Làm việc tại nhà, ứng dụng hỗ trợ gọi video nhóm rất cần thiết
Skype
Có lẽ không cần nói quá nhiều về Skype, công cụ phổ biến hàng đầu được rất nhiều công ty, doanh nghiệp trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam sử dụng trong quá trình làm việc.
Skype tương thích với rất nhiều hệ điều hành từ Android, iOS, Windows, iPadOS, trình duyệt web cho đến cả Alexa hay Xbox...
Với những doanh nghiệp lựa chọn phương án làm việc tại nhà cho nhân viên trong mùa dịch Covid-19, Skype là ứng dụng không thể phù hợp hơn khi cho phép xử lí tối đa 50 người trong một cuộc gọi video, rất thuận tiện để trao đổi công việc.
Trường hợp người dùng bỏ lỡ buổi họp công ty trên Skype, ứng dụng này vẫn có thể ghi lại nội dung cuộc gọi. Người dùng còn được phép lên lịch các cuộc gọi, nhận thông báo qua smartphone hoặc máy tính.
Zoom
Cũng giống như Skype, Zoom hỗ trợ xử lí các cuộc gọi video nhiều người tham gia. Ứng dụng này hỗ trợ trên Android, iOS, PC và MacOS.
Với gói miễn phí, Zoom hỗ trợ 100 người tham gia gọi video một lúc. Với các gói trả phí dành cho doanh nghiệp, ứng dụng này thậm chí còn "khủng" hơn Skype khi cho phép tối đa... 1.000 người tham gia cuộc gọi và hiển thị tối đa 49 video xuất hiện trên màn hình cùng một lúc.
Zoom còn có khả năng hiển thị video HD và âm thanh chất lượng cao, kết hợp các công cụ cộng chia sẻ màn hình, đồng thời ghi lại các cuộc họp.
Google Hangouts
Google Hangouts được tích hợp sẵn vào Gmail, Google+ và các ứng dụng Hangouts di động khả dụng trên các thiết bị iOS và Android.
Được phát triển bởi Google, dịch vụ liên lạc trực tuyến này cho phép các thành viên tham gia vào các cuộc trò chuyện bằng văn bản, gọi thoại hoặc video, từng người một hoặc trong một nhóm.
Hangouts cũng có thể tích hợp với Google Voice, cho phép người dùng thực hiện các cuộc gọi nội địa miễn phí từ các thiết bị máy tính.
Hangouts còn được xem là giao thức hoàn toàn miễn phí để các doanh nghiệp thực hiện các hội thảo và chương trình trực tuyến với chức năng cho phép người dùng phát trực tiếp các cuộc gọi video trên YouTube.
Google Drive
Nếu công ty của bạn sử dụng phiên bản Gmail cho hệ thống email doanh nghiệp, bạn có thể đã truy cập vào Drive chung, tải dữ liệu về hoặc chia sẻ các tệp lên đó để mọi người có thể tải xuống.
Trường hợp không dùng phiên bản doanh nghiệp, Google Drive vẫn có thể dễ dàng tương thích với hầu hết các hệ thống để người dùng quản lí dữ liệu một cách hiệu quả.
Google Drive ban đầu cho người dùng 15GB dung lượng lưu trữ miễn phí. Nếu cần nhiều hơn, người dùng có thể trả 30 USD/ năm cho 200GB. Tài khoản Drive Enterprise (doanh nghiệp) với giá 8 USD/người/tháng thậm chí không giới hạn dung lượng cho người dùng.
OneDrive
Người dùng có thể truy cập vào OneDrive chung nếu công ty sử dụng Microsoft Outlook phiên bản doanh nghiệp. Tương tự Google Drive, Hệ thống quản lí tệp của Microsoft cung cấp các ứng dụng liên quan và dữ liệu theo thời gian thực cho các thiết bị Android và iPhone.
Người dùng có thể nhận tài khoản OneDrive miễn phí với 5GB dung lượng lưu trữ. Gói trả phí cá nhân bắt đầu ở mức 2 USD/tháng cho 100GB dung lượng lưu trữ. Khách hàng Office 365 Personal có thể nhận được 1TB dung lượng lưu trữ với giá 70 USD/năm.
Lợi ích tốt nhất cho các gói trả phí của OneDrive là phát hiện các tính năng mới và kiểm soát những phần mềm độc hại có nguy cơ rủi ro đối với dữ liệu người dùng.
MediaFire
Ít phổ biến hơn 2 ứng dụng trên, MediaFire là lựa chọn phù hợp khi ngân sách kinh tế của doanh nghiệp không quá dư giả.
Tài khoản miễn phí sẽ được cung cấp 10GB dung lượng lưu trữ. Các gói trả phí bắt đầu ở mức dưới 4 USD / tháng cho 1TB dung lượng lưu trữ, với khả năng tự động quét virus và tải xuống toàn bộ thư mục cùng một lúc, tải dữ liệu lên từ bất kì trang web nào và chặn quảng cáo. Nếu doanh nghiệp bỏ ra 40 USD/tháng, MediaFire cho phép tối đa 100 người dùng chia sẻ 100TB dữ liệu.
Mặc dù hỗ trợ cho cả Android và iPhone, tốc độ tải dữ liệu lên MediaFire là khá chậm, các tùy chọn nền tảng cũng bị hạn chế. Do đó, người dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng ứng dụng này để làm việc tại nhà.