Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (21-27/11): Duyệt làm nút giao vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long, chuẩn bị khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Duyệt làm nút giao đường vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long; khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu vào tháng 4/2023; 156.000 tỷ đồng làm 5 cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên... là những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông nổi bật trong tuần.

Duyệt làm nút giao đường vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long

Ngày 19/11, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức).

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Quy mô dự án sẽ xây dựng nút giao gồm các nhánh kết hợp hầm trực thông. Trong đó, hầm chui trực thông theo hướng Lê Trọng Tấn đi quốc lộ 32, tim tuyến trùng với đường Lê Trọng Tấn, bố trí 4 làn xe với tổng chiều dài 975 m.

Toàn cảnh nút giao vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ 

Tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 2.384 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026.

Khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu vào tháng 4/2023

Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đã họp về tình hình thực hiện cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn trình bày với Ban Chỉ đạo về báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1).

Về tiến độ thực hiện dự án, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, đến ngày 18/11 đã cắm được 516/623 cọc giải phóng mặt bằng bằng bê tông, thuộc Dự án thành phần 1 trên địa bàn huyện Cao Lãnh; đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất được 422 cọc giải phóng mặt bằng.

Dự kiến điểm cuối của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ giao với nút giao thông cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Báo Thanh Niên) 

Lãnh đạo tỉnh đề nghị các bộ phận có liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung công việc của dự án, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo khởi công theo mục tiêu đề ra (dự kiến 30/4/2023).

156.000 tỷ đồng làm 5 cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên

Ngày 20/11, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng đã diễn ra tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, sẽ có 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Cụ thể gồm 5 cao tốc là Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.

Tây Nguyên chỉ có 19 km đường cao tốc Liên Khương - Prenn. (Ảnh: Báo Lâm Đồng). 

Ba dự án về cảng hàng không gồm Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E; Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Pleiku lên cấp 4C và Mở rộng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Ngoài ra còn dự án khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.

Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn xây dựng 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

Đà Nẵng hủy bỏ quy hoạch ga đường sắt 

Ngày 17/11, UBND TP ban hành quyết định về việc Bãi bỏ các Quyết định của Chủ tịch UBND TP về sơ đồ ranh giới, quy hoạch nhà Ga đường sắt tại phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Cụ thể, các Quyết định được bãi bỏ gồm quyết định ngày 1/7/2004 của Chủ tịch UBND TP về việc phê duyệt Tổng mặt bằng quy hoạch nhà Ga đường sắt mới, tỉ lệ 1:1.000; Quyết định ngày 23/4/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh Sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án Ga đường sắt mới; quyết định ngày 07/7/2014 của Chủ tịch UBND TP về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2.000 Ga đường sắt mới và hệ thống giao thông phục vụ ga.

Thống nhất vị trí làm cầu Đình Khao nối Vĩnh Long - Bến Tre 

Ngày 23/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thị sát khu vực khu vực dự kiến xây dựng cầu Đình Khao trên sông Cổ Chiên nối tỉnh Vĩnh Long - Bến Tre nhằm thay thế phà Đình Khao. Hiện nay, hai tỉnh đã thống nhất vị trí xây dựng cầu Đình Khao nằm cách phà Đình Khao 6,6 km về phía hạ lưu.

Thời gian dự kiến thực hiện cầu Đình Khao nói trên là 2022 - 2025, theo hình thức PPP với tổng kinh phí xây dựng 2.425 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 320 tỷ đồng, chi phí xây dựng cầu là hơn 1.300 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 327 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án và chi phí khác. 

Lâm Đồng và Đèo Cả ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 20.000 tỷ đồng

Ngày 20/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác Nghiên cứu hợp tác đầu tư dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với tổng mức đầu tư dự kiến 20.000 tỷ đồng cho Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Vĩnh.

Cụ thể, Tập đoàn Đèo Cả sẽ đứng đầu liên danh hợp tác cùng với tỉnh Lâm Đồng để đầu tư phát triển trên các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, bất động sản, khu đô thị, nông nghiệp công nghệ cao… trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tây Ninh muốn làm sân bay 500 ha tại huyện Dương Minh Châu

Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành văn bản về việc phê duyệt Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, định hướng quy hoạch cảng hàng không Tây Ninh cấp 4E, đáp ứng khai thác các loại máy bay cỡ lớn A350, B787, A320, A321, ATR72, F70, các dòng máy bay tư nhân.

Một góc huyện Dương Minh Châu. (Ảnh: thitruong.today). 

Dự kiến diện tích đất được sử dụng quy hoạch cảng hàng không khoảng 500 ha, bảo đảm quy mô đất dự trữ để phát triển thành sân bay quốc tế. Vị trí quy hoạch trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, là nơi có dân cư thưa thớt, gần các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, quốc 22, 22B... và hệ thống đường tỉnh.

Đề xuất lùi tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến 30/9/2025

Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình số 12266 gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành trên cơ sở đề xuất của đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Có hai nội dung tại cao tốc Bến Lức – Long Thành mà Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh. Thứ nhất là điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2025. Thứ hai là điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và cơ chế tài chính của dự án.

​Bình Dương hướng tới thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030

Ngày 24/11, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) tổ chức Hội thảo đầu kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tỉnh sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.

Một góc Thành phố mới Bình Dương. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; trung tâm công nghiệp hiện đại; trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á; là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững; là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-zero 2050".

Quy hoạch KKT Chân Mây - Lăng Cô thành đô thị công nghiệp

Ngày 23/11, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định đồ án Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045.

Theo đơn vị tư vấn, việc triển khai Quy hoạch chung đến năm 2025 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, cần phải điều chỉnh và cập nhật quy hoạch phù hợp với xu hướng và tình hình phát triển chung của cả nước. Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lập Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2045.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có diện tích khoảng 27.108 ha. (Ảnh: Vietnamplus) 

Mục tiêu quy hoạch là phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị công nghiệp, cảng và trung tâm logistics; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; trở thành khu vực kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đầu tư 772 km đường cao tốc cho vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến sẽ nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng Đông Nam Bộ là 772 km trong giai đoạn 2021 - 2030,  Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng khoảng 413.000 tỷ đồng. 

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2026 sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải. Tổng nhu cầu vốn khoảng 167.746 tỷ đồng.

Giai đoạn còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, vành đai trong vùng theo quy hoạch được duyệt, cụ thể là đường Vành đai 4 TP HCM và các tuyến cao tốc. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 250.165 tỷ đồng. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.