Tỉ phú Trần Đình Long chi 200.000 USD thuê máy bay riêng chở chuyên gia châu Âu về Việt Nam làm việc

Chủ tịch Hòa Phát thuê chuyên cơ riêng chở các chuyên gia từ châu Âu về khu Kinh tế Dung Quất, để đẩy nhanh tiến độ dây chuyền thép cuộn cán nóng (HRC), chuẩn bị cung cấp cho thị trường từ tháng 9 tới.

Tập đoàn Hòa Phát vừa cho biết chuyên cơ Lineage 1000 chở 15 chuyên gia cao cấp của nhà thầu Danieli (Italy), xuất phát từ Croatia đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng trưa hôm qua, 24/5.

Doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long đã chi khoảng 200.000 USD để thuê chuyên cơ này chở các chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Tỉ phú Trần Đình Long chi 200.000 USD thuê chuyên cơ chở chuyên gia về Việt Nam làm việc - Ảnh 1.

Tỉ phú Trần Đình Long chi 200.000 USD thuê chuyên cơ chở chuyên gia về Việt Nam làm việc. (Ảnh: HPG).

Sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, 15 chuyên gia của nhà thầu Danieli được đưa về cách li tại Khách sạn The Harmonia thuộc Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi.

Hòa Phát cho biết 15 chuyên gia mang các quốc tịch Croatia, Italy, Sécbi, Slovenia, đều có chứng nhận âm tính với Covid-19 của nhà chức trách các nước trước khi khởi hành.

Đây là các chuyên viên kĩ thuật cao, được ưu tiên nhập cảnh nhằm giải quyết các công đoạn cuối cùng của dây chuyền thép cuộn cán nóng (HRC), thuộc giai đoạn 2 Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. 

Trước đó, Hòa Phát đã báo cáo phương án tổ chức đưa đón và cách li các chuyên gia nước ngoài theo quy định tới UBND, Sở Y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi…

Doanh nghiệp đã bố trí 3 nơi cách li do tập đoàn quản lí, gồm khách sạn The Harmonia, khu phụ trợ và kí túc xá khu B. Trong thời gian cách li, các chuyên gia nước ngoài sẽ được lấy mẫu 2 lần để xét nghiệm Covid-19.

Sau thời gian cách li 14 ngày và thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia sẽ bắt tay vào việc căn chỉnh dây chuyền thiết bị, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ quản lí, vận hành Hòa Phát Dung Quất.

Với công suất 2,5 triệu tấn/năm, dây chuyền sản xuất HRC của Hòa Phát do Tập đoàn Danieli cung cấp. Từ nay đến cuối tháng 8, thép Hòa Phát Dung Quất sẽ kết thúc quá trình căn chỉnh thiết bị, chạy thử nóng và phấn đấu có sản phẩm HRC cung cấp cho thị trường trong tháng 9 tới.

Nói với các nhà đầu tư giữa tháng 5/2020, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cũng khẳng định kế hoạch 500.000 tấn HRC, dự kiến tháng 9 sẽ bắt đầu có sản phẩm cung cấp cho thị trường. 

Hiện tiến độ sản xuất HRC phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có việc nhập cảnh dành cho các chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng ông Long cho biết tập đoàn vẫn sẽ cố gắng vận hành thử nghiệm trong tháng 8, và dự kiến có sản phẩm từ tháng 9. 

Nói thêm về mục tiêu của Hòa Phát, tỉ phú Trần Đình Long cho biết đến năm 2021, khi 4 lò cao của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, sản lượng thép thô của tập đoàn sẽ đạt 8 triệu tấn/năm, vượt mặt Formosa, trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.