Nước Mỹ chính thức bước vào suy thoái kinh tế, chấm dứt thời kì phát triển dài nhất trong lịch sử

42 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Dự báo GDP quý II/2020 của Mỹ có thể giảm tới 40% so với cùng kì năm ngoái.

Nước Mỹ chính thức bước vào suy thoái kinh tế

Thời kì tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đã chính thức chấm dứt. Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ (NBER) đầu tuần này tuyên bố rằng nước Mỹ đã chính thức bước vào suy thoái kinh tế từ tháng 2/2020.

Rất nhanh chóng để NBER đưa ra tuyên bố nền kinh tế Mỹ đã sụp đổ, khác hẳn so với những lần công bố trước đây, khi suy thoái diễn ra cả năm trời và mọi người đều biết thì Cục này mới lên tiếng.

Chẳng hạn, đến tận ngày 1/12/2008, NBER mới chính thức thông báo rằng Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái, mặc dù nó đã xảy ra từ 12 tháng trước đó.

Đây là lần tuyên bố suy thoái nhanh nhất của NBER kể tư khi cơ quan của Chính phủ Mỹ này được thành lập vào năm 1979.

Nước Mỹ chính thức bước vào suy thoái kinh tế, chấm dứt thời kì phát triển dài nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Việc áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội để chống Covid - 19 đã tác động nặng nề tới kinh tế Mỹ. (Ảnh: Hot Springs Sentinel Record).

Các lệnh áp đặt giãn cách xã hội để chống lại đại dịch Covid - 19 đã tàn phá đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế số 1 thế giới. Từ các hãng hàng không, tàu du lịch đến các nhà hàng, các buổi trình diễn tại Broadway,… tất cả đều cảm nhận được tác động khủng khiếp của đại dịch.

"Việc làm, các hoạt động sản xuất bị sụp đổ trên một quy mô và phạm vi lớn chưa từng thấy trong toàn bộ nền kinh tế. Nó xảy ra nhanh hơn bất kì một cuộc suy thoái nào trước đó trong lịch sử nước Mỹ", cơ quan của Chính phủ Mỹ viết trong một báo cáo.

Hơn 42 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Các công ty lớn bao gồm JCPenney, J.Crew và Hertz nộp đơn xin phá sản. Các nhà kinh tế dự báo GDP nước Mỹ trong quý II/2020 sẽ sụt giảm tới 40% so với cùng kì năm ngoái.

Suy thoái lần này đã đánh dấu một sự kết thúc cho chuỗi tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử kể từ Đại suy thoái.

Tính đến tháng 7/2019, đó là một thời kì tăng trưởng kinh tế dài nhất của nước Mỹ kể từ năm 1854. Nó kéo dài 128 tháng liên tiếp, phá vỡ kỉ lục 120 tháng trước đó, được thiết lập từ tháng 3/1991 đến tháng 3/2001 trong thời kì bùng nổ dotcom.

Hi vọng về ánh sáng cuối đường hầm

Mặc dù cuộc suy thoái này bắt đầu đột ngột, nhưng có hi vọng rằng nó sẽ diễn ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

Các nhà phân tích dự báo, GDP Hoa Kỳ sẽ chuyển biến tích cực trong quý thứ 3, khi các doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại và người Mỹ bắt đầu đi làm.

Nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ chưa từng có của Chính phủ liên bang.

Quốc Hội và Nhà Trắng đã thông qua gói kích thích kỉ lục, cung cấp viện trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, các khoản vay được giải ngân cho các doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ trực tiếp cho các công ty lớn.

Cục Dự trữ liên bang đang thực hiện các bước tương tự để giải quyết khủng hoảng như họ đã từng làm trong năm 2008. Fed cắt giảm lãi suất xuống 0, hứa hẹn sẽ mua một lượng trái phiếu không giới hạn và triển khai một loạt các chương trình cho vay khẩn cấp.

Ngân hàng TW Hoa Kỳ thậm chí lần đầu tiên đã chỉ đạo việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Các bước đi này đã mở khoá thị trường tài chính vốn bị đóng băng trong tháng 3.

Một vài tia hi vọng cho thấy điều tồi tệ nhất của suy thoái có thể đã đi qua.

Đáng chú ý nhất Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ cho biết đã có thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng 5. Tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống còn 13.3% trong tháng, mặc dù vẫn rất cao so với thời điểm Đại suy thoái.

Phố Wall đang hồi sinh khi các nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi hình chữ V của nền kinh tế. S&P 500 đã tăng hơn 40% so với mức thấp nhất ngày 23/3. Chỉ số Nasdaq bao gồm cổ phiếu của các công ty lớn như Amazon, Facebook, đang ở mức cao nhất mọi thời đại.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn hết sức thận trọng khi cho rằng sự phục hồi có thể không nhanh như mọi người vẫn tưởng. Các thành phần của nền kinh tế, bao gồm nhà hàng, rạp chiếu phim, hãng hàng không và tàu du lịch vẫn chưa thể tái khởi động cho đến khi một loại vaccine thực sự được tạo ra.

Nguy cơ của một làn sóng lây nhiễm thứ hai buộc Hoa Kỳ phải quay trở lại các biện pháp phong toả, cách li vẫn đang là mối đe doạ lớn nhất cho sự phục hồi của nền kinh tế.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.