Lo hụt thu gần 280.000 tỉ đồng vì Covid-19, các 'ông lớn' Nhà nước muốn sớm được giải cứu

Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng năm 2020, nếu dịch Covid-19 kéo dài, giá dầu không hồi phục, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỉ đồng so với kế hoạch.

Ông lớn lo hụt thu gần 280.000 tỉ đồng trong năm 2020 vì Covid-19

Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo đánh giá tình hình tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lí.

Báo cáo cho biết do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, nhiều hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm dừng. Cùng với đó, tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu giữa một số quốc gia trên thế giới, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thuộc Ủy ban đang phải chịu tác động kép.

Lo hụt thu gần 280.000 tỉ đồng vì Covid-19, các 'ông lớn' Nhà nước muốn sớm được giải cứu - Ảnh 1.

PVN đang thiệt hại nặng nề vì chịu tác động kép của dịch bệnh và giá dầu xuống thấp. (Ảnh: PVN).

Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỉ đồng so với cùng kì 2019.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không hồi phục, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỉ đồng so với kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước giảm khoảng 32.836 tỉ đồng so với kế hoạch.

Theo báo cáo, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu cùng với cuộc chiến về thị phần dầu, giá dầu giữa Nga và các nước OPEC xảy ra từ ngày 6/3/2020, dẫn đến giá dầu suy giảm nhanh nằm ngoài dự báo. Tình hình này đã có những tác động lớn đến hoạt động, doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Ủy ban đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, kiểm soát tốt, không để lây lan dịch bệnh tại các doanh nghiệp.

Song song yêu cầu chống dịch, các tập đoàn, tổng công ty vừa phải đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh; rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới. 

Kiến nghị được sớm tiếp cận gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng

Để giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Ủy ban đã kiến nghị đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón, xăng dầu sản xuất trong nước, để Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm này, giảm lượng hàng tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động.

Lo hụt thu gần 280.000 tỉ đồng vì Covid-19, các 'ông lớn' Nhà nước muốn sớm được giải cứu - Ảnh 2.

Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước kiến nghị được sớm tiếp cận gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng để các doanh nghiệp khắc phục khó khăn. (Ảnh: Thanh Niên).

Cùng với đó, Ủy ban kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét, khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số tập đoàn, tổng công ty.

Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp tiền thuế, tiền thuế đất bị truy thu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản đóng góp ngân sách, để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, cơ quan này cũng kiến nghị tiếp tục giảm 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm, đối với một số dự án yếu kém ngành công thương.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.