Nhiều trường tư 'khóc ròng' trong mùa dịch Covid-19 vì học sinh nghỉ kéo dài

Học sinh nghỉ học kéo dài, không có nguồn thu, trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên… nhiều trường tư phải chật vật cân đối chi tiêu trong mùa dịch Covid-19.
Nhiều trường tư 'khóc ròng' trong mùa dịch Covid-19 vì học sinh nghỉ kéo dài - Ảnh 1.

Giáo viên một trường mầm non vệ sinh đồ dùng cho học sinh trong kì nghỉ. (Ảnh: Nguyễn Loan).

Không có nguồn thu, vẫn phải chi hàng trăm triệu mỗi tháng

Chia sẻ về điều này, cô T.H, Hiệu trưởng Trường mầm non ICA (Gò Vấp, TP HCM) cho biết đây là khó khăn chung của các trường tư. Vấn đề dịch bệnh không ai mong muốn, dù vậy,  thời gian nghỉ học kéo dài, sẽ khiến cả phụ huynh lẫn giáo viên và trường bối rối.

Với phụ huynh, nhiều người không có chỗ gửi con để đi làm, nên hoặc là phải đem con đi làm cùng, hoặc là gửi con ở chỗ quen biết. Tuy nhiên, việc gửi trẻ ở bên ngoài trường cũng khiến phụ huynh không an tâm, chế độ ăn ngủ, sinh hoạt của các bé bị đảo lộn.

“Với các trường tư, phần lớn đều phải thuê mặt bằng, mà mặt bằng để làm trường mầm non thường phải lớn nên chi phí rất cao, như riêng ICA, chi phí thuê mặt bằng đã gần 40 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, chi phí thuê khoảng 9 nhân công, cộng thêm tiền bảo hiểm… nên tổng chi phí phải chi mỗi tháng là rất lớn. Giờ học sinh nghỉ, mình không có nguồn thu nên thật sự rất khó khăn”, cô T.H chia sẻ.

Chưa kể, nhiều quyết định cho học sinh nghỉ học thường được thông báo vào “giờ chót”, giáo viên đã từ quê lên thành phố đi dạy, cũng không biết học sinh nghỉ tới bao giờ nên đành bám trụ lại thành phố trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tiền lương thực nhận trong đợt này chỉ bằng một nửa so với trước đây.

Còn cô Hồng Hà, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Tân Bình, TP HCM cũng cho biết rất đau đầu.

Trường cô Hà có tới 2 cơ sở, với hơn 400 trẻ. Mỗi tiền thuê mặt bằng của hai cơ sở này đã hơn 100 triệu đồng mỗi tháng. Trường cũng phải trả lương cơ bản, đóng bảo hiểm cho hơn 40 giáo viên, nhân viên. Tính chung, mỗi tháng đã phải chi gần 300 triệu đồng trong khi không có nguồn thu từ học sinh.

Nhiều trường tư 'khóc ròng' trong mùa dịch Covid-19 vì học sinh nghỉ kéo dài - Ảnh 2.

Vắng học sinh, nhiều trường buộc phải cắt bớt các khoản chi trong mùa dịch. (Ảnh: Nguyễn Loan).

Theo bà, việc học sinh nghỉ học kéo dài cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bộ phận giáo viên trường tư. Hầu hết các trường đều trông chờ vào khoản thu học phí từ học sinh, giờ các em nghỉ cả tháng, trường phải trừ học phí nguyên tháng cho các em. Còn giáo viên chỉ được nhận phần lương cơ bản, từ 4-5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống của họ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Phải tinh giảm nhân sự

Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều trường không còn lựa chọn nào khác là phải tinh giảm nhân sự, hoặc “xin phép” không chi lương trong những tháng học sinh nghỉ học ở nhà tránh dịch. 

“Trước mắt, chúng tôi đã phải tinh giảm nhân sự như nhân viên bảo vệ, vệ sinh, cấp dưỡng… Còn giáo viên, tôi vẫn động viên các cô giáo thông cảm với các khoản chi của trường trong thời gian này. Nhưng nếu học sinh còn nghỉ hết tháng 3, thì thật sự đây là một thách thức lớn với chúng tôi”, cô Hồng Hà nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch HĐQT Trường THCS, THPT Duy Tân (Quận 10, TP HCM) cho biết hôm qua trường đã họp và thống nhất sẽ không thu học phí của học sinh trong tháng 2, nếu học sinh tiếp tục nghỉ vào tháng 3 trường buộc phải tiếp tục trừ học phí cho các em. Ngoài ra, với những học sinh nội trú đã nhập trường, trường cũng chủ động hỗ trợ tiền tàu xe để các em về quê trong đợt nghỉ kéo dài này.

Dù không phải thuê mặt bằng, nhưng theo bà Sơn, không có nguồn thu từ học sinh, trường cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Với số lượng giáo viên và công nhân viên lớn, ban giám hiệu trường đã phải tổ chức họp để chia sẻ những khó khăn trường đang gặp phải.

“Chúng tôi cũng nói thẳng bây giờ trường không đủ kinh phí để trả lương cho giáo viên, mọi người có thể nghỉ, hoặc đăng kí nghỉ không lương trong thời gian học sinh nghỉ học. May mắn là giáo viên của trường cũng rất hiểu và thông cảm, 80% đã đăng kỉ nghỉ không lương trong đợt này. Còn những giáo viên cơ hữu, chúng tôi vẫn phải chi cả hàng trăm triệu đồng mỗi tháng trả tiền lương để giữ họ lại”, bà Sơn chia sẻ.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.