Khoảng một phần ba dân số thế giới bị 'mắc kẹt' tại nhà vì Covid-19 và Zoom trở thành người hùng của họ khi đem đến một giải pháp họp hội nghị trực tuyến khi làm việc tại nhà.
Với phương thức kết nối đơn giản, hỗ trợ lên đến hàng trăm người cùng lúc, cùng nhiều tính năng hữu ích như video chat, chia sẻ màn hình, quay lại nội dung họp bao gồm Chat text.
Tuy vậy, sự phổ biến của ứng dụng này khiến cho nhiều điểm yếu về bảo mật được lộ ra. Khi gần đây nhất, 500.000 tài khoản Zoom bị rao bán trên chợ đen khiến người dùng phải xem lại cách mà họ vẫn đang sử dụng công cụ này hằng ngày.
Thậm chí tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ, Zoom đã bị cấm hoàn toàn như Singapore, Đài Loan, các trường học tại Mỹ, Đức hay chính tại Trung Quốc.
Nhưng dịch bệnh thì vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, các cuộc họp và các buổi học online thì vẫn phải diễn ra để giảm thiểu sự thiệt hại mà thế giới đang phải gánh.
Do đó, chúng ta cần giải pháp thay thế Zoom, trong trường hợp bạn hoài nghi về sự an toàn của công cụ này, hoặc công ty của bạn không cho phép sử dụng nữa.
Ra mắt từ những năm 2000 và phát triển cho đến nay, Skype chứng minh rằng mình không chỉ là ứng dụng chat chit với bạn bè, mà còn là ứng dụng sử dụng giao tiếp trong các văn phòng, doanh nghiệp hiệu quả như thế nào.
Sau khi được mua lại bởi Microsoft, công cụ này được nâng cấp thêm rất nhiều các tính năng mới. Hiện nay, ứng dụng này có thể đáp ứng được nhu cầu người sử dụng thông thường từ việc nhắn tin, gọi điện thoại.
Cho đến video call số lượng lớn, hay gửi file trực tuyến, local một cách dễ dàng với hỗ trợ kéo thả từ máy tính người dùng.
Mặc dù Microsoft đã chuyển hướng phát triển những ứng dụng họp hội nghị trực tuyến thực sự, nhưng đối với các cuộc gọi video cơ bản và trò chuyện nhóm, Skype vẫn là một lựa chọn chắc chắn và quen thuộc.
Nếu muốn nói đến công nghệ thay thế Zoom để làm việc một cách hiệu quả, Microsoft Teams hoàn toàn tự tin có thể đảm nhiệm vị trí này.
Được tích hợp sẵn trong phiên bản Office 365 hoặc người dùng có thể tải đơn lẻ về để sử dụng, Microsoft Teams là nền tảng giúp các công ty xây dựng một quy chuẩn làm việc, nâng cao hiệu quả hơn khi làm việc nhóm.
Ngoại trừ việc cung cấp các tính năng cơ bản như nhắn tin không giới hạn, tạo nhóm và tìm kiếm thông tin thông qua các nhóm làm việc.
Họp trực tuyến là một trong những điểm nhấn của Microsoft Teams, quy mô cuộc họp có thể lên đến 300 người. Người dùng có thể thiết lập chu kỳ họp một cách tự động từ việc lập biểu, ghi chú cho đến chia sẻ màn hình và ghi âm lại nội dung.
Tích hợp trên 140 ứng dụng và dịch vụ của Microsoft, ứng dụng còn tạo cảm giác liền mạch khi sử dụng, đặc biệt là Word, Excel hay PowerPoint có thể chia sẻ một cách dễ dàng.
Điều người dùng quan tâm nhất là việc bảo mật dữ liệu, nền tảng này hoàn thành xuất sắc vấn đề trên khi cho phép mã hóa dữ liệu, tin nhắn và các tập tin khi được chia sẻ giữa người dùng.
Tính năng xác thực hai lớp được áp dụng để đảm bảo chỉ các nhân viên của công ty bạn mới có thể truy cập tài khoản.
Google Hangouts là giải pháp họp video an toàn cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp của Google. Với các doanh nghiệp sử dụng G Suite và G Suite cho Giáo dục sẽ được cung cấp phiên bản Hangouts Meet với nhiều tính năng riêng biệt.
Nền tảng này được sự hậu thuẫn vô cùng lớn từ cơ sở hạ tầng có thiết kế bảo mật, tính năng bảo vệ được tích hợp sẵn của Google để bảo vệ thông tin cũng như quyền riêng tư người dùng. Cuộc họp trên Meet được mã trong khi truyền và hàng loạt các cơ chế bảo mật giúp cuộc họp trở nên an toàn hơn.
Hangouts Meet được xem là giải pháp họp trực tuyến phổ biến và an toàn nhất hiện nay, được áp dụng cho nhiều cơ sở giáo dục. Với ưu điểm là dễ sử dụng, ổn định với số lượng người tham gia lên đến 250.
Dễ tương tác với các thành viên thông qua việc chia sẻ màn hình, video call hay trao đổi văn bản thông thường, ghi âm hay quay video lại cuộc họp. Hangouts Meet có mặt trên mọi nền tảng, giúp người dùng kết nối mọi lúc mọi nơi với chi phí rẻ nhất.
Tùy vào nhu cầu sử dụng cũng như quy mô của doanh nghiệp quyết định đến giải pháp hội họp trực tuyến phù hợp.
Nhưng cho dù là Zoom, Skype, Microsoft Teams hay Google Hangouts Meet có bảo mật đến đâu thì tự ý thức bản thân người dùng cũng cần phải được đề cao như hạn chế chia sẻ phòng, hoặc thay đổi mật khẩu phòng thường xuyên nếu hỗ trợ.