Thống kê trên thị trường đại chúng có 10 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết đang nắm giữ lượng hàng tồn kho lớn nhất thị trường với tổng giá trị 275.629 tỷ đồng, tương đương hơn 12 tỷ USD tính đến 31/12/2021.
Dẫn đầu danh sách là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) với giá trị hàng tồn kho 109.765 tỷ đồng. Con số này tăng 26% so với thời điểm đầu năm và chiếm hơn 54% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Trong số đó, BĐS để bán đang xây dựng ghi nhận 101.515 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm các chi phí tiền sử dụng đất, chi phí tư vấn thiết kế, chi phí xây dựng... liên quan đến các dự án. BĐS xây dựng đã hoàn thành chiếm 8.135 tỷ đồng và hàng hóa BĐS chiếm 103 tỷ đồng.
Tính đến 31/12, giá trị hàng tồn kho của Novaland được dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay là 35.920 tỷ đồng.
Sau Novaland, Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã chứng khoán: VIC) nắm giữ lượng tồn kho lớn thứ hai thị trường với 50.910 tỷ đồng, giảm 18,5% so với đầu năm và chiếm 12% tổng tài sản. Trong đó, chiếm chủ yếu là BĐS đang xây dựng với 38.904 tỷ đồng và nguyên vật liệu 6.872 tỷ đồng.
Công ty con của Vingroup là CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) hàng tồn kho cũng giảm 33,5% xuống 28.543 tỷ đồng, chiếm hơn 12% tổng tài sản, hầu hết là chi phí phát triển các dự án Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Ocean Park...
Ở Bình Dương, "trùm" BĐS công nghiệp Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) ghi nhận hàng tồn kho gần 1 tỷ USD (20.469 tỷ đồng), chiếm hơn 42% tài sản , phần lớn là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các dự án và hàng hóa BĐS.
Đến cuối năm 2021, danh mục tồn kho của CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) tăng 155% lên 15.490 tỷ đồng, tương đương 65% tổng tài sản. Toàn bộ hàng tồn kho của Nam Long đều là các dự án BĐS dở dang, trong đó hai dự án có giá trị lớn nhất là Izumi (7.170 tỷ đồng) và Southgate (3.629 tỷ đồng).
Tương tự Nam Long, hàng tồn kho của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cũng tăng 31% so với đầu năm lên 12.192 tỷ đồng. Con số này chiếm 59% tổng tàn sản của doanh nghiệp.
Trong cơ cấu hàng tồn kho, dự án The EverRich 2 (River City) chiếm 3.604 tỷ đồng, gồm tiền bồi thường đất và chi phí xây dựng. Tính đến cuối quý IV, Phát Đạt vẫn đang trong quá trình chuyển nhượng lại dự án cho Công ty TNHH Đầu tư Big Gain.
Về phía CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG), "ông lớn" môi giới ghi nhận tồn kho 11.853 tỷ đồng, tăng 21% và chiếm 42% tổng tài sản. Trong đó, BĐS thành phẩm là 1.885 tỷ đồng và BĐS dở dang là 9.444 tỷ đồng.
Một nhà phát triển KCN ở phía Bắc là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) năm qua không có nhiều biến động về giá trị tồn kho, ở mức 11.461 tỷ đồng. KĐT và KCN Tràng Cát vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7.407 tỷ đồng; theo sau là KCN Tân Phú Trung (1.207 tỷ đồng); KĐT Phúc Ninh (1.103 tỷ đồng); KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (813 tỷ đồng); KĐT Tràng Duệ (600 tỷ đồng) và KCN Quang Châu (306 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do phải thu ngắn hạn và các khoản tương đương tiền tăng mạnh, tổng tài sản của Kinh Bắc đã chạm ngưỡng cao kỷ lục từ trước đến nay là 30.605 tỷ đồng, tăng gần 29% so với đầu năm.
Với quỹ đất dồi dào ở TP HCM, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) đang sở hữu lượng hàng tồn kho tương đối lớn là 7.747 tỷ đồng, tương đương 54% tổng tài sản.
Trong đó, dự án Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo chiếm 3.565 tỷ đồng; dự án Bình Trưng Đông (516 tỷ đồng); dự án Bình Hưng 11A (496 tỷ đồng); dự án Thủy Sinh Phú Hữu (483 tỷ đồng); Khang Phúc - An Dương Vương (447 tỷ đồng); Lovera Vista (210 tỷ đồng)... Tất cả các dự án này đều đang trong quá trình triển khai.
Ở vị trí cuối cùng trong danh sách là CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) với 7.194 tỷ đồng tồn kho, chiếm 73% tổng tài sản. Trong đó, BĐS dở dang có giá trị 6.523 tỷ đồng và BĐS hàng hóa là 636 tỷ đồng.
Năm qua, nhiều doanh nghiệp BĐS ghi nhận giá trị hàng tồn kho biến động mạnh. Trong đó, tăng mạnh nhất là CTCP Đệ Tam (mã chứng khoán: DTA) khi giá trị tồn kho tăng 5.735% so với đầu năm lên 78 tỷ đồng.
Tồn kho của CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, mã chứng khoán: CRE) cũng tăng mạnh 1.476%, từ khoảng 32 tỷ đồng lên 502 tỷ đồng, chủ yếu do tăng giá trị hàng hóa BĐS là các căn hộ, đất nền công ty mua từ chủ đầu tư để thực hiện kinh doanh bán lại.
CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC) tồn kho tăng 525% lên 51 tỷ đồng, phần lớn là chi phí liên quan đến hoạt động môi giới. Tồn kho của Nam Long tăng 155% lên 15.490 tỷ đồng, do phát sinh chi phí từ hai dự án Izumi và Southgate.
Ở chiều ngược lại, CTCP Dầu khí Đông Đô (mã chứng khoán: PFL) có hàng tồn kho giảm mạnh nhất, giảm 66% xuống 83 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp chuyên đầu tư các dự án nhà ở, biệt thự, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu đô thị mới...
CTCP Louis Land (mã chứng khoán: BII) tồn kho giảm 52% so với đầu năm xuống gần 42 tỷ đồng. Đối với CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN), do tồn kho tại dự án Khu phức hợp Monarchy - Block B giảm, tổng tồn kho của doanh nghiệp cũng giảm 51% xuống 283 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp đến từ nhóm Sonadezi là CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã chứng khoán: D2D), chi phí tại khu dân cư Lộc An giảm đã kéo theo hàng tồn kho giảm 42% xuống 94 tỷ đồng.