Mùa đại hội cổ đông khác lạ

Mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2020 khác hẳn với mọi năm khi bắt đầu với một bảng hỏi và việc đo thân nhiệt, cùng với những kế hoạch hoãn, lùi tổ chức đại hội của nhiều doanh nghiệp lớn.

Kể từ cuối tháng 2 đến nay, mới chỉ có CTCP GTNfoods (mã: GTN) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, mã: BID) tổ chức xong Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2020.

Những điều chưa từng có

Doanh nghiệp đầu tiên tổ chức ĐHCĐ trong "mùa" dịch Covid-19 là GTNfoods, cũng là thời điểm dịch bùng phát trên thế giới và căng thẳng ở Việt Nam. Khác với mọi năm, những người đón cổ đông của GTNfoods không phải là đại diện doanh nghiệp, mà là các nhân viên y tế với máy đo thân nhiệt, khẩu trang và nước rửa tay.

Theo đó, cổ đông phải kê khai các thông tin di chuyển gần ngày họp và khả năng tiếp xúc với những người đi về từ Vũ Hán hoặc Trung Quốc. Sau khi trả lời hết các câu hỏi và không có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, cổ đông sẽ được đăng kí tham gia họp, nhận tài liệu kèm một khẩu trang y tế để sử dụng.

Tương tự, BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Đặc biệt, đại hội diễn ra chưa đầy nửa ngày sau khi Hà Nội công bố ca dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2.

Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết trong bối cảnh Hà Nội có một ca dương tính mới nhưng đại hội vẫn phải diễn ra theo luật định. BIDV cũng đã có những biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn cho cổ đông tham dự đại hội cũng như đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Tất nhiên, tại phần đăng kí cổ đông của BIDV cũng có thêm một bước bắt buộc, là đo thân nhiệt bởi đội ngũ y tế, đồng thời khẩu trang, nước rửa tay khô cũng sẵn sàng phục vụ.

Mùa đại hội cổ đông khác lạ - Ảnh 1.

Đón tiếp cổ đông đầu tiên không phải là lãnh đạo doanh nghiệp như mọi năm mà là bộ phận y tế.

Trên thực tế, công tác phòng dịch đã được ban tổ chức bố trí chu đáo. Tuy nhiên, đại hội vẫn khá vắng vẻ, ngoài "người nội bộ" thì chỉ có lác đác cổ đông tham dự, và thường ngồi cách xa nhau.

Với diễn biến hiện nay, không riêng cổ đông GTNfoods và BIDV, mà các nhà đầu tư có thể sẽ chứng kiến những điều chưa từng thấy trong mùa ĐHCĐ năm nay. Không chỉ là những bảng hỏi "có đến từ vùng dịch" hay những bước kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang, rất có thể những cuộc họp cổ đông trực tuyến, biểu quyết qua mạng sẽ diễn ra.

Mới đây, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ thúc đẩy giải pháp họp ĐHCĐ trực tuyến, bỏ phiếu qua hệ thống bỏ phiếu điện tử. Mùa cao điểm của ĐHCĐ thường rơi vào tháng 3, 4, và không loại trừ cũng có thể là "đỉnh" của dịch.

Đáng chú ý, bên cạnh những vấn đề quen thuộc về kế hoạch kinh doanh, nhân sự, cổ tức... từ cuối năm 2019 đến nay, liên tiếp nhiều sự kiện xảy ra có tầm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, như Nghị định 100, dịch Covid-19, Hiệp định EVFTA được EU phê chuẩn..., nên giải pháp định hướng của ban lãnh đạo doanh nghiệp thế nào cũng được các cổ đông quan tâm.

Nhiều doanh nghiệp chần chừ

Vừa qua, trong văn bản gửi Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) đưa ra 12 kiến nghị, nhằm hỗ trợ thị trường và các công ty chứng khoán trong tình hình khó khăn do dịch bệnh. Trong đó có việc khuyến khích các công ty đại chúng giãn thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên, hoặc cho phép lấy ý kiến bằng văn bản thay thế họp.

Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, khi tổng số ca bệnh tại Việt Nam lên 38, một vài doanh nghiệp đã bắt đầu tỏ ra lo ngại và có động thái lùi, hoãn ĐHCĐ.

CTCP Bán lẻ Kĩ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) vừa thông qua việc hoãn tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2020, dự kiến diễn ra vào ngày 20/3 tới. Danh sách cổ đông tham dự đã được chốt vào ngày 3/3 vừa qua, lịch tổ chức họp sẽ được HĐQT quyết định vào thời gian thích hợp.

Trước đó, chiều 3/3, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) cho biết HĐQT đã thông qua nghị quyết về việc chấp hành chỉ đạo của UBND TP HCM đề nghị ngân hàng không tổ chức ĐHCĐ lúc này.

Các văn bản trước đó của UBND TP HCM về tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19 đều nêu rõ "hạn chế tụ tập đông người". Đồng thời, xét đề nghị của Eximbank và ý kiến của Sở Y tế cũng như căn cứ Chỉ thị số 06 của Thủ tướng, UBND TP HCM cho rằng, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đề nghị Eximbank không tổ chức ĐHCĐ bất thường.

Eximbank hiện vẫn chưa tổ chức thành công ĐHCĐ năm 2019. Theo kế hoạch, Eximbank dự kiến họp vào tháng 3 và ĐHCĐ thường niên vào tháng 4.

CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (mã: MWG) cũng vừa lấy khảo sát ý kiến cổ đông xin lùi thời gian tổ chức phiên họp ĐHCĐ thường niên từ 27/3 sang cuối tháng 4. Lí do của MWG là ngoài vấn đề hạn chế rủi ro lây nhiễm và sức khỏe cộng đồng, còn là việc tôn trọng quyền và đối xử công bằng giữa các cổ đông.

"Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cổ đông nước ngoài có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển đến và về từ Việt Nam", đại diện công ty giải thích.

Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến này có thể thấy, tình trạng dừng hoặc xin ý kiến cổ đông lùi thời gian tổ chức phiên họp thường niên chỉ mới xuất hiện ở những doanh nghiệp có lịch họp ngay trong tháng 3. Đại diện một số nhà băng dự kiến tổ chức họp thường niên cuối tháng 4 cho biết vẫn chưa có kế hoạch dời lịch họp và dự kiến vẫn áp dụng họp kiểu cũ.


chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.