Khách sạn Kim Liên sắp có khu phức hợp trị giá 14.300 tỉ đồng?

Vấn đề khai thác và phát triển tổ hợp bất động sản trên khu “đất vàng” 3,5 ha - nơi tọa lạc Khách sạn Kim Liên - thường xuyên xuất hiện trong các tờ trình họp ĐHCĐ của Kim Liên Tourism.

Ngày 19/1/2020, Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) đã thông qua phương án tăng vốn từ gần 70 tỉ đồng lên 2.786 tỉ đồng để triển khai dự án khu phức hợp mới trị giá gần 14.300 tỉ đồng trên khu đất hiện hữu của công ty.

Tham vọng lớn của Bầu Thụy

Kế hoạch tăng vốn nhằm giúp cho công ty này đủ điều kiện tỉ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư theo qui định của Luật Đất đai. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Du lịch Kim Liên tại thời điểm cuối tháng 6/2019 chỉ là 71 tỉ đồng.

Khách sạn Kim Liên sắp có khu phức hợp trị giá 14.300 tỉ đồng?  - Ảnh 1.

Khách sạn Kim Liên có vị trí đắc điện tại Hà Nội.

Giám đốc KLC Vũ Ngọc Định cho biết: "Dự án dự kiến xây dựng 8 block, gồm có các trung tâm thương mại, dịch vụ và shophouse. Công ty đã mời đơn vị nước ngoài khảo sát và tư vấn. Công ty cũng đã kí kết một số hợp đồng với đối tác như Tân Hoàng Minh, nhà thầu Delta để triển khai thực hiện dự án. HĐQT công ty đã họp nhiều lần trước khi trình vấn đề lên ĐHĐCĐ, nội dung cụ thể sẽ được trình đến các cổ đông vào ĐHĐCĐ thường niên 2020".

Cuối năm 2015, Thaigroup đã gây sốc dư luận khi bỏ giá 274.200 đồng/cổ phiếu Khách sạn Kim Liên trong phiên thoái vốn của SCIC. Mức giá đấu này đã vượt tới 9 lần so với giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần và bỏ xa các đối thủ khác, như Hanoituorist, REE, Cường Thịnh Thi...

Tập đoàn đến từ tỉnh lẻ Ninh Bình đã chi hơn 1.000 tỉ đồng để nhận 3,6 triệu cổ phần khách sạn Kim Liên. Nhấn mạnh là nhà đầu tư về nhì trong phiên đấu giá này, đã bỏ thấp hơn Thaigroup tới 380 tỉ đồng cho lô cổ phiếu của SCIC.

Đây được cho là quyết định khá điên rồ của bầu Thuỵ vào thời điểm đó, thậm chí có người cho rằng "khách sạn Kim Liên chắc phải chôn cả kho vàng dưới đất mới có người mua với giá trên trời ấy".

Tuy vậy, những diễn biến trên "thế trận" khách sạn Kim Liên thời gian gần đây đã phần nào làm sáng tỏ quyết định của đại gia đất Ninh Bình.

Nhiều ý kiến trái chiều

Mới đây, Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) đã thông qua phương án tăng vốn từ gần 70 tỉ đồng lên 2.786 tỉ đồng để triển khai dự án khu phức hợp mới trị giá gần 14.300 tỉ đồng trên khu đất hiện hữu của công ty.

Tại cuộc họp, đại diện nhiều nhóm cổ đông nhỏ không đồng tình với quyết định tăng vốn này. Cụ thể, đại diện cổ đông Công ty Tài chính Bưu điện và Ngân hàng GPBank cho rằng các thông tin về dự án Khu phức hợp Kim Liên gồm qui mô, tổng mức đầu tư, kế hoạch tiến độ... chưa được trình đến ĐHĐCĐ và không rõ ràng, cụ thể. Phương án tăng vốn dựa trên khảo sát của đơn vị tư vấn Savills là không có căn cứ, cơ sở để cổ đông xem xét, biểu quyết.

Nhóm cổ đông này sau đó đã phủ quyết toàn bộ nội dung liên quan tăng vốn, sửa đổi điều lệ và ủy quyền HĐQT mời gọi nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn nhà thầu dự án.

Một cổ đông khác là PTFinance cũng tỏ ra nghi ngại: "Tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2016 đã ủy quyền cho Chủ HĐQT tìm kiếm đối tác để hợp tác đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để triển khai thực hiện dự án nhưng đến nay chúng tôi chưa thấy có báo cáo về việc triển khai dự án. Đề nghị HĐQT, Đoàn chủ tịch cung cấp thông tin, báo cáo ĐHĐCĐ và cho biết từ năm 2016 đến nay công ty đã làm gì, đã tìm kiếm đối tác ra sao, đã làm những công việc cụ thể gì về tìm kiếm đối tác đầu tư, nhà đầu tư chiến lược”.

Song ý kiến của PTFinance có lẽ chỉ mang tính tham khảo. Bởi tỷ lệ sở hữu 6,69% của PTF là không đủ để tiếng nói của họ có trọng lượng.

Kết quả là nhóm cổ đông liên quan đến Thaigroup với tỷ lệ biểu quyết trên 80% đã dễ dàng thông qua các quyết sách này.

Trước đó, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, nội dung về triển khai đầu tư, xây dựng Khu phức hợp Khách sạn Kim Liên cũng được đem ra thảo luận.

Nghị quyết được thông qua tại phiên họp này nêu rõ việc “cần thiết phải triển khai đầu tư và xây dựng Khu phức hợp Khách sạn Kim Liên tại số 5 -7 Đào Duy Anh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội”.

Tính cần thiết ra sao thì phải nhắc tới tờ trình được ông Nguyễn Đức Thụy ký với tư cách Chủ tịch HĐQT Kim Liên Tourism. Trong đó, “bầu” Thụy cho biết khu đất có hiện trạng là đất công cộng đô thị, có tuyến đường đi qua, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H 1-3 (trong đó có Khu đất của Khách sạn Kim Liên).

“Vì vậy, ngay hiện nay, công ty cần phải có những tác động, tham gia ý kiến đối với UBND Thành phố trong việc định hướng chức năng Khu đất để chuyển đổi từ đất công cộng thành đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, ở) để phù hợp với định hướng phát triển của công ty và quy hoạch thành phố. Vì vậy, việc triển khai các thủ tục có liên quan là hết sức cấp bách” - tờ trình có đoạn.

Sau khi tờ trình này được ĐHĐCĐ thông qua, ngày 7/11/2016, Kim Liên Tourism đã ký hợp đồng nghiên cứu thị trường và tư vấn khả thi dự án với Công ty TNHH Savills Việt Nam.

Tới phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, “bầu” Thụy tiếp tục ký tờ trình đề cập tới việc xây dựng Khu phức hợp Khách sạn Kim Liên, “tìm kiếm phương thức sử dụng khu đất số 57 Trần Phú, Ba Đình Hà Nội” nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của Kim Liên Tourism.

Ở phiên họp ĐHĐCĐ mới đây, việc triển khai dự án Khách sạn Kim Liên không chỉ dừng lại ở các đề xuất, hay phương hướng, mà phần nào hé lộ thêm về phương án tài chính.

Kết quả nghiên cứu thị trường, tư vấn ý tưởng phát triển và nghiên cứu khả thi Dự án Kim Liên của Savills Việt Nam cho thấy, tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến khoảng 615.824.395 USD, tương đương 14.287.125.964 đồng.

Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo Kim Liên Tourism cho biết UBND TP Hà Nội ngày 9/10/2019 đã có Văn bản số 1216/TB-UBND về Kết luận của Tập thể lãnh đạo UBND Thành phố về chỉ tiêu quy hoạch xây dựng dự án 5-7 Đào Duy Anh.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...