Trong khi nhiều đại gia trong ngành bán lẻ đang "than trời" do hoạt động kinh doanh đình trệ dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, đồng thời vẫn phải gồng gánh chi phí mặt bằng, thì kênh bán hàng trực tuyến tỏ ra chiếm lợi thế.
Theo chuyên gia của Savills Việt Nam, hiện khách thuê ở những khu vực trung tâm đang phải gồng gánh mức giá thuê rất cao, dao động 5.000-20.000 USD/tháng. Ngay cả trước thời điểm dịch bệnh, các doanh nghiệp đã phải khai thác triệt để hiệu suất mới có thể tồn tại.
Nói với Zing, đại diện FPT Retail khẳng định chi phí mặt bằng hiện là khoản chi lớn nhất của doanh nghiệp với hệ thống hơn 600 cửa hàng trên toàn quốc.
Trước tác động của dịch bệnh, ông lớn ngành bán lẻ này cho biết đã nhận được nhiều sự ủng hộ của chủ cho thuê mặt bằng với nhiều hình thức, như giảm giá, tặng thêm thời gian thuê, giãn thời gian thanh toán... Song, bên cạnh đó cũng có một số chủ nhà vì nhiều lí do mà chưa sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì trao đổi, đàm phán để có kết quả tốt nhất, vừa giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, vừa hợp tác lâu dài, ổn định với chủ cho thuê mặt bằng", vị đại diện này nói thêm. Đồng thời cũng chia sẻ trong trường hợp không thể đàm phán, doanh nghiệp sẵn sàng tính đến phương án đóng cửa hàng nếu không thể duy trì hiệu quả.
Tương tự, mới đây, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã phải đề nghị chủ mặt bằng điều chỉnh, miễn giảm chi phí thuê tới 50% để phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế do tác động của dịch bệnh.
Một đại gia trong ngành trang sức vàng bạc, đá quý là PNJ với 346 điểm bán, sau khi đóng hết cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM cũng đã phải thảo luận với 40% chủ nhà để đàm phán giảm 15-100% tiền thuê mặt bằng, tùy vào vị trí cửa hàng. Doanh số từ các điểm bán ở 2 thành phố lớn này chiếm khoảng 52-55% tổng doanh thu của công ty.
Khi hoạt động kinh doanh truyền thống không còn hiệu quả, hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển sang đầu tư mạnh hơn vào kênh bán hàng trực tuyến để ứng phó. Đặc biệt, các trang thương mại điện tử tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng mơ ước.
Theo khảo sát của Nielsen vào tháng 2 vừa qua, chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu như đồ ăn khô, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tăng mạnh trung bình 35-70%.
Các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn. Đơn vị vận chuyển Grab nhanh chóng ra mắt dịch vụ Grabmart, đi siêu thị giúp người tiêu dùng...
Tương tự, trong bối cảnh tạm đóng hàng loạt cửa hàng, doanh thu bán hàng online quý I của PNJ tăng tới 173% so với năm trước. Tuy nhiên, kết quả này chưa giúp ích nhiều cho công ty khi kênh online chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ khoảng 1% tổng doanh thu.
Đây là những động thái rất nhanh thích ứng với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ. Trong 5 năm qua, thị trường bán lẻ trực tuyến, mặc dù tăng trưởng nhanh với mức trung bình 39%, cao hơn mức tăng 9% của thị trường bán lẻ truyền thống, vẫn chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.
Theo ông Mohit Agrawal, Giám đốc bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng của Nielsen, người tiêu dùng Việt đang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Đây là cơ hội để các đơn vị bán lẻ đầu tư phát triển một cách tích cực hơn vào nền tảng kỹ thuật số.
Trong khi đó, tỉ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại đang có xu hướng giảm nhẹ, theo ghi nhận của CBRE. Đồng thời, hầu hết chủ đầu tư đã áp dụng mức giảm giá thuê trung bình từ 10-30% từ cuối tháng 2.
Tuy nhiên, CBRE cũng nhận định nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 9, tỉ lệ trống tại các trung tâm thương mại sẽ tăng mạnh ở mức 5-7%. Chủ mặt bằng cũng sẽ phải giảm khoảng 30% giá thuê hoặc giãn thời hạn thanh toán nhằm giữ chân khách thuê.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020