Hủy quyết định khởi tố nguyên phó chủ tịch TP Hà Nội Phí Thái Bình

Viện KSND Tối cao quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, và 6 bị can khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ của Vinaconex vì không đủ căn cứ để phê chuẩn.
huy quyet dinh khoi to nguyen pho chu tich tp ha noi phi thai binh

Ông Phí Thái Bình - nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên chủ tịch HĐQT Vinaconex - Ảnh: PHƯƠNG MINH

Viện KSND Tối cao vừa ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex - đơn vị chủ đầu tư dự án đường ống nước sông Đà bị vỡ 18 lần.

Hủy quyết định khởi tố bị can thêm 6 người

Đồng thời Viện KSND Tối cao cũng ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với các thành viên HĐQT Vinaconex, giai đoạn 2003 - 2004 gồm: Nguyễn Văn Tuân (nguyên ủy viên HĐQT, tổng giám đốc) và các ủy viên HĐQT là ông Hoàng Hợp Thương, ông Vũ Đình Chầm, ông Tô Ngọc Thành và 2 người có trách nhiệm tham mưu, đề xuất là ông Lại Văn Bích (giám đốc Ban quản lý dự án) và ông Nguyễn Đức Lưu (trưởng Phòng Đầu tư).

Trước đó Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình và những người trên để điều tra về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án vỡ đường ống nước sạch sông Đà 18 lần.

Sau khi nhận được đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố các bị can, Viện KSND Tối cao đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an thu thập thêm chứng cứ, tài liệu để làm rõ căn cứ khởi tố.

Căn cứ kết quả điều tra và kết luận giám định liên quan, Viện KSND Tối cao cho rằng chưa đủ căn cứ để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can cả 7 người trên.

huy quyet dinh khoi to nguyen pho chu tich tp ha noi phi thai binh

Đường ống nước sông Đà trong lần vỡ thứ 10 vào ngày 15-1-2015 - Ảnh: PHƯƠNG MINH

Thay đổi vật liệu không phải là nguyên nhân gây vỡ ống

Theo quan điểm của Viện KSND Tối cao, việc quyết định thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh thuộc thẩm quyền của HĐQT Vinaconex.

Kết luận giám định tư pháp đánh giá: khi thực hiện điều chỉnh dự án, chủ đầu tư đã tổ chức khảo sát, đánh giá về các vấn đề kinh tế kỹ thuật, xem xét điều kiện thực tế xây dựng và chủ trương nội địa hóa trong sản xuất của Việt Nam.

Cơ quan chuyên môn đã xác định nguyên nhân gây vỡ tuyến ống truyền tải nước là do chất lượng ống sản xuất không đồng đều, các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng…

Thực tế hiện nay, có nhiều công trình ở trong nước sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh để truyền dẫn nước. Công ty Viwasupco cũng sử dụng loại ống composite cốt sợi thủy tinh để thay thế các ống bị vỡ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Do đó, việc thay đổi vật liệu từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh cho tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội không phải là nguyên nhân gây ra vỡ tuyến ông truyền tải nước.

Viện KSND Tối cao cũng cho rằng việc HĐQT Vinaconex chỉ định công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex làm nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện cho dự án là đúng thẩm quyền, phù hợp với tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với hình thức đầu tư dự án.

Như vậy tài liệu điều tra đến nay chưa có căn cứ để xác định hành vi đề xuất, quyết định thay đổi vật liệu ống gang dẻo sang ống composite cố sợi thủy tinh và giao cho Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho dự án của ông Phí Thái Bình và những người nêu trên là nguyên nhân gây vỡ đường ống nước nhiều lần.

Hành vi của những người này không đồng phạm với các bị can đã bị khởi tố trong cùng vụ án nên không đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ án này, Viện KSND Tối cao cũng đã ra cáo trạng truy tố ông Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, và 8 bị can khác về tội vi phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 2-2012 đến tháng 10-2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã bị vỡ 18 lần với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị hư hỏng.

Việc vỡ ống nước khiến đơn vị khai thác phải chi hơn 16 tỉ đồng để khắc phục hậu quả; làm ảnh hưởng đời sống của 177.000 hộ dân vì bị mất nước sinh hoạt trong gần 400 giờ với lưu lượng nước bị ngừng trệ hơn 1,7 triệu m3...

"Tôi không có tội gì"

Trước đó, cuối tháng 5, ngay sau khi bị khởi tố, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phí Thái Bình cũng khẳng định mình "không có tội" trong vụ đường ống nước sông Đà bị vỡ hàng chục lần và những việc làm của ông đều có "mục đích trong sáng chứ không có động cơ vụ lợi gì".

"Nhiều người cứ tưởng ngày xưa chúng tôi nhập ống của Trung Quốc nhưng không phải. Thực tế tổng công ty chúng tôi đã nghiên cứu rất trăn trở mới đi đến quyết định sử dụng vật liệu mới mà trên thế giới dùng nhiều nhưng ở VN chưa bao giờ dùng.

Đây là dự án mà doanh nghiệp lần đầu tiên ứng dụng công nghệ mới vào một dự án lớn nhất VN, nhập dây chuyền về sản xuất ống đường kính lớn theo tiêu chuẩn quốc tế, đường kính tới 1,8m để cấp cho dự án", ông Bình nói.

Đổi sang dùng ống sợi composite cốt sợi thủy tinh

Ngày 15-4-2004, HĐQT Vinaconex đã ban hành quyết định phê duyệt báo cáo điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Trong đó, thay đổi ống truyền tải nước sạch từ gang dẻo sang ống sợi composite cốt sợi thủy tinh.

Thời điểm năm 2004, ông Bình giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Vinaconex. Tháng 7-2006, ông Bình được bầu giữ chức phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2006-2011. Đến năm 2011, ông Bình nghỉ hưu theo chế độ.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.