 600 căn được chào bán ra thị trường, bằng 1/10 Hà Nội. Vấn đề này đã diễn ra kể từ năm 2019, cho thấy sự khan hiếm nguồn cung tại thị trường này.

Giá nhà liền kề tại Hà Nội tăng trung bình 9%/năm trong 5 năm qua. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Nhà đất tại cả hai thị trường Hà Nội và TP HCM đều có mức tăng giá rất cao. Giai đoạn từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2022, giá bất động sản tại Hà Nội đã tăng bình quân 14%/năm, còn tại TP HCM là 21%/năm.

“Giá bán tại các dự án liên tục lập đỉnh mới khi nguồn cung hạn chế và các chủ đầu tư không còn nhiều quỹ đất để phát triển các sản phẩm gắn liền với đất, do đặc thù các sản phẩm này đòi hỏi quỹ đất rất lớn”, bà Dung nhận định. 

Trên thị trường thứ cấp, mức giá cũng tăng cao liên tục. Tại Hà Nội mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 17%/năm cho sản phẩm biệt thự và 9% cho sản phẩm liền kề.Với một số dự án “hot”, mức tăng có thể gấp đôi. Tại TP HCM, tỷ lệ tăng giá ở mức 19%.

Đánh giá xu hướng đầu tư trong nửa cuối năm 2022 và ba năm tới, bà Dương cho rằng có xu hướng hình thành các đô thị và đại đô thị quy mô trên 70 ha tại các khu vực vùng ven.

Hiện tại, Hà Nội đang "đi trước" TP HCM nhờ khả năng kết nối rất tốt giữa các khu vực vùng ven với trung tâm thành phố. Chẳng hạn, việc triển khai hạ tầng đã giúp thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội tới Hưng Yên giảm từ hơn 1 tiếng xuống chỉ còn 30 – 45 phút.

Tại TP HCM, xu hướng này mới nổi lên thời gian gần đây. Các dự án hiện nay chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực cao tốc Long Thành – Dầu Giây và cao tốc TP HCM – Trung Lương do đây là hai đường vành duy nhất hoàn thiện. Chính vì sự khan hiếm quỹ đất, các dự án sở hữu kết nối hạ tầng giao thông tốt có giá bán rất cao, thậm chí liên tục lập đỉnh những năm vừa qua. Trong tương lai, xu hướng sẽ mở rộng sang khu vực Đồng Nai, Long An.

Theo chuyên gia từ CBRE, nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm trong những năm tới. Từ nay đến 2025, Hà Nội có thêm khoảng 8.000 nguồn cung mới, trong khi TP HCM là 600 căn. Nguồn cung hạn chế sẽ dẫn tới xu hướng các nhà đầu tư bất động sản có xu hướng đi ra khu vực khác để đầu tư thay vì chỉ tập trung ở TP HCM, có thể “Bắc tiến”. Xu hướng này không chỉ cho nhà phát triển dự án mà cả nhà đầu tư cá nhân.

Với các thách thức đặt ra trên thị trường bất động sản, đại diện CBRE cho rằng vấn đề cần quan tâm là những thay đổi về quy định, thuế, đất đai; chi phí tăng cao; các vấn đề về giấy phép và rủi ro mất cân đối cung cầu. Về phía người mua nhà cần quan tâm tới dự án có khả năng kết nối tốt tại các huyện ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận TP HCM và Hà Nội, các rủi ro về lãi suất và pháp lý.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.