Vào ngày thứ Năm, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm trực tiếp với các lãnh đạo các hãng hàng không hàng đầu Mỹ, gồm có Delta Airlines, American Airlines và United Airlines, để trao đổi về gói hỗ trợ tài chính.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định ông sẽ ủng hộ 100% ngành hàng không Mỹ, và đặt bút kí duyệt gói hỗ trợ chỉ dành cho các hãng hàng không trị giá 50 tỉ USD. Riêng Boeing sẽ được nhận riêng 50 tỉ USD, để khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ngành hàng không đóng vai trò quan trọng trong khôi phục kinh tế của các quốc gia, với khả năng chuyên chở hành khách, cùng các trang thiết bị, vật tư y tế.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, ngành công nghiệp khai thác bầu trời sẽ là nhân tố tích cực trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế - xã hội sau khi dập tắt được đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để trở thành nhân tố đốc thúc nền kinh tế, đầu tiên các hãng hàng không phải sống được qua mùa dịch trước đã.
Nhiều nhà kinh tế đã đưa ra cảnh cáo nếu không được hỗ trợ khẩn cấp, thì phần lớn các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng bay thuộc châu Âu và Mỹ, có thể sẽ phá sản vào cuối tháng 5.
Trước tình trạng này, các chính phủ đã đưa ra những biện pháp nhất định để cứu trợ ngành công nghiệp, được cho là chịu ảnh hưởng trực diện nhất của đại dịch Covid-19.
Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), để trợ giúp cho ngành hàng không đối phó với sự lan rộng nhanh chóng của dịch bệnh, khoản tài trợ tài chính của chính quyền các quốc gia trên thế giới có thể vượt quá con số 200 tỉ USD.
200 tỉ USD được cho là ngưỡng tài chính có thể giúp các hãng hàng không bù đắp khoản doanh thu tuột dốc, trong tình hình ngày càng nhiều quốc gia tuyên bố lệnh cấm đi lại và phong tỏa tòan quốc.
Phần lớn các hãng trên toàn cầu đều đang phải cắt giảm mạnh số chuyến, thậm chí có hãng phải đình chỉ khai thác toàn bộ các đội bay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ông luôn "ủng hộ 100% các hãng hàng không đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19".
Ông khẳng định: "Những tổn thất trong hoạt động kinh doanh giai đoạn này của ngành không phải là lỗi của họ".
Với sự quyết liệt của chính quyền Trump, ngành hàng không Mỹ sẽ được hỗ trợ 50 tỉ USD, bao gồm khoản trợ cấp tài chính cùng các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp.
Ngoài gói hỗ trợ 50 tỉ USD nói trên, đại diện các hãng hàng không cũng mong muốn được chính phủ hỗ trợ thêm khoản tiền thuế trị giá 10 tỉ USD để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
Nếu được phê duyệt, ngành hàng không Mỹ có thể sẽ được "giải cứu" với ngân sách tổng cộng lên đến 110 tỉ USD. Gấp hơn 7 lần so với khoản cứu trợ 15 tỉ USD mà ngành từng được nhận năm 2001, sau khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra.
Riêng Boeing - hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, sẽ được nhận gói cứu trợ duy nhất trị giá 50 tỉ USD.
Không riêng mình Mỹ, chính phủ nhiều quốc gia khác cũng đang gấp rút phác thảo và công bố các chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không nước mình.
Tại châu Âu, sau những lời kêu gọi giảm thuế, dừng cắt chuyến các đội bay…của các doanh nghiệp ngành hàng không trong khối EU, giới chức trách cấp cao các Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức các cuộc họp, để thảo luận chi tiết về các gói cứu trợ, nhằm giúp các hãng hàng không tránh rơi vào tình trạng phá sản hàng loạt.
Tại Ý, chính quyền Rome một lần nữa ra tay cứu giúp hãng hàng không quốc gia Alitalia. Trong tuần nay, chính phủ Ý đã quyết định nắm quyền kiểm soát, và bắt đầu tiến trình rao bán hãng hàng không hoạt động thua lỗ triền miên này.
Ngày 17/3, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã công bố khoản vay ưu đãi được đảm bảo bởi chính phủ, trị giá 300 triệu USD cho hãng hàng không Scandinavian Airlines (SAS).
Quyết định này cũng đang chắp cánh cho hi vọng của hãng hàng không Na Uy Norwegian Air, và là tiền đề để hãng bày tỏ nguyện vọng được giải cứu tương tự như SAS, trong cuộc họp với chính phủ Na Uy hôm 19/3.
Vào cùng ngày, chính phủ Úc cũng tuyên bố sẽ hoàn tiền, đồng thời miễn một số khoản phí cho các hãng hàng không nước này, bao gồm phí kiểm soát không lưu nội địa. Gói hỗ trợ này có tổng trị giá 430 triệu USD.
Tại châu Á, đại diện Cơ quan Quản lí Hàng không Đài Loan cho biết các hãng hàng không tại đây có thể nộp đơn xin trợ cấp tài chính và các khoản vay ưu đãi để đối phó với đại dịch Covid-19.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã nhanh chóng, tích cực đề xuất các giải pháp giải cứu các hãng bay. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành gấp rút đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tổn thất của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines ước tính lên tới vài chục ngàn tỉ đồng, do hãng phải đóng cửa toàn bộ các đường bay quốc tế.
Các hãng Air France-KLM, Ryanair, Austrian Airlines, Norwegian Air… đang liên tục cắt giảm số chuyến bay. Hệ quả là, hàng trăm nghìn nhân viên hàng không trên thế giới đã buộc phải nghỉ làm không lương.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020