Ngay thời khắc thành phố Vũ Hán tuyên bố nới lỏng các hạn chế đi lại vào ngày 8/4, chấm dứt hiệu lực lệnh phong tỏa đã kéo dài 76 ngày chống dịch Covid-19, người dân và các doanh nghiệp địa phương đều biết rằng việc mở cửa trở lại một cách thực sự là không dễ dàng.
Tuy vậy, giới chức trách thành phố vẫn giữ một cái nhìn lạc quan trước tình hình này.
Trong một cuộc họp báo ngày 8/4, Luo Ping - một quan chức trong đội phản ứng dịch bệnh ở Vũ Hán, đã phát biểu rằng: "một số khu vực của thành phố đã có tỉ lệ khôi phục trở lại ở mức 100%".
Tại cuộc họp chính quyền thành phố Vũ Hán diễn ra vào ngày 25/4, giới quan chức thành phố đã hứa hẹn một "sự thành công kép" trong cả việc kiểm soát dịch bệnh và tái tăng trưởng nền kinh tế.
Nhưng theo CNN, một số chủ doanh nghiệp tại Vũ Hán đã chia sẻ rằng họ đang phải đối mặt với việc hoạt động mà không thu lại lợi nhuận, cộng với khoản tiền thuê khổng lồ sắp tới.
Các chuyên gia kinh tế tại đây cũng nhận định rằng "có thể sẽ phải mất nhiều tháng nữa để nền kinh tế thành phố phục hồi, thậm chí còn lâu hơn nữa".
"Trong ngắn hạn, tất nhiên, sẽ có một sự phục hồi," ông Larry Hu - nhà kinh tế học tại Macquarie Capital Limited nói.
"Đầu tiên sản lượng sản xuất sẽ phục hồi, và theo sau đó là lượng tiêu thụ, vì nhiều người sẽ vẫn còn chưa muốn ra ngoài ... ", ông nói.
'Nhưng từ góc nhìn dài hạn, với viễn cảnh 3 năm chẳng hạn, tác động của con virus nhỏ bé này vẫn sẽ còn lưu lại trên sự tăng trưởng dài hạn của Vũ Hán", chuyên gia Hu nhận định.
Thành phố Vũ Hán là một đô thị với dân số hơn 11 triệu người Trung Quốc, lớn hơn hầu hết các thành phố tại Mỹ, được xem là một thành phố cấp hai ở Trung Quốc đại lục.
Là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Vũ Hán vừa là trung tâm sản xuất vừa là cầu nối vận chuyển cho phần còn lại tỉnh này.
Đây chính là nơi phát hiện những ca mắc virus Covid-19 đầu tiên vào giữa tháng 12/2019. Đến khi tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ, ngày 23/1, thành phố Vũ Hán ra lệnh phong tỏa toàn thành phố.
Trong suốt 76 ngày liên tục, các hoạt động của thành phố 11 triệu người dân bị ngưng hoàn toàn, thậm chí người dân còn không thể đi đến cửa hàng tạp hóa để mua các nhu yếu phẩm.
Với việc kết thúc lệnh phong tỏa, Trung Quốc đang gấp rút đốc thúc các địa phương tái khởi động các hoạt động kinh doanh, trở về trạng thái bình thường càng sớm càng tốt, gây áp lực lên các tỉnh khuyến khích nền kinh tế đang suy yếu bùng nổ trở lại.
Song, thực tế lại cho thấy bất chấp những lời hứa hẹn hoa mĩ chứa đầy hi vọng, có những dấu hiệu phản ánh nền kinh tế tỉnh Hồ Bắc có thể phải tiêu tốn nhiều thời gian hơn, để phục hồi trở lại sau một thời kì phong tỏa kéo dài hàng tháng.
Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận định: "Bài học từ Vũ Hán cho phần còn lại của thế giới là phản ứng nhanh chóng, thực hiện các hành động kịp thời để đối phó với virus Covid-19 dù sẽ gây tốn kém cho nền kinh tế, nhưng cũng giúp cho nền kinh tế trở lại nhanh hơn".
"Tuy nhiên, tác động của lệnh phong tỏa có ảnh hưởng bất cân xứng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ', ông nói.
"Những công ty này thường ít có khả năng tham gia vào các khoản tín dụng, để giúp họ 'cầu nối đến sự phục hồi', đồng thời năng lực của họ cũng không đủ lớn để đáp ứng các yêu cầu để mở cửa trở lại".
Theo nguồn tin của CNN, trên con phố thương mại tại Vũ Hán vẫn có hơn một nửa các doanh nghiệp đóng cửa, ghi nhận trong ngày 21/4.
Tân Hoa Xã, trong số báo gần đây, đã công bố mức GDP theo năm của tỉnh Hồ Bắc đã giảm gần 40% so với cùng kì quí I/2020, với doanh số bán lẻ giảm hơn 15% chỉ trong tháng 3.
Dù chính quyền Bắc Kinh đã cho phép các doanh nghiệp được miễn tiền thuê trong vòng 3 tháng, tuy nhiên đối với những doanh nghiệp thuê bất động sản tư nhân, tỉ trọng tiền thuê khi vận hành không có lợi nhuận có khả năng lớn sẽ đẩy họ ra khỏi cuộc chơi.
"Tôi chỉ mở cửa nhà hàng lại trong vòng 2 ngày, suốt thời gian đó không có khách hàng nào đến dùng bữa, vì hiện việc ăn uống tại nhà hàng đang bị cấm", một chủ nhà hàng nói với Thời báo Hoàn cầu.
"Tôi cũng chỉ nhận được 2 hay 3 đơn đặt giao hàng trực tuyến, do chi phí mở cửa tốn kém hơn nhiều so với số tiền tôi kiếm được mỗi ngày, tôi đã đóng cửa lại nhà hàng", người này thở dài nói.
Theo CNN, một số chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Vũ Hán đã bày tỏ mối lo ngại rằng những chương trình trợ giúp của chính phủ sẽ đến quá muộn, và không thể cứu được các cửa hàng hay nhà hàng nhỏ và vừa của họ, dẫn đến việc phải đóng cửa hoạt động kinh doanh mãi mãi.
Thực tế, các trung tâm thể dục thể thao và các rạp chiếu phim tại đây vẫn đang "án binh bất động", và chưa có kế hoạch mở cửa trở lại, dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ được một thời gian.
Mặt khác, hầu hết các cửa hàng thức ăn nhanh dù đã mở cửa trở lại, đã phải thay đổi mô hình kinh doanh cũ.
Các chuỗi thương hiệu lớn như Starbucks, Mcdonald, Burger King, KFC và Pizza Hut đang thực thi qui định ngăn khách hàng vào cửa hàng để gọi món. Thay vào đó, các loại bàn "trung gian" được sắp xếp tại các cửa hàng, nhân viên sẽ nhận đơn đặt hàng và giao đơn hàng cho khách theo hệ thống "trung gian" này.
Chuyên gia kinh tế Shaun Roache cho rằng "trong khi sản xuất có thể phục hồi tương đối nhanh chóng hậu virus, còn lĩnh vực dịch vụ dường như sẽ chậm chân quay lại năng suất 100% ban đầu nhất".
"Điều này thực sự rất quan trọng, vì các ngành dịch vụ là những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất ở hầu hết các nền kinh tế", ông nói.
Điều tệ nhất, theo CNN, một số người dân và chủ doanh nghiệp địa phương có niềm tin rằng "chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi một làn sóng bùng phát dịch thứ hai 'càn quét' thành phố Vũ Hán, dẫn đến thời kì phong tỏa thứ hai, đi kèm thêm một cú đòn mạnh giáng lên nền kinh tế".
Vào ngày 25/4, cơ quan y tế Thành phố Vũ Hán đã báo cáo thêm 19 trường hợp mắc nhiễm virus Covid-19 mà không xuất hiện triệu chứng mới.
Điều này cho thấy rằng sẽ còn một chặng đường dài nữa để Vũ Hán và phần còn lại của thế giới, có thể trở lại "sự bình thường" mà chúng ta có trước khi đại dịch bùng phát.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020