Nắng ấm ở Hà Nội có giúp tiêu diệt virus corona?

Thời gian qua, có thông tin cho rằng, virus corona chỉ sống được ở môi trường nhiệt độ dưới 25oC và có thể chết trong vòng 3-5 phút nếu nhiệt độ cao hơn. Vậy thông tin này có chính xác và thời tiết nắng ấm như tại Hà Nội hôm nay có giúp tiêu diệt virus corona?

Sau thời gian dài Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc chìm trong giá rét thì từ chiều qua tới nay trời đã có nắng. Đặc biệt, hôm nay, Hà Nội có nắng từ cuối buổi sáng tới chiều tối, nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 28oC.

Thời gian qua, một số thông tin cho rằng, virus corona chỉ sống được ở môi trường nhiệt độ dưới 25oC và có thể chết trong vòng 3-5 phút nếu nhiệt độ cao hơn. Vậy thông tin này có chính xác và thời tiết nắng ấm như tại Hà Nội như hôm nay có giúp tiêu diệt virus corona?

Nắng ấm ở Hà Nội có giúp tiêu diệt virus corona?  - Ảnh 1.

Hôm nay, Hà Nội nắng ấm, nhiệt độ cao nhất lên tới 28oC. (Ảnh: Thuỷ Long)

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam.

Ông Phu cho biết, các nghiên cứu liên quan đến nhiệt độ chưa thực sự rõ ràng. Hiện nay, cũng chưa có cơ sở khoa học nào, chưa có tổ chức nào (ngay cả WHO) nói rằng virus corona sẽ chết ở môi trường nhiệt độ trên 25oC.

"Chưa có ai nói như vậy cả. Trong miền Nam nắng nóng như thế mà vẫn có trường hợp lây nhiễm," ông Phu nói.

"Hiện nay, dịch chưa biết khi nào mới dừng, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh theo Bộ Y tế đã khuyến cáo. Chúng ta không nên quan tâm đến vấn đề nhiệt độ cao hay thấp như vậy," nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thêm.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyên người dân nên hạn chế dùng điều hoà, mở cửa thông thoáng. Môi trường thông thoáng sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm corona.

Liên quan đến việc virus có chết ở nhiệt độ trên 25oC hay không, tờ Tiền Phong dẫn lời Bác sĩ Lại Thanh Hà - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, thời tiết lạnh là một trong những điều kiện môi trường khiến mầm bệnh virus sống ngoài môi trường lâu hơn. Virus trong nhiệt độ 22 - 25oC với độ ẩm 40% có thể sống được 5 ngày ở môi trường bên ngoài còn trên 25oC thì virus có thể suy yếu đi.

"Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc virus ở nhiệt độ trên 25oC sẽ không có nguy cơ lây bệnh. Nhiều người nhận định virus corona sẽ chết khi ở nhiệt độ trên 25oC là sai lầm. Bởi cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37oC hoặc hơn. Rõ ràng ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ và còn có thể nhân lên. 

Vì thế kể cả khi môi trường 25 độ thì vẫn không được chủ quan và vẫn phải làm theo sự chỉ dẫn của Bộ Y tế nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Khi nhiệt độ trên 38 độ, độ ẩm cao 80% thì sức sống của virus mới giảm đi 1000 lần và khiến nguy cơ lây bệnh giảm," bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Nắng ấm ở Hà Nội có giúp tiêu diệt virus corona?  - Ảnh 2.

Mở cửa sổ thông thoáng là một trong những biện pháp phòng chống dịch corona. (Ảnh: Thuỷ Long)

Trước đó, chia sẻ trong cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch corona diễn ra ngày 5/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, corona là loại virus có cấu trung đơn giản nhưng khả năng lây lan được đánh giá là rất nhanh. Theo ông Long, virus này có ba phương thức lây truyền chủ yếu.

Một là lây truyền qua không khí. Cụ thể là lây qua việc chúng ta tiếp xúc giọt nước bọt từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp chúng ta.

Hai là lây truyền trực tiếp, khi chúng ta tiếp xúc với người bệnh, kể cả khi bắt tay với người bệnh.

Thứ ba là lây truyền từ các bề mặt đã bị nhiễm khuẩn. Đặc trưng của loại virus này là khi chúng ta ho, hắt hơi ra ngoài thì nó không phải lơ lửng trên không khí. Vì vậy, việc lây qua không khí được đánh giá ở mức độ thấp. 

"Khi ra ngoài, virus sẽ bám trên các bề mặt gỗ, đá, sắt, thép... Nó có thời gian tồn tại khá lâu. Khi tay chúng ta sờ vào các bề mặt đó, rồi đưa lên mũi, lên mắt, lên miệng… thì đấy là đường lây truyền đáng quan ngại," ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, có phương thức lây thứ 4 là corona có thể lây qua đường phân, nhưng thường chỉ gặp ở trường hợp chăm sóc người bị nhiễm, còn bình thường hầu như không có. Ngoài ra, một số thông tin cho rằng xuất hiện một số đường lây khác nhưng chưa có kiểm chứng về mặt khoa học.

Trên cơ sở các phương thức lây nhiễm, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh dịch. Trong đó, người dân cần tránh: Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt; đến những nơi đông người; tiếp xúc trong không gian kín từ 15 phút đến 2 giờ... Người dân nên: Rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày; vệ sinh, sát trùng các bề mặt tiếp xúc; ho, hắt hơi, sổ mũi vào giấy, khăn, khẩu trang… rồi bỏ vào thùng rác, sau đó rửa tay bằng xà phòng…

Theo ông Long, virus nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, "sợ" cả gió, tức là "sợ trong môi trường thông thoáng khí" nên người dân phải mở cửa sổ cho thông thoáng. Ở những môi trường có nắng, có gió thì người bình thường không cần thiết phải đeo khẩu trang. Người dân cũng không cần thiết phải đeo khẩu trang y tế ở mọi nơi vì "chưa có bằng chứng khoa học bảo vệ có ích với người không bị bệnh".

Xem thêm:  Những cách phòng tránh dịch corona cơ bản theo Bộ Y tế   

chọn