Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khoanh nợ, giãn nợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).

Văn bản cho biết hiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khoanh nợ, giãn nợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khoanh nợ, giãn nợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh: Thanh Niên).

Yêu cầu này nhằm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kì hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3, cho đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này. 

Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị cho vay mới đối với khách hàng theo quy định, để ổn định sản xuất kinh doanh.

Nội dung của văn bản cũng chỉ ra các yêu cầu của việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. 

Trong đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng, đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Tổ chức tín dụng có hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. 

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị tổ chức tín dụng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo công văn hướng dẫn, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khoanh nợ, giãn nợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh 2.

NHNN nhấn mạnh cần tập trung các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu… (Ảnh: Phúc Minh).

Văn bản chỉ đạo mới nhất này của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11, sau phiên họp thường kì tháng 1/2020, giao NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Trước đó, từ đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các địa phương, các tổ chức tín dụng tích cực vào cuộc, triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các tổ chức tín dụng được yêu cầu cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng thương mại được yêu cầu chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đến nay, một loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, HDBank, VPBank cùng nhiều nhà băng đã thực hiện cơ cấu nợ, giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh này.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.