Tại sao phim về đề tài gia đình như 'Gạo nếp gạo tẻ' dễ gây bão?

Sự đón nhận của khán giả đối với "Gạo nếp gạo tẻ" góp phần chứng tỏ những bộ phim truyền hình về đề tài gia đình vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt và dễ gây bão mạng xã hội.

Năm 2017, Sống chung với mẹ chồng, do NSƯT Vũ Trường Khoa làm đạo diễn gây bão mạng xã hội. Đây là một bộ phim về đề tài gia đình, chủ yếu quanh mối quan hệ đầy mâu thuẫn, sóng gió giữa mẹ chồng - nàng dâu.

Dù chủ đề không mới, nhưng Sống chung với mẹ chồng vẫn "làm mưa làm gió" suốt nhiều tháng. Thành công của phim được cho là cơ sở thúc đẩy đạo diễn Lý Minh Thắng làm tác phẩm điện ảnh Mẹ chồng, ra mắt vào tháng 11 cùng năm.

tai sao phim ve de tai gia dinh nhu gao nep gao te de gay bao
Một cảnh trong phim Gạo nếp gạo tẻ với diễn xuất của NSND Hồng Vân và Trung Dũng.

Năm 2018, màn ảnh nhỏ lại tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của những bộ phim về đề tài gia đình với hai cái tên gây chú ý là Cả một đời ân oán (phát sóng trên VTV) và Gạo nếp gạo tẻ (phát sóng trên HTV).

Nếu Cả một đời ân oán là bộ phim truyền hình có rating và giá quảng cáo cao nhất trên sóng VTV từ đầu năm đến nay, Gạo nếp gạo tẻ cũng được coi là tác phẩm giúp phim truyền hình miền Nam thoát khỏi cảnh "ngủ đông" suốt nhiều năm liền.

Phim về đề tài gia đình liên tiếp gây bão

Những năm gần đây, phim truyền hình Việt có sự đổi mới đáng kể về đề tài, trong đó có không ít chủ đề mới mẻ lần đầu xuất hiện trên màn ảnh như câu chuyện về người Việt xa xứ (Hai phía chân trời), thế giới ngầm (Người phán xử), bi kịch phụ nữ (Thương nhớ ở ai), vấn nạn buôn người - mại dâm (Quỳnh búp bê).

Thế nhưng, mảng đề tài cũ là hôn nhân - gia đình vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. Trong giai đoạn chuyển mình của phim truyền hình phía Bắc (khoảng từ năm 2015), Hôn nhân trong ngõ hẹp được cho là "phát súng mở màn" cho sự "ăn khách" của phim về đề tài gia đình.

Dù mấu chốt nội dung của Hôn nhân trong ngõ hẹp là chủ đề "ngoại tình", nhưng phim đã khéo lồng ghép những yếu tố gia đình như mâu thuẫn giữa các thành viên, giữa các thế hệ và giữa cha mẹ - con cái. Bộ phim của đạo diễn Vũ Trường Khoa được đông đảo khán giả yêu thích ở thời điểm phát sóng.

tai sao phim ve de tai gia dinh nhu gao nep gao te de gay bao
Sống chung với mẹ chồng là bộ phim khai thác câu chuyện muôn thuở trong đời sống - mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu.

Hai năm sau, Vũ Trường Khoa tiếp tục trở lại với một bộ phim về đề tài hôn nhân - gia đình với tựa đề Sống chung với mẹ chồng. Phim chấn động màn ảnh, gây sốt đến từng tập phát sóng, giúp các diễn viên như Bảo Thanh, Thu Quỳnh bật lên thành "ngôi sao phim truyền hình".

Cùng với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng thay đổi định kiến về phim truyền hình Việt, giúp khung giờ vàng dành cho phim Việt trở nên đắt giá hơn bao giờ hết.

Tiếp nối thành công của Sống chung với mẹ chồng, cũng trong năm 2017, VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của VTV) thực hiện phim Cả một đời ân oán. Phim được xem là dự án trọng điểm, vừa quay vừa phát sóng, bao gồm 2 phần với tổng thời lượng lên tới 72 tập.

Cả một đời ân oán xoay quanh hận thù, ân oán giữa các thành viên trong gia đình giàu có Vũ Gia với đủ các mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, vợ - chồng, chồng - người yêu cũ, chị em dâu...

Phim không gây bão được như Sống chung với mẹ chồng, nhưng cũng là bộ phim truyền hình được khán giả quan tâm, và thành công về mặt rating. Giá quảng cáo cũng đạt 160 triệu/ block 30s.

Nhưng bộ phim truyền hình về đề tài gia đình đáng chú ý nhất năm nay phải kể đến là Gạo nếp gạo tẻ.

Tập phim trực tuyến đầu tiên của Gạo nếp gạo tẻ đạt 7,1 triệu view chỉ sau 3 tuần đăng tải là dấu hiệu rõ ràng cho sự quan tâm của khán giả Việt dành cho bộ phim. Hiện tại, số lượt xem tập 1 là 16 triệu, trong khi các tập khác, lượt xem cũng luôn cao hơn 1 triệu.

Tên phim Gạo nếp gạo tẻ thường xuyên xuất hiện trong từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên mạng. Gạo nếp gạo tẻ cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của phim truyền hình miền Nam sau thời gian được cho là ngủ đông vì thua lỗ, làm phim kiểu công nghiệp, không có tác phẩm nào gây ấn tượng.

tai sao phim ve de tai gia dinh nhu gao nep gao te de gay bao
Cả một đời ân oán nhận được nhiều khen ngợi của khán giả về nội dung, kỹ thuật làm phim, thu tiếng đồng bộ nhưng cũng gây tranh cãi về diễn xuất chênh lệch của dàn diễn viên.

Người Á Đông thích xem phim gia đình?

NSƯT Vũ Trường Khoa từng khẳng định với Zing.vn về giá trị muôn thuở của đề tài gia đình. “Đối với phần lớn người châu Á, đề tài về gia đình luôn tạo nên sức hút riêng cho mỗi tác phẩm dù xã hội luôn có sự thay đổi", nam đạo diễn nhấn mạnh.

Đó cũng là một trong những lý giải về việc phim truyền hình về đề tài gia đình rất dễ gây bão mạng tại Việt Nam nói riêng, và một số nước châu Á nói chung như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines.

Không phải ngẫu nhiên mà cả ba bộ phim là Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán hay Gạo nếp gạo tẻ đều là tác phẩm phóng tác, "remake" từ những tác phẩm, bộ phim của các nước trong châu Á.

Trong đó, Sống chung với mẹ chồng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, Cả một đời ân oán được làm lại từ Cô dâu bạc triệu (Đài Loan), còn Gạo nếp gạo tẻ được Việt hóa từ phim Wang's Family ăn khách của Hàn Quốc.

Tất nhiên, việc phim gây bão còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến khâu Việt hóa thành công cốt truyện nước ngoài. Việt hóa giúp nội dung phim trở nên gần gũi với khán giả Việt, giúp người xem thấy một phần cuộc sống xung quanh mình trong phim.

Với người Việt, gia đình là nền tảng văn hóa, giáo dục quan trọng, góp phần hình thành tính cách của mỗi người. Gia đình cũng có ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như những quyết định quan trọng của mỗi người trong cuộc đời. Do vậy, việc người Việt ưa chuộng phim về gia đình cũng là điều dễ hiểu.

tai sao phim ve de tai gia dinh nhu gao nep gao te de gay bao
Gạo nếp gạo tẻ đang là bộ phim truyền hình gây được chú ý nhất hiện nay.

Nhưng để một bộ phim gây bão, cách làm phim cũng là yếu tố quyết định. "Làm phim hiện nay đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đề tài là một chuyện nhưng cách làm, kịch bản, cách quay, dàn diễn viên, diễn xuất cũng là cả một vấn đề", đạo diễn - NSƯT Trần Lực nêu quan điểm.

Cả hai bộ phim là Sống chung với mẹ chồng Gạo nếp gạo tẻ đều thu tiếng đồng bộ, dàn diễn viên diễn xuất chân thực, nhập vai, thậm chí còn có nhiều phân cảnh xuất thần. Đó cũng là những cơ sở để góp phần vào thành công của phim.

Cũng theo đạo diễn Trần Lực, đề tài là thứ khán giả có thể yêu thích hôm nay, nhưng sẽ chán vào ngày mai, không ai có thể "nhai đi nhai lại mãi một đề tài".

"Hiện nay, phim về hôn nhân - gia đình đang được yêu thích nhưng sớm hay muộn cũng phải có hướng đề tài mới", NSƯT Trần Lực khẳng định.

Dù người Á Đông rất thích phim về đề tài hôn nhân - gia đình, nhưng lý giải của đạo diễn - NSƯT Trần Lực không phải là không có lý. Thực tế cho thấy, một thời màn ảnh nhỏ từng có rất nhiều bộ phim về sinh viên nhưng sau đó cũng phải dừng lại vì khán giả để nhường chỗ những bộ phim về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Phim về gia đình có thể cũng sẽ rơi vào cảnh tương tự.

Do vậy, suy cho cùng, đề tài là một cơ sở quan trọng, nhưng then chốt cho khả năng gây bão của một bộ phim vẫn phải là sự đầu tư bài bản từ cả kịch bản, dàn diễn viên lẫn kỹ thuật, công nghệ làm phim.

XEM THÊM

tai sao phim ve de tai gia dinh nhu gao nep gao te de gay bao Hậu trường 'khó đỡ' của tập 46 Gạo nếp gạo tẻ qua lời kể của Phương Hằng

"Những tập tới của phim Gạo nếp gạo tẻ, Minh sẽ phải trải qua nhiều sự tổn thương hơn và Hằng sẽ có nhiều cảnh ...

tai sao phim ve de tai gia dinh nhu gao nep gao te de gay bao Sau 15 năm Lê Phương mới được khán giả ghi nhận nhờ 'Gạo nếp gạo tẻ'

Sau hơn 15 năm làm nghề, Lê Phương mới thật sự đã được tổ Nghiệp gọi tên nhờ vai diễn xuất sắc trong phim truyền ...

tai sao phim ve de tai gia dinh nhu gao nep gao te de gay bao Lộ kết phim 'Gạo nếp gạo tẻ': Sau tất cả khổ đau, Lê Phương vẫn tha thứ cho chồng

Nhiều khán giả đã để lại bình luận phản đối nếu biên kịch của "Gạo nếp gạo tẻ" để cho Hương (Lê Phương) quay về ...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.