Dọc theo những con đường dẫn vào con phố nhỏ ở phía Đông thành phố Thọ Quang, công nhân trong bộ đồ bảo hộ hazmat đang kiểm tra nhiệt độ của khách hàng. Việc kiểm tra cũng là điều bắt buộc tại các văn phòng. Toàn bộ khu phố đã được rào chắn, ngăn sự xâm nhập của những người không cư trú. Tất cả các khách sạn đều đã đóng cửa.
Thọ Quang cách 500 dặm so với tâm chấn của virus corona. Nhưng các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ với thành phố này là rất quan trọng với Trung Quốc, vì đây là nơi cung cấp rau củ quả cho cả đất nước tỉ dân.
Thời báo New York nhận định virus corona đang kiểm tra khả năng liệu Trung Quốc có đủ sức nuôi sống 1,4 tỉ người hay không, khi bệnh dịch có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng. Các gia đình trên khắp Trung Quốc đang tích trữ các nhu yếu phẩm, khiến các cửa hàng và siêu thị khó đảm bảo nguồn dự trữ thực phẩm tươi sống trong kho. Chưa kể, nhiều nơi đã phong toả giao thông, làm chậm các chuyến xe chở hàng và tăng chi phí vận chuyển hàng hóa.
Các quan chức Trung Quốc tuyên bố sẽ cung cấp đủ thực phẩm đến Vũ Hán. Và Thọ Quang, một trong những trung tâm trồng, buôn bán và vận chuyển rau lớn nhất cả nước, đã bắt đầu quyên góp các sản phẩm của mình cho tâm chấn corona.
Tuần trước, 350 tấn sản phẩm Thọ Quang đã đi đến Vũ Hán trên một đoàn xe tải do cảnh sát dẫn đầu.
Những chiếc xe tải đã đầy ắp rau củ quả nhờ những người như Lý Hữu Hoa, 51 tuổi, người trồng ớt ở một ngôi làng gần Thọ Quang. Một đêm cuối tuần trước, ủy ban đã gọi điện đến từng hộ dân, yêu cầu nông dân địa phương cung cấp thêm sản phẩm mà họ có thể gửi đến Vũ Hán. Nghe xong, ông Lí đặt điện xuống, bắt tay vào hành động. Ông, vợ và 2 cô con gái chộp lấy đèn pin và làm việc suốt đêm. Họ đã thu hoạch nửa tấn ớt, gấp đôi sản lượng hàng ngày bình thường của họ.
Ông Lý cho biết ông chưa được nghe gì từ chính quyền về thời điểm hoặc những gì ông có thể được trả cho đóng góp của mình. Nhưng ông nhớ lại khi Thọ Quang bị lũ lụt thảm khốc trong những năm gần đây, mọi người từ khắp Trung Quốc đã đến viện trợ cho ông và những người nông dân khác. "Chúng tôi không thể quên điều đó", ông Lí nói.
Ngày 8/2 sắp tới, một đoàn xe tải thứ hai từ Thọ Quang sẽ lên đường đến Vũ Hán mang bắp cải xanh, súp lơ, khoai tây và nhiều thứ khác. Các tài xế xe tải không chắc sẽ được trả bao nhiêu tiền cho chuyến đi này. Nhưng họ chỉ biết rằng, chắc chắn họ sẽ bị cách li tại nhà trong 2 tuần, đồng nghĩa với việc họ mất đi thu nhập hàng nghìn USD.
Tuy nhiên, Mã Thành Long, 34 tuổi, tình nguyện tham gia ngay lập tức khi cuộc gọi từ uỷ ban kết thúc.
"Khi đất nước gặp khó khăn, mỗi người dân đều có nghĩa vụ", ông Mã vừa nói, vừa dùng những sợi dây căng lên biểu ngữ màu đỏ bên hông xe tải. Biểu ngữ có dòng chữ: "Vội vã giải cứu Vũ Hán với 5.000 tấn rau".
Niềm tự hào của các tài xế hiện hữu cùng sự lo lắng. Một tài xế họ Tống sợ gia đình sẽ bị kì thị nếu mọi người nghe nói anh ta đang chuyển rau đến Vũ Hán. Người duy nhất anh kể về hành trình của mình là vợ.
"Chúng tôi phải lắng nghe chính phủ, bất cứ điều gì chính phủ muốn. Đó là cách tốt nhất trong tình trạng hiện nay", anh Tống khẳng định.
Dẫu vậy, các quan chức Trung Quốc cũng đang cảnh giác về các dấu hiệu căng thẳng nguồn cung trên khắp đất nước. Giá bán lẻ thực phẩm tươi đã tăng lên ở nhiều nơi. Giá rau ở Thọ Quang cũng nhảy vọt sau nhiều năm vào tuần trước. Nông dân chăn nuôi gia cầm đang cảnh báo, rằng nguồn cung cấp thức ăn cho gà đang cạn kiệt do hạn chế vận chuyển và kết quả là hàng triệu con có thể chết .
Như thể một căn bệnh nguy hiểm vẫn không đủ đối với Trung Quốc lúc này, trớ trêu thay chính phủ cuối tuần qua đã báo cáo một đợt bùng phát cúm H5N1 gây bệnh rất cao tại một trại gà ở tỉnh Hồ Nam. Khoảng 4.500 con gà đã chết và 17.000 con đã bị tiêu hủy trước.
Trước đó, hàng hoá ở Trung Quốc đã tăng lên vì dịch tả heo châu Phi, khiến gần một nửa đàn heo bị tiêu huỷ. Kể từ dịch tả heo châu Phi bùng phát vào tháng 8/2018, giá thịt heo đã tăng vọt. Đỉnh điểm là mức tăng 110% trong tháng 11/2019. Giá các loại thịt khác cũng bị kéo theo, bao gồm cả thịt gà, thịt vịt và thịt bò, cùng với các nguồn protein khác, như trứng.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ra lệnh cho ngành nông nghiệp tăng sản lượng bằng mọi cách có thể, trong khi vẫn giữ giá cơ bản ổn định. Các nhà chức trách đã đưa ra một hình phạt cho các cửa hàng trục lợi vào thời điểm này. Một siêu thị vừa bị phạt hơn 1,6 tỉ đồng vì bán bắp cải với giá hơn 200.000 đồng/kg.
Các công ty nhà nước đã được lệnh tăng cường cung cấp gạo, bột mì, dầu ăn và thịt cho Vũ Hán và cả tỉnh Hồ Bắc. Thành phố Thiên Tân gần đây đã thông báo rằng Khương Sư Phụ, một nhà sản xuất mì ăn liền khổng lồ, đã tăng sản lượng lên 4 triệu gói mì mỗi ngày .
Trong một cuộc họp báo hôm 3/2, các quan chức cho biết họ đã phối hợp với 6 tỉnh gần Hồ Bắc để tích trữ 60.000 tấn rau . Họ cũng cho biết đã có sẵn 10.000 tấn thịt heo đông lạnh gần cảng Thượng Hải có thể được gửi đến Vũ Hán bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, an ninh lương thực của Trung Quốc sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ kiểm soát sự lây lan của virus corona.
Vương Chí Cang, quản lí tại một chợ lớn của Thọ Quang, nói rằng miễn virus corona được tránh xa, thì thành phố có thể đảm bảo việc thông thương hàng hoá mỗi ngày, nguồn cung cấp rau của Trung Quốc vẫn còn dồi dào.
"Nếu Thọ Quang bị phong toả do dịch bệnh, thì chúng tôi không thể làm gì được", ông Vương vừa đeo khẩu trang vừa chia sẻ với phóng viên Thời báo New York.
Thoạt nhìn, Thọ Quang, một thành phố chưa đến 1,1 triệu dân, không giống như một mấu chốt không thể thiếu trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng những nhà kính rộng lớn nằm dọc các con phố tạo ra 4,5 triệu tấn rau mỗi năm, là con số nói lên tầm quan trọng của địa phương này.
Việc buôn bán sản phẩm đã tạo ra sự giàu có to lớn ở Thọ Quang, đến nỗi Farmers' Daily, một tờ báo nhà nước, năm ngoái đã ca ngợi thành phố này là "thung lũng Silicon" của ngành rau quả.
Theo ông Vương, gần đây, khi mối lo ngại về virus đã thúc đẩy nhu cầu về rau trên cả nước, nông dân ở Thọ Quang đã khai thác đến nguồn rau dự trữ của họ. Một số nông dân ở đây có bí quyết giữ khoai tây, củ cải, hành tây, cải bắp và các loại rau khác có thể bảo quản lạnh trong nhiều tháng.
Tại cổng trước của chợ bán buôn, công nhân kiểm tra nhiệt độ của những người lái xe tải mang sản phẩm vào và lấy ra. Tất cả các phương tiện được phun thuốc khử trùng. Người ngoài bị cấm vào chợ.
Sơn Đông, tỉnh ven biển nơi Thọ Quang tọa lạc, cho đến ngày 4/2 đã báo cáo 275 trường hợp nhiễm virus corona. Nhưng con số này vẫn còn ít hơn cả một số tỉnh dân cư thưa thớt khác.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020