Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở Paris: Chuyên gia lý giải nguyên nhân không sử dụng máy bay đổ nước dập lửa

Liên quan đến vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Tổng thống Trump đã có gợi ý dùng các máy bay cứu hỏa cỡ lớn để đổ nước từ trên cao xuống tuy nhiên các chuyên gia lý giải nguyên nhân vì sao không sử dụng biện pháp này.

Vụ cháy lớn phá hủy một phần nhà thờ Đức Bà Paris, di sản hàng trăm năm tuổi luôn được coi là biểu tượng văn hóa của Pháp và châu Âu, đã khiến cả thế giới bàng hoàng.

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở Paris: Chuyên gia lý giải nguyên nhân không sử dụng máy bay đổ nước dập lửa - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy.

Lực lượng chữa cháy đã được huy động tức thời với những nỗ lực khẩn trương nhằm hạn chế thiệt hại với công trình kiến trúc độc đáo này. Tới nay, đám cháy đã được khống chế.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra một số nhận định về những nguyên nhân khiến đám cháy khó kiểm soát và một số biện pháp mà lực lượng cứu hỏa có thể thực hiện để khống chế đám cháy sớm hơn.

Các chuyên gia cho rằng do cấu trúc khu quần thể này đã hơn 850 năm tuổi, với các khối gỗ nặng và một không gian cao vút, lại thiếu hệ thống phòng cháy chuyên nghiệp nên lực lượng cứu hỏa có rất ít lựa chọn một khi ngọn lửa đã vượt tầm kiểm soát.

Giáo sư khoa học Glenn Corbett, từ Đại học John Jay, cho rằng thông thường trong hoàn cảnh như vậy không có nhiều lựa chọn.

Cựu chỉ huy lực lượng cứu hỏa Mỹ G. Keith Bryant cho rằng chính những đặc điểm thiết kế tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn của công trình này như niên đại hàng trăm năm, kích thước lớn và lối kiến trúc Gothic với những bức tường tam điểm và những rầm đỡ bằng gỗ khối lớn lại là "góc chết" cản trở những nỗ lực cứu hỏa.

Vị cựu Chủ tịch Hiệp hội các Chỉ huy lực lượng cứu hỏa quốc tế này cho rằng với một tòa nhà như vậy, lính cứu hỏa gần như không thể dập tắt đám cháy từ bên trong.

Thay vào đó, họ cần dùng các biện pháp "phòng thủ" nhiều hơn và cố gắng kiểm soát đám cháy từ phía ngoài.

Khi ngọn lửa đã bùng cháy tới qui mô như vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà, thì việc phun nước để khống chế là rất khó kể cả khi có sông Seine ngay bên cạnh.

Ông này cũng cho biết ở châu Âu, các loại thang cứu hỏa cỡ lớn không thông dụng như ở Mỹ vì đặc điểm các đường phố hẹp hơn và khó để cho các xe thang cứu hỏa cỡ lớn di chuyển.

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở Paris: Chuyên gia lý giải nguyên nhân không sử dụng máy bay đổ nước dập lửa - Ảnh 2.

Lính cứu hoả nỗ lực dập tắt đám cháy ở cổng vòm Nhà thờ Đức Bà.

Tổng thống Mỹ Doanld Trump cũng gợi ý sử dụng các máy bay cứu hỏa cỡ lớn để đổ nước từ trên cao xuống nhưng lực lượng cứu hỏa Pháp thì cho rằng việc làm đó sẽ là "lợi bất cập hại" và hoàn toàn có thể khiến toàn bộ khối cấu trúc này đổ sập.

Một trong những công trình tôn giáo biểu tượng của thế giới trong những năm gần đây đã áp dụng biện pháp nhằm giảm nguy cơ cháy nổ là Nhà thờ St Patrick ở New York, được xây dựng từ năm 1878.

Mới đây, nhà thờ đã được trang bị hệ thống bình phun sương và sơn chống cháy phần mái bằng gỗ đồng thời thực hiện các đợt thanh tra phòng cháy ít nhất 4 lần/năm.

Ngoài ra, nhà thờ Quốc gia Washington, được xây dựng từ năm 1912 với thép, gạch và đá vôi cũng được coi là những chất liệu giúp giảm thiểu nguy cơ cháy lan nhanh.

Nhà thờ cũng trang bị hệ thống bình phun sương trong lần tôn tạo sau trận động đất năm 2011.

Trước đó, khoảng 18h 50' ngày 15/4 giờ địa phương (tức 23h50 ngày 15/4 giờ Hà Nội), một đám cháy lớn bùng phát ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ Đức Bà Paris.

Các cảnh tượng ghi lại cho thấy các vòi chữa cháy gần như không thể giúp khống chế những ngọn lửa lan rộng trên phần mái bằng gỗ và tạo ra một biển lửa rực cháy cả bầu trời Paris trong nhiều giờ.

Lửa thiêu rụi một ngọn tháp cao 91m thành những khối than hồng vụn vỡ trong không trung. Trong khi nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra thì giới chức cho biết cấu trúc của nhà thờ trong đó có cả cụm tháp hình chữ nhật đã được đảm bảo an toàn.

Hiện nguyên nhân gây cháy chưa được xác định nhưng truyền thông Pháp dẫn lời lực lượng cứu hỏa cho rằng hỏa hoạn "có thể liên quan tới" dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD phần tháp của nhà thờ với 250 tấn chì. Văn phòng công tố Paris đang điều tra vụ việc theo hướng một vụ tai nạn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.