Trường trung cấp nghề Nha Trang và Trường THPT Đại Việt (đường Trần Sâm, xã Phước Đồng) có tổng diện tích hơn 10.000m2, trước đây là cơ sở dạy nghề cho phụ nữ thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội.
Trường Trung cấp nghề Nha Trang nay là điểm kinh doanh phục vụ khách Trung Quốc. (Ảnh: Khải An).
Tháng 5/2009, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Đại Việt thuê lại khu đất này với thời hạn 50 năm xây dựng trường Trung cấp nghề Nha Trang theo chủ trương xã hội hóa.
Giá thuê chỉ hơn 2.100 đồng/m2/năm và ổn định trong 5 năm đầu và được tính lại theo qui định pháp luật 2014. Sau đó, trong khuôn viên khu đất này, tiếp tục hình thành trường Trung học phổ thông Đại Việt.
Tuy nhiên hơn 1 năm nay, khu vực xung quanh Trường trung cấp nghề Nha Trang và THPT Đại Việt lại vắng bóng học sinh, thay vào đó là lượng khách Trung Quốc liên tục vào ra.
Biển hiệu của trường đã tháo dỡ, thay thế bằng biển hiệu "Công ty cổ phần đầu tư du lịch, văn hóa, giáo dục Trung Việt" và các biển cửa hàng, xưởng gia công xà cừ, ngọc trai. Các phòng học đã được sửa chữa, cơi nới thành những cửa hàng, khu trưng bày các sản phẩm lưu niệm.
Không chỉ cơi nới, phía trong khuôn viên, chủ đầu tư còn xây dựng thêm một số công trình, trong đó lớn nhất là một nhà xưởng tiền chế, có diện tích lên đến cả ngàn mét vuông. Theo đó, khu vực dạy và và học bị thu hẹp, chỉ vài trăm mét vuông.
Mỗi ngày có hàng chục xe 45 chỗ đưa khách Trung Quốc đến tham quan mua sắm. (Ảnh: Khải An).
Mỗi ngày cơ sở này đón hàng chục ô tô 45 chỗ đưa khách du lịch người Trung Quốc đến tham quan, mua sắm. Những người sống quanh khu này cho biết, không chỉ buôn bán phục vụ khách Trung Quốc, cơ sở này có có hàng chục người Trung Quốc làm nhân viên giới thiệu sản phẩm, bán hàng lưu trú thường xuyên.
"Con đường nông thôn vốn đã chật hẹp, nay lại có lượng xe 45 chỗ thường xuyên xuất hiện khiến người dân bất an khi đi qua cơ sở này. Rồi tiếng cười nói của du khách Trung Quốc thường vào buổi trưa rất ồn ào gây phiền toái cho chúng tôi", một người dân ở khu vực này cho biết.
Ông Bùi Cao Pháp – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định cưỡng chế 6 cơ sở phục khách trên địa bàn, trong đó có cơ sở nằm trên khuôn viên đất Trường trung cấp nghề Nha Trang. Hầu hết các cơ sở này đều xây không phép hoặc xây trên đất đã qui hoạch.
Nhiều công trình của trường đã trở thành điểm lưu trú của nhân viên bán hàng, giới thiệu sản phẩm là người Trung Quốc. (Ảnh: Khải An).
Ông Bùi Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đại Việt lý giải, do hoạt động giáo dục - dạy nghề khó khăn nhiều năm liền không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, không đạt hiệu quả kinh tế nên doanh nghiệp cải tạo, chuyển sang phục vụ khách du lịch.
Doanh nghiệp cũng đã nhiều lần xin giấy phép nhưng cấp xã, thành phố nói không đủ thẩm quyền còn cấp tỉnh lại đề nghị cấp thành phố xem xét.
"Chính quyền cứ chuyền qua chuyền lại cả năm vẫn không có giấy phép nên chúng tôi mới xây. Chúng tôi cam kết với chính quyền khi nào Nhà nước làm đường thì chúng tôi tự nguyện tháo dỡ. Chúng tôi xin ký quỹ để nếu không tự tháo dỡ thì dùng số tiền này để chi phí nhưng cũng không được chấp nhận", ông Tuấn cho biết.
Ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa, cho biết qua kiểm tra các cơ sở dạy nghề, giáo dục của Công ty CP Đầu tư Giáo dục Đại Việt hầu như không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Cơ sở này đã biến thành địa điểm để phục vụ khách Trung Quốc. Thậm chí người Trung Quốc sinh sống làm việc tại đây.
"Chúng tôi đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hồi tháng 5/2018 vì vi phạm nghiêm trọng qui định về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo qui định pháp luật. Thời gian tới sẽ kiểm tra một lần nữa và đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi khu đất vì sử dụng không đúng mục đích giáo dục", ông Tân cho biết.
Đô thị 11:30 | 23/10/2019
Đô thị 07:34 | 23/10/2019
Đô thị 16:14 | 22/10/2019
Kinh doanh 13:25 | 21/10/2019
Đô thị 18:40 | 19/10/2019
Đô thị 11:11 | 19/10/2019
Nhà đất 16:13 | 17/10/2019
Đô thị 16:52 | 14/10/2019