Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu thực hiện cách li toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, theo nguyên tắc gia đình cách li với gia đình, thôn bản cách li với thôn bản, xã cách li với xã, huyện cách li với huyện, tỉnh cách li với tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu tất cả người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men…
Trước diễn biến này, nhiều người có tâm lí mua dự trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp đã chủ động tăng dự trữ, xây dựng kế hoạch cung ứng, phân phối trên cả nước, đảm bảo phục vụ nhu cầu của tiêu dùng.
Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết các tỉnh thành đã có các "kế hoạch tác chiến", có kịch bản cụ thể, để đối phó với dịch bệnh Covid-19 theo 5 cấp độ.
Trong đó, các tỉnh đã tính đến tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách li những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh, thì việc đưa hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm bán được bố trí ra sao cho phù hợp và thuận tiện nhất.
"Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… Hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách li trên diện rộng", đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Bộ Công Thương từ rất sớm đã yêu cầu các địa phương đừng đợi khi tình huống xấu xảy ra mới vào cuộc. Theo đó, các tỉnh, thành phố đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn tăng khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để thiếu hàng, tăng giá, xây dựng kịch bản và các phương án ứng phó với dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Sở Công Thương TP Hà Nội đã xây dựng 4 kịch bản cụ thể theo mức độ phức tạp của dịch bệnh, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa trong cả trường hợp xấu nhất. Đặc biệt, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá, để bình ổn thị trường.
Kịch bản xấu nhất Hà Nội xây dựng là địa bàn có trên 1.000 trường hợp mắc Covid-19 và 30 quận huyện đều có khu cách li. Để ứng phó, Hà Nội đã chuẩn bị cung cấp hàng hóa cho khu cách li 14 ngày ở mức: 3.465 tấn gạo; 259 tấn thịt heo; 1.848 tấn rau củ; 1,1 triệu khẩu trang kháng khuẩn; gần 1,9 triệu khẩu trang y tế.
Đến nay, các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã tăng lượng hàng hoá dự trữ lên gấp 300-500% so với bình thường, tập trung với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 2-3 tháng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết đã tính toán đến trường hợp địa bàn thành phố không đủ nguồn cung, Sở Công Thương liên hệ ngay với đầu mối từ các tỉnh, thành phố còn khả năng cung ứng cho Hà Nội phối hợp, hỗ trợ đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.
Tại TP HCM, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Huỳnh Trang khẳng định thành phố đã có các kế hoạch chủ động dự báo tình hình thị trường theo 3 kịch bản, tổ chức sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa cho người dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Trước mắt, các doanh nghiệp tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I/2020 tăng 30-40% so với lượng thực hiện cùng kì năm 2019.
Cụ thể, lương thực khoảng 3.319,9 tấn/tháng (ngắn hạn) và 9.959,8 tấn/3 tháng (dài hạn). Trứng gia cầm khoảng 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng. Thịt gia súc 2.224,7 tấn/tháng và 15.674,1 tấn/3 tháng. Thịt gia cầm hơn 11.780,6 tấn/tháng và 35.341,8 tấn/3 tháng.
Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ nhiều tháng nay đã chủ động tăng cường hàng hóa, cam kết đảm bảo nguồn hàng, đặc biệt là nhu yếu phẩm, để phục vụ người dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm được doanh nghiệp tập trung hiện nay là rau, củ, quả, gạo, mì gói, thịt, gia vị…
Hệ thống Saigon Co.op tăng 50-100% lượng hàng cho các điểm bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra… Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết doanh nghiệp đã chốt xong phương án tăng lượng hàng hóa dự trữ cần thiết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng.
Đặc biệt, Saigon Co.op nhấn mạnh lượng hàng hoá dự trữ của doanh nghiệp hiện nay đáp ứng đủ cho cả nhu cầu dự trữ thực phẩm cả tuần cùng lúc của người dân, thay vì 2-3 ngày như trước đây.
Các mặt hàng như gạo, mì, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản, đồ đông lạnh đều được tăng trữ lượng lên từ 2-3 lần như dịp Tết Nguyên đán, để vừa đảm bảo sẵn sàng lượng cung lớn, vừa có giá tốt.
Hệ thống siêu thị Big C cũng tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho; Vincommer với hai thương hiệu VinMart và VinMart+ đã tăng đến 200% lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Lotte Mart, MM Mega Market cùng các doanh nghiệp khác cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu vẫn được bảo đảm ổn định, do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh thành khác.
Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tại nhà, các siêu thị Co.opmart, Big C, Aeon, Lotte Mart, VinMart… đều đang triển khai bán hàng qua điện thoại, mua sắm trực tuyến để khách không phải đến nơi tập trung đông người như khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Các siêu thị cho biết, hình thức này đang được người tiêu dùng ưa chuộng, mua sắm qua thương mại điện tử tăng 20-30%. Saigon Co.op cho biết những ngày qua, đơn hàng mua qua điện thoại tăng cao đột biến, có nơi tăng gấp 10 lần so với tháng bình thường.
Tại Big C, đơn hàng qua điện thoại tăng 200% trong tháng 3, với 3.000 đơn hàng tại TP HCM.
Tại cuộc họp diễn ra mới đây của Bộ Công Thương về việc cung ứng hàng hoá trong tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đang đồng hành, sát cánh trong cuộc chiến này.
Ông khẳng định sẽ không có địa phương nào bị thiếu hàng, không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Các phương án dự phòng, đối phó với mọi tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất là cách li một thành phố hoặc cách li một vài tỉnh thành… Trong các trường hợp này, ngành công thương vẫn sẽ đáp ứng đủ hàng thiết yếu cho nhân dân.
"Với trách nhiệm của một Bộ quản lí lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, chúng ta cần phải nắm rõ, và khẳng định chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu các thực phẩm thiết yếu của nhân dân, nếu dịch bệnh kéo dài 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng và lâu hơn nữa", Bộ trưởng nói.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng trong điều kiện hoạt động mua bán diễn ra bình thường, với đặc thù là nước có thế mạnh sản xuất nông nghiệp: gạo, nông thủy sản luôn thuộc nhóm đầu xuất khẩu thế giới, và đang phát triển tốt các ngành đường, sữa, dầu ăn… nên nguồn cung thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng, về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu.
"Như vậy có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ cần tâm lí người dân không hoang mang, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh", Bộ Công Thương khẳng định.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020