TP HCM đề xuất các giải pháp, ứng phó phát triển ngành du lịch trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát

Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19 gây ra, Sở Du lịch TP HCM đã đưa ra 7 đề xuất giải pháp ứng phó, phát triển ngành du lịch thành phố trong điều kiện dịch bệnh.

Theo đó, cần tiếp tục thực hiện trong ngành du lịch thành phố các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, góp phần cùng với thành phố và cả nước thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong lĩnh vực du lịch.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và hệ thống các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn để hỗ trợ trong công tác xác minh các ca tiếp xúc gần với ca đã có kết quả dương tính, các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.

Cùng với đó, ngay khi dịch bệnh kết thúc, cần thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị chính sách thúc đẩy du lịch phát triển như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…, đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch.

Nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, hỗ trợ cho công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

TP HCM đề xuất các giải pháp, ứng phó phát triển ngành du lịch trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát - Ảnh 1.

Nhà thờ Tân Định trước đây là điểm du lịch tập trung đông đảo du khách Nhật - Hàn, giờ cũng không có người tới. (Ảnh: Bảo Bình)

Ngoài ra, triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại như du lịch y tế, du lịch đường thủy, du lịch lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực.

Bên cạnh đó, cần hoàn thành, công bố Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến 2030 và chuẩn bị lộ trình các bước triển khai trong đó có những kế hoạch trọng tâm trong năm 2021 nhằm phục hồi ngành du lịch của Thành phố sau dịch. Thành lập Hội đồng phát triển du lịch.

Chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch thành phố với kế hoạch truyền thông và xúc tiến sâu, rộng, với các phương thức mới đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước, đặc biệt ứng dụng các hình thức truyền thông trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch. 

Nghiên cứu các thị trường ít chịu ảnh hưởng của Covid-19 và tiềm năng cho thị trường du lịch thành phố để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến.

Đặc biệt, cần triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sống Cửu Long và các tỉnh, thành Đông Nam bộ, xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của các doanh nghiệp địa phương. 

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Tiếp tục nâng cấp cổng thông tin điện tử Sở Du lịch, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Triển khai phần mềm trực tuyến, phần mềm chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả xử lí thủ tục hành chính.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến lượng khách du lịch đến TP HCM trong quí I/2020 sụt giảm mạnh so với cùng kì năm 2019. 

Thống kê mới nhất từ Sở Du lịch TP HCM cho biết lượng khách quốc tế đến TP HCM trong tháng 3 năm nay ước đạt 117.000 lượt khách, giảm 84,23% so cùng kì năm 2019 (tháng 3 năm 2019 đạt 742.142 lượt). Tính chung 3 tháng đầu năm, lượng khách tới thành phố ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, đạt 14,49% kế hoạch năm 2020 và giảm 42,26% so với cùng kì (3 tháng đầu năm 2019, TP HCM đón hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế).

TP HCM đề xuất các giải pháp, ứng phó phát triển ngành du lịch trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát - Ảnh 2.

Khách du lịch đều tuân thủ đeo khẩu trang khi đến tham quan các điểm công cộng sau khi có thông báo từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Bảo Bình)

Trong 2 tháng đầu năm 2020, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm từ 50 – 60% so với cùng kì năm trước, đến tháng 3 năm 2020, lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm. Đặc biệt có một số công ty lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kì năm trước (theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành còn tổ chức khách du lịch). 

Hiện nay, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động, một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng. Nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch sẽ đi làm lại.

Theo báo cáo của 25 cơ sở lưu trú du lịch cao cấp thì tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống và cơ sở mua sắm giảm mạnh so với cùng kì năm 2019. 

Cụ thể, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%, kinh doanh hội nghị giảm 60,8%, kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%, số lao động nghỉ việc và tạm thời ngừng việc chiếm tỉ lệ cao. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố các điểm tham quan du lịch đã tạm ngưng phục vụ khách du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.