Tiến sĩ Andre Kalil, nhà nghiên cứu chính của dự án trả lời phỏng vấn với Reuters, cuộc thử nghiệm thuốc kháng virus Remdesivir của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), bắt đầu từ tháng 2 năm nay, sẽ thu được những kết quả sơ bộ sớm hơn dự kiến.
Theo Reuters, hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị hay loại vắc-xin nào được minh chứng có thể điều trị Covid-19, căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra, vốn đã giết chết hơn 1 triệu người trên toàn thế giới.
Loại thuốc kháng virus Remdesivir đã thu hút sự chú ý từ truyền thông thế giới như một liệu thuốc có khả năng thay đổi tiến trình phát bệnh Covid-19, với nhiều báo cáo cho thấy nó đã hỗ trợ quá trình điều trị của một số bệnh nhân.
Tuy nhiên, hi vọng về phương thuốc Remdesivir đã nguội đi một phần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung Quốc, đã không mang lại lợi ích nào.
Sau đó, Gilead đã phản bác lại, rằng nghiên cứu này đã được dừng sớm hơn dự định do lượng bệnh nhân đăng kí thấp, vì vậy kết luận cuộc thử nghiệm không thực sự có ý nghĩa.
Một số báo cáo khác đem lại kết quả lạc quan
Kể từ ngày 23/3, các bác sĩ tại Bệnh viện Houston Methodist đã sử dụng Remdesivir điều trị cho 41 bệnh nhân Covid-19 nặng. Theo họ, trong số này không có ai tử vong, và 20 bệnh nhân đã được xuất viện.
Dù vậy, các bác sĩ tại đây cho biết họ cần nhiều thông tin hơn để hình thành quan điểm của họ về Remdesivir có phải là một phương thuốc tiềm năng hay không.
Họ nhấn mạnh sự cần thiết của việc so sánh các bệnh nhân Covid-19 có và không sử dụng Remdesivir ở các giai đoạn bệnh khác nhau, để nhận biết trường hợp nào thực sự đem lại hiệu quả chữa trị.
Tiến sĩ Kalil - Giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, nhận định: "Cuộc thử nghiệm đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn khoa học cần thiết, điều sẽ giúp chúng ta xác định xem loại thuốc này có có hiệu quả hay không".
Cuộc thử nghiệm lâm sàng này sẽ được thực hiện một cách ngẫu nhiên, với một nửa bệnh nhân được cho dùng Remdesivir và nửa còn lại sẽ dùng thuốc giả dược.
Chương trình ghi danh thử nghiệm sẽ được đóng lại vào ngày hôm nay, và hiện số người đăng kí đã vượt quá mục tiêu 400-500 bệnh nhân ban đầu. Theo báo cáo mới nhất, cuộc thử nghiệm này có khả năng sẽ có qui mô vượt quá 800 người.
Cuộc thử nghiệm NIAID được thực hiện để nghiên cứu xem liệu Remdesivir, khi được dùng cho bệnh nhân Covid-19 với mức độ nghiêm trọng bệnh khác nhau, có làm cải thiện thời gian nằm viện, nhu cầu dùng máy thở và khả năng sống sót hay không.
Tiến sĩ Kalil tiết lộ với Reuters: "Chúng tôi không chỉ tìm kiếm các kết quả thống kê khác biệt, mà còn tìm kiếm một sự cải thiện có ý nghĩa khi sử dụng thuốc lâm sàng".
"Chúng tôi hi vọng sẽ có kết quả trong khoảng từ giữa đến cuối tháng 5", ông nói.
Công ty Gilead vào ngày 23/4, cũng cho biết họ dự kiến kết quả cuộc thử nghiệm hợp tác với NIAID sẽ có kết quả vào cuối tháng 5, sớm hơn so với dự báo trước đó.
Sau thông báo này, giá cổ phiếu của Gilead Science đã tăng 1,7% ở mức 79,10 USD từ ngày 24/4, tăng 20% so với mức đầu năm với phần lớn là do các triển vọng xung quanh loại thuốc Remdesivir của hãng.
Tuy nhiên, việc thiếu bằng chứng minh chứng cho hiệu quả của Remdesivir, đã khiến các hiệp hội y tế tại Mỹ, cùng Viện Y tế Quốc gia (NIH) trở nên thận trọng hơn trong việc đề xuất sử dụng nó để điều trị Covid-19.
Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA), đại diện cho hơn 12.000 chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ, tuyên bố họ sẽ đưa ra khuyến nghị chính thức một khi tất cả các bằng chứng về Remdesivir được công bố.
Nhìn chung, giới chuyên gia y tế Mỹ mong đợi rằng Remdesivir sẽ có hiệu quả tốt hơn khi được dùng tại các giai đoạn sớm hơn trong quá trình điều trị.
Theo trang tin tức y tế STAT đưa tin vào tuần trước, phần lớn những bệnh nhân tham gia nghiên cứu được Gilead tài trợ tại bệnh viện Đại học Chicago, ghi nhận các triệu chứng sốt và viêm đường hô hấp đã được hồi phục nhanh chóng, trong đó có nhiều người đã được xuất viện chỉ trong vòng chưa đầy một tuần
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020