4 nội dung lớn sẽ bàn tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, vực dậy kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Tại hội nghị, Thủ tướng sẽ lắng nghe việc đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ cùng nêu sáng kiến, đề xuất các giải pháp cần thiết để hỗ trợ phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Tại họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra hôm nay, 7/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết Hội nghị lần này được xem như Hội nghị Diên hồng về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Hội nghị sẽ diễn ra vào sáng 9/5 với hình thức trực tuyến kết nối các Bộ, ngành, 63 tỉnh thành và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

4 nội dung lớn sẽ bàn tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, vực dậy kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tại hội nghị, Thủ tướng sẽ lắng nghe việc đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách hỗ trợ đã ban hành. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh hội nghị hướng tới các mục tiêu động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, tự lực tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Đồng thời khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của doanh nghiệp nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đất nước.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận và khích lệ các nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp trong quá trình phòng chống dịch.

Thứ hai, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch, khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới…

Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. 

Cụ thể, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; sự chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả ở phía cung và phía cầu.

Chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế…

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh hội nghị có tính chất rất quan trọng và rất rộng, bên cạnh lắng nghe các hiến kế của doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cũng sẽ trực tiếp đưa ra các thông điệp, cam kết đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp để vực dậy kinh tế sau dịch bệnh.

Tại cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị này diễn ra vào hôm qua, 6/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đây không phải dịp "than nghèo, kể khổ" mà là cần phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa đất nước tiến lên.

Theo Thủ tướng, kết quả của Hội nghị sẽ có sản phẩm cụ thể với hình thức phù hợp, có thể là nghị quyết hoặc chương trình hành động để vực dậy kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Số lượng đại biểu dự kiến khoảng 6.000 người tại các điểm cầu, và với truyền hình trực tiếp thì khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết thêm các phát biểu tại sự kiện  này cần đi thẳng vào vấn đề, đề xuất, hiến kế cho Thủ tướng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng hội nghị sẽ là dịp để khơi dậy tinh thần, truyền đi thông điệp, chung sức đồng lòng để vươn lên bứt phá. Bởi lợi thế chúng ta có thời cơ vàng của người đi trước, đã đẩy lùi được dịch bệnh khi mà nhiều nền kinh tế đang lúng túng, chưa thoát ra được.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.