Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (18-24/4): Bàn phương án xây cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, chuyển đổi đất lúa làm dự án tại nhiều tỉnh thành

Sơn La lên phương án làm cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; Chính phủ chấp thuận một số địa phương chuyển đổi đất trồng lúa thực hiện các dự án bất động sản; quy hoạch thành phố sân bay Long Thành với 5 phân vùng; giao Bộ GTVT duyệt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trước tháng 7, khởi công đồng loạt trong năm 2022;... là những thông tin quy hoạch nổi bật từ ngày 18 đến 24/4.

Sơn La lên phương án làm cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Ngày 18/4, lãnh đạo tỉnh Sơn La vừa đã họp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ kết nối với tuyến đường Hoà Lạc - Hòa Bình, trở thành trục giao thông kết nối Hà Nội với các địa phương miền núi Tây Bắc. (Ảnh: Zing).

Tỉnh Sơn La đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị, đề xuất về việc triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, chia dự án thành ba đoạn tuyến thành phần.

Dự án số 1 dài 19 km, nằm trên địa phận tỉnh Hòa Bình. UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt đầu tư công dự án 1 với nguồn vốn 2.500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 1.620 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Hòa Bình. Dự án đang được triển khai thực hiện.

Dự án số 2 (từ Km19 đến Km53) cũng nằm trên địa phận Hòa Bình, được thực hiện theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác do tỉnh Hòa Bình thực hiện. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án 2 theo Luật Đầu tư công.

Dự án số 3 (từ Km53 đến cuối tuyến) nằm trên địa phận tỉnh Sơn La. UBND tỉnh quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tổng mức đầu tư thực hiện đoạn tuyến khoảng 3.307 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 1.800 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.507 tỷ đồng.  

Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu dài 85 km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 22.294 tỷ đồng. Mục tiêu dự án đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp,; kết nối các khu vực lân cận và dọc tuyến để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các khu vực này, đặc biệt là sự phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Ngày 14/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo phương thức PPP. 

Chuyển đổi đất lúa làm dự án tại nhiều tỉnh thành

Tuần qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký các quyết định chấp thuận UBND một số tỉnh thành chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án

Cụ thể, Phó Thủ tướng chấp thuận UBND TP Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng 39,51 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1.

Giai đoạn 1 cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ có vị trí tại xã Tam Hiệp và xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội với quy mô khoảng 41,7 ha, tổng vốn đầu tư gần 780 tỷ đồng. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là CTCP Tập đoàn T&T.

Tỉnh Bạc Liêu được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng 68,68 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện hai dự án tại TP Bạc Liêu là Khu đô thị mới phường 8 và dự án khu đô thị mới công viên cây xanh tại phường 8. Tổng mức đầu tư hai dự án khoảng 2.500 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được phép chuyển mục đích sử dụng hơn 20 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An thuộc khu E - Đô thị mới An Vân Dương. Dự án có diện tích hơn 24 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.785 tỷ đồng.

Tỉnh Hậu Giang được chuyển đổi 19,1 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Khu đô thị mới khu vực 4, phường V, TP Vị Thanh, vốn đầu tư dự án khoảng 2.700 tỷ đồng.

Lãnh đạo Chính phủ chấp thuận UBND tỉnh Thái Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 21,9 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án cụm công nghiệp Đông Hải, nằm ở phía đông quốc lộ 10, đoạn đi qua xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ.

Quy hoạch thành phố sân bay Long Thành với 5 phân vùng

Ngày 22/4, UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) thông tin về quy hoạch vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đồ án quy hoạch, vùng huyện Long Thành sẽ được phân thành 5 phân vùng phát triển xác định bởi địa giới hành chính, các tuyến giao thông chính và địa hình tự nhiên gồm: vùng đô thị thị trấn Long Thành mở rộng và khu phức hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ Long Thành; vùng đô thị Bình Sơn nằm ở phía đông bắc của huyện; vùng dịch vụ thương mại - đô thị hỗn hợp phía tây huyện; vùng khu vực chức năng đặc thù Cảng hàng không quốc tế Long Thành và vùng công nghiệp đô thị dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao phía nam sân bay Long Thành.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai cũng như huyện Long Thành đang thực hiện triển khai xây dựng mô hình thành phố sân bay Long Thành nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của sân bay Long Thành.

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, đến năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Khi hoàn thành xây dựng cả ba giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Ba kiến nghị gỡ nút thắt quy hoạch Hải Phòng để đón sóng đầu tư bất động sản

Sáng 23/4 đã diễn ra Hội thảo “Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản ”.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, đầu mối giao thông quan trọng, với rất nhiều tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ, Hải Phòng còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. 

 Một góc TP Hải Phòng. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Để gỡ nút thắt về quy hoạch như chủ đề hội thảo đặt ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra ba kiến nghị:

Đầu tiên, Hải Phòng phải làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai và các quy hoạch khác. Sau giai đoạn phát triển, đến nay nhiều điểm quy hoạch của Hải Phòng cần điều chỉnh để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển mới.

Thứ hai, ông đề nghị thành phố quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá trục lợi bất hợp pháp như ở một số địa phương vừa qua.

Thứ ba, thành phố cần kiểm soát tốt tình hình bất động sản thị trường để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Điều chỉnh quy hoạch Nha Trang: Hạn chế xây nhà cao tầng dọc đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng

Tỉnh ủy Khánh Hòa mới đây ban hành kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

TP Nha Trang. (Ảnh: Khải An).

Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040 sẽ hạn chế tối đa việc quy hoạch phát triển nhà cao tầng ở các vị trí mới đối với khu vực dọc hai đường biển Trần Phú - Phạm Văn Đồng và nghiên cứu đề xuất một số vị trí công trình điểm nhấn cho phù hợp. Trường hợp không thống nhất được vị trí công trình điểm nhấn cụ thể thì định hướng ở khu vực cụ thể để làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng phân khu, quy hoạch chi tiết sau này.

Tỉnh cũng thống nhất không quy hoạch một số vị trí lấn biển để triển khai dự án tại khu vực dọc trục đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng (từ khu vực Hồ Tiên đến khu Quân cảng Hải quân). Tại các khu vực này chỉ cho phép cải tạo bãi tắm phục vụ người dân và du khách nhưng phải bảo đảm yếu tố về môi trường, biến đổi khí hậu theo đúng quy định. Đối với những dự án đã triển khai xây dựng theo đúng quy định pháp luật thì cho phép giữ nguyên.

Đối khu vực ga Nha Trang, việc di dời ga sẽ thực hiện theo quyết định số 1769 ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, duy trì ga hành khách Nha Trang, xây dựng mới ga hàng hóa tại xã Vĩnh Trung, thay thế ga hàng hóa hiện nay.

Giao Bộ GTVT duyệt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trước tháng 7, khởi công đồng loạt trong năm 2022

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông vào chiều 22/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải xuống tận hiện trường làm việc với các nhà thầu, ban quản lý dự án về vật liệu đắp nền của dự án bởi ông băn khoăn khi còn 8 tháng nữa phải hoàn thành dự án mà đến nay vẫn còn thiếu mấy triệu m3 vật liệu đắp nền. Vì vậy, các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan.

 Đồ họa: Alex Chu.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác vật liệu đất đắp nền còn thiếu của dự án.

Đối với giai đoạn 2 của dự án, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các địa phương triển khai khẩn trương các công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây dựng đến 31/12/2022.

Các địa phương được giao rà soát, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trong việc khảo sát, điều tra mỏ vật liệt, bãi đổ chất thải xây dựng, thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải cũng như triển khai các thủ tục liên quan để chủ động có đầy đủ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án.  

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án. Bộ Giao thông vận tải thẩm tra, phê duyệt 12 dự án thành phần trước ngày 30/6/2022. Thực hiện thủ tục lựa chọn, chỉ định nhà thầu thi công thực sự có năng lực về tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, mục tiêu phải khởi công đồng loạt 12 dự án ngay trong năm 2022.

Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành. Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công; được chia thành 12 dự án thành phần; cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

TP Sóc Trăng chính thức thành đô thị loại II

Ngày 20/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Theo Quy hoạch của UBND tỉnh Sóc Trăng, TP Sóc Trăng sẽ có tính chất là đô thị tỉnh lỵ, đô thị trọng điểm mang tính đầu tàu của hệ thống đô thị trong tỉnh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, dịch vụ, giáo dục, thể dục thể thao, y tế, khoa học kỹ thuật và công nghiệp của tỉnh.

Năm 2005, TP Sóc Trăng được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Đến nay, quy hoạch phân khu củaTP Sóc Trăng đã đạt 89,37%. Đây là cơ sở để tỉnh Sóc Trăng lập quy hoạch chi tiết triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cho TP Sóc Trăng phát triển đúng hướng đô thị loại II và là nền tảng cơ bản để thành phố trở thành 1 trong 6 đô thị loại I của đồng bằng sông Cửu Long.

Vào giữa tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tiến hành thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng. Hội đồng thẩm định đã thống nhất chấm Đề án đề nghị công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II với tổng số điểm là 88,72.

TP Sóc Trăng là cửa ngõ tỉnh Sóc Trăng và là một cực phát triển của Vùng đồng bằng sông Cửu Long; là đầu mối giao thông của tỉnh, kết nối thuận lợi với hầu hết các đô thị trong Vùng thông qua quốc lộ 1; quốc lộ 60; quốc lộ 61B; quốc lộ Nam Sông Hậu; đường Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện hai dự án Khu đô thị mới Phường 4 - Khu 1 và 2, TP Sóc Trăng đối với phần đất chưa giải phóng mặt bằng. Hai dự án có tổng diện tích 91,86 ha; tổng mức đầu tư 7.715 tỷ đồng.

Cùng chủ đề
chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.