Đến chiều 15/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, tiếp nhận khám và xét nghiệm cho gần 400 học sinh cùng ở Thuận Thành, Bắc Ninh. 57 trường hợp dương tính với sán lợn, chưa kể một số trường hợp khác đã được xét nghiệm những ngày trước.
Điều trị bệnh sán lợn đã có phác đồ của Bộ Y tế. Đây không phải bệnh cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết, cần thời gian điều trị và chắc chắn bệnh sẽ khỏi nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có rất nhiều phác đồ điều trị, có thể diệt sán trưởng thành chỉ mất một ngày, còn diệt cả ấu trùng mất khoảng nửa tháng.
Phụ huynh chỉ cần lấy thuốc về cho con uống, không nhất thiết phải nhập viện. Cha mẹ nên cho con đi học bình thường, tránh ảnh hưởng học tập của trẻ. Bệnh nhiễm sán lợn hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm”.
Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, sáng 15/3 đã khám, xét nghiệm cho 135 cháu bé (sinh năm 2010 đến 2017) tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. (Ảnh: T.L).
Trả lời về nguồn lây nhiễm sán lợn, ông Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, cho hay sau thông tin về việc cung cấp thực phẩm không sạch tại Bắc Ninh, viện đã kết nối với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của tỉnh Bắc Ninh.
Hiện, cơ quan này chưa cung cấp thông tin cụ thể. Tuy nhiên, những vùng có lưu hành ấu trùng sán lợn, khi người dân ăn thực phẩm không vệ sinh đều có nguy cơ mắc bệnh.
"Tỉ lệ nhiễm cao ở một địa bàn nghĩa chứng tỏ có lưu hành ấu trùng sán lợn. Nếu các cháu bị sán trưởng thành bám vào ruột và khi thải ra đốt sán, trứng sẽ ra môi trường theo chất thải trở thành nguồn lây bệnh. Để củng cố thêm số liệu cần phải có điều tra rộng hơn", ông Thiều cho biết.
Sau vụ việc này, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương sẽ làm báo cáo gửi Cục Y tế dự phòng và sớm có buổi về điều tra tại địa bàn về thú y và y tế để tìm nguyên nhân nguồn lây.
Đối với khả năng nguồn lây từ thực phẩm thịt lợn có sán, ông Thiều cho biết: "Nếu ăn thịt lợn có sán và chưa được nấu chín, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Tùy mỗi người có sức đề kháng khác nhau dẫn tới việc mắc bệnh hay không. Có những trường hợp chỉ ăn một lần có trứng sán lợn là có thể nhiễm bệnh".
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết kí sinh trùng này nằm trong đất, nước, thậm chí trong thực phẩm nên có nhiều nguồn lây.
Thông thường, tỉ lệ nhiễm sán lợn trong cộng đồng dân cư rất thấp, việc tại một khu vực có tỷ lệ cao bất thường cũng cần được quan tâm.
Lối sống 08:58 | 29/03/2019
Lối sống 10:12 | 27/03/2019
Lối sống 15:58 | 20/03/2019
Lối sống 14:45 | 20/03/2019
Pháp luật 19:47 | 19/03/2019
Thời sự 16:21 | 19/03/2019
Thời sự 16:00 | 19/03/2019
Lối sống 14:37 | 19/03/2019