Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tí 2020, nhằm đảm bảo đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình, tiếp tục có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên hệ thống ATM/POS ổn định, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán cao vào dịp cuối năm.
Dù Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng lưu ý việc rút tiền mặt tại các trụ ATM vào cao điểm Tết. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, tình hình ATM của nhiều ngân hàng tạm ngưng hoạt động, không cho rút tiền vẫn diễn ra, nhất là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn tiếp tục diễn ra.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 2 ngày 21 và 22/1/2020 (tức ngày 27-28 tháng Chạp) đã có sự gia tăng đột biến về số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM so với ngày thường, qua đó xuất hiện tình trạng ùn ứ người dân xếp hàng rút tiền tại cây ATM ở một số khu công nghiệp.
Theo số liệu của Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank, số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM ngày cao điểm Tết gấp từ 2-3 lần so với ngày thường.
Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng cho biết, giao dịch chuyển mạch qua ATM dịp này lên tới 2 triệu giao dịch, gấp hơn 2 lần so với ngày thường. Tổng chuyển mạch toàn hệ thống qua ATM tới gần 5 triệu giao dịch, gấp hơn 2 lần so với ngày thường.
Ngay trong ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết hôm qua (28 tháng Chạp), Ngân hàng Nhà nước đã có công điện khẩn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ, theo dõi tồn quỹ và tiếp quỹ kịp thời, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt.
Các ngân hàng tổ chức, bố trí người trực, giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ đối với ATM hết tiền, có biện pháp xử lí kịp thời các sự cố của hệ thống ATM, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn.
Song song đó, NHNN cũng khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm áp lực tại các cây ATM.
Ngoài lưu ý tình hình giao dịch tại các cây ATM, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, dịch vụ, phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giữ ổn định thị trường trong, trước và sau Tết Nguyên đán.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan chủ động nắm tình hình trả lương, thưởng của các đơn vị, doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Đồng thời, có phương án phù hợp để thu hút lao động sau kì nghỉ Tết, nhất là tại các khu công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ việc, thiếu lao động, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải; bảo đảm thuận tiện trong việc đi lại, không để bất cứ người dân nào phải ở lại bến tàu, bến xe không kịp về quê đón Tết.
Bộ GTVT có trách nhiệm xử lí nghiêm hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán.
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020