Sau Covid - 19, Grab bất ngờ ra mắt dịch vụ mới, khách hàng tăng theo cấp số nhân chỉ sau một đêm

Grab ra mắt dịch vụ thị trường B2B, hướng tới đối tượng khách hàng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tờ Dealstreet Asia đưa tin, Grab vừa ra mắt dịch vụ thị trường B2B mới trên nền tảng của mình, với tên gọi là Grab Merchant.

Dịch vụ này giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á có thể phát triển và quản lí các hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ.

Trong một cuộc họp trực tuyến vào thứ Hai (8/6), Grab chia sẻ rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME: Small and Medium Enterprise) có thể triển khai nguồn cung cấp bán buôn, đồng thời xây dựng, thực hiện quảng cáo thông qua các dịch vụ mới được ra mắt của hãng.

Gã khổng lồ gọi xe công nghệ Đông Nam Á cũng hi vọng sẽ tung ra các dịch vụ tài chính dành riêng cho những doanh nghiệp SME, trong một vài tháng tới thông qua đơn vị tài chính của mình là GrabPay.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) đang sử dụng ứng dụng thương mại GrabFood cũng sẽ được chuyển sang nền tảng Grab Merchant hoàn toàn mới. 

Sau Covid - 19, Grab bất ngờ ra mắt dịch vụ mới, khách hàng tăng theo cấp số nhân chỉ sau một đêm - Ảnh 1.

Grab ra mắt dịch vụ thị trường B2B, hướng tới đối tượng khách hàng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ảnh: Dealstreet Asia).

Grab cho biết, trong đại dịch Covid - 19 từ tháng 3 đến tháng 5, đã có khoảng 120.000 doanh nghiệp mới tham gia kinh doanh trên các nền tảng của Grab như GrabFood hay GrabMart.

"Dịch Covid - 19 là chất xúc tác cho sự thay đổi mạnh mẽ", bà Tan Hooi Ling - đồng sáng lập Grab chia sẻ.

"Chúng tôi đã chứng kiến sự phụ thuộc vào các dịch vụ trực tuyến tăng theo cấp số nhân gần như chỉ sau một đêm. Điều này đang thúc đẩy sự đổi mới ở Đông Nam Á. Chúng tôi hi vọng giải pháp mới này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ hồi phục trong giai đoạn bình thường mới", bà Tan nói thêm.

Theo đại diện Grab, hãng gọi xe sẽ dựa trên công nghệ của mình và tiếp cận để tìm ra những cách thức kinh doanh mới, hỗ trợ toàn diện cho tất cả mọi người.

Sự ra mắt Grab Merchant cho thấy Grab đang ngày càng tập trung khai phá các mảng kinh doanh mà ở đó nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng lên từng ngày, trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á vẫn đang trong tình trạng cách li xã hội, hạn chế di chuyển để chống Covid - 19. Điều này đã tác động đáng kể tới các hoạt động gọi xe cốt lõi của Grab.

Mới đây, Grab cũng đã thừa nhận mặc dù chứng kiến sự tăng vọt trong mảng kinh doanh giao thực phẩm, nhưng tổng doanh thu nhìn chung "vẫn thấp hơn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát".

Hãng xe đang chuẩn bị cho "một mùa đông kéo dài" và đang thực hiện các biện pháp để hoạt động có hiệu quả hơn, cũng như bảo tồn tiền mặt.

Tháng trước, CEO Grab Anthony Tan đã gọi đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà đế chế công nghệ 8 năm tuổi này từng trải qua.

Vị CEO cho hay khối lượng gọi xe của họ tụt dốc mạnh, với tỉ lệ hai chữ số ở nhiều quốc gia mà công ty đang hoạt động.

Quản lí nhóm của Grab, ông Russell Cohen tiết lộ, trong thời gian qua, hơn một nửa tổng giá trị hàng hoá của Grab không liên quan đến vận tải, gọi xe mà đến từ giao hàng thực phẩm và tạp hoá.

Russell Cohen từ chối chia sẻ chi tiết về các dự báo tăng trưởng của Grab hoặc các dịch vụ vận tải và phi vận tải sẽ phát triển ra sao trong những tháng tới.

Hiện Grab chiếm 73% thị phần thị trường gọi xe tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với á quân Be chỉ với 16%, theo báo cáo của ABI Research.

Ngoài giữ ngôi vương ở Việt Nam, Grab cũng đứng đầu thị trường dịch vụ gọi xe công nghệ Malaysia, chiếm 64% tổng cuốc xe dịch vụ tại quốc gia này.

Chỉ trong giai đoạn 2017-2018, kì lân công nghệ Đông Nam Á đã tăng gần gấp đôi lượng người sử dụng, từ 3,5 triệu cuốc xe lên 6 triệu cuốc trong năm 2018.

Việc ra mắt Grab Merchant được dự báo sẽ đặt Grab vào thế cạnh tranh trực tiếp với một số công ty khởi nghiệp nhỏ hơn như GudangAda và Ralali, hiện cũng đang cung cấp các dịch vụ B2B nhắm vào các doanh nghiệp SME của Indonesia.

Ngoài ra, hai kì lân thương mại điện tử của Indonesia là Tokopedia và Bukalapak cũng đang cung cấp các dịch vụ tương tự, phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm cho phép họ thiết lập một cửa hãng kĩ thuật số và hỗ trợ dịch vụ tài chính như cho vay.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.