Ba kịch bản của hàng không Việt Nam trước dịch Covid-19

Nếu dịch hết trong tháng 4 thì thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách. Nếu tháng 6 mới hết dịch thì thị trường chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%. Còn nếu trường hợp xấu nhất, tháng 8 mới hết dịch, thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách.

Ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 với hàng loạt đường bay ngừng khai thác, mức sụt giảm lượng khách thông qua các cảng hàng không, sân bay đã lên tới 2 con số. Đây là mức giảm rất sâu sau nhiều năm liên tục tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không Việt Nam.

Ba kịch bản của ngành hàng không Việt Nam trước dịch Covid-19

Theo Cục Hàng không, cặc dù số lượng tàu bay tăng mạnh nhưng lượng khách qua cảng hàng không, cũng như lượng khách vận chuyển của các hãng hàng không, đặc biệt là khách quốc tế, đang giảm ở mức 2 con số. Đây là mức giảm đáng kể của thị trường hàng không Việt Nam.

Cụ thể, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kì 2019. Trong số này, khách quốc tế giảm đến gần 30%, chỉ đạt 2,4 triệu. Khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 5,7 triệu.

Tính chung trong tháng 2, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam giảm 13,7% so với tháng 2/2019, chỉ đạt con số 3,7 triệu khách. Trong đó, lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, chỉ còn 870.000 khách. Khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 2,8 triệu khách.

Trước tình trạng này, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường hàng không năm 2020. Theo đó, kịch bản lạc quan nhất là nếu dịch hết trong tháng 4, tổng thị trường năm 2020 vẫn đạt 80 triệu khách, tăng 1,1%. Lượng khách qua cảng đạt 119 triệu khách.

Ở kịch bản trung bình, tức tháng 6/2020 sẽ hết dịch, thì tổng thị trường sẽ chỉ đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7%. Ở kịch bản này, lượng khách qua cảng đạt 111,6 triệu khách, giảm 4,2%.

Ba kịch bản của ngành hàng không trước dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Cục Hàng không đã xây dựng 3 kịch bản cho ngành hàng không năm 2020, trong đó kịch bản xấu nhất là tháng 8 mới hết dịch Covid-19, thị trường sẽ giảm gần 18%. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ).

Còn trường hợp xấu nhất, nếu tháng 8 mới hết dịch thì tổng thị trường sẽ giảm sâu 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu khách. Lượng khách qua cảng sẽ giảm đến 15,5%, còn 98,5 triệu khách.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết cứ mỗi tuần kéo dài thêm dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, tương đương hãng hàng không quốc gia thiệt hại khoảng 200-250 tỉ đồng.

Riêng các đường bay đến Trung Quốc, hiện một tuần Vietnam Airlines hủy khoảng hơn 300 chuyến. Doanh thu của hãng sụt giảm rất nhanh ở cả mảng hành khách và hàng hóa, mức giảm ước khoảng 20-25% trong nửa đầu tháng 2.

Cả chục tàu bay của các hãng đang phải nằm không chờ được xếp lịch bay

Cục Hàng không cho biết hiện tại, có tới cả chục tàu bay của các hãng hàng không trong nước đang phải “nằm không” chờ được xếp lịch bay.

Tổ chức hàng không thế giới IATA mới đây đưa ra dự tính dịch Covid-19 sẽ khiến các hãng hàng không thiệt hại 29 tỉ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Riêng các hãng bay Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỉ USD.

Tại Việt Nam, ngày 10/2, Cục Hàng không Việt Nam cũng có báo cáo đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam đến Trung Quốc ước tính thiệt hại sơ bộ lên tới hơn 10.000 tỉ đồng.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến tháng 2/2020, cả nước có 235 tàu bay đăng kí quốc tịch Việt Nam, tăng 3 tàu so với tháng 1 và tăng 48 tàu so với cùng kì năm ngoái. 

Vietnam Airlines có 106 tàu với 28 tàu thân rộng, Vietjet có 75 tàu, Bamboo Airways 22 tàu với 3 tàu thân rộng, Jetstar Pacific 18 tàu. Số còn lại là những tàu bay thuộc sở hữu của Công ty Bay dịch vụ hàng không, CTCP Hàng không Hải Âu, Công ty TNHH Công nghệ Hành Tinh Xanh, CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt và CTCP Dịch vụ Kĩ thuật hàng không.

Số lượng trực thăng đăng kí quốc tịch Việt Nam tính đến thời điểm này là 32 chiếc, tăng 3 chiếc so với cùng kì năm ngoái.


chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.