Tại châu Âu, gần 39 triệu người đang được Chính phủ trả lương để làm việc bán thời gian, hoặc nghỉ tại nhà. Tuy nhiên, mức hỗ trợ kỉ lục này không phải là một phương án tối ưu, để giúp "lục địa già" thoát khỏi bóng ma suy thoái kinh tế do Covid - 19 gây ra.
Chưa bao giờ các doanh nghiệp châu Âu chật vật đến thế trong việc duy trì nguồn lao động. Nhiều công ty phải cắt giảm giờ làm, các Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trả một phần tiền lương cho người lao động, thậm chí có những nơi Chính phủ chi trả tới 80% tiền lương trung bình.
Khác với hệ thống tại Hoa Kỳ, nơi các chủ doanh nghiệp sa thải người lao động và sau đó họ có thể nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, tại châu Âu, đơn cử ở đây là Đức, Chính phủ đã phải phát động chương trình "Kurzarbeit", tạm dịch là "làm việc trong thời gian ngắn", để duy trì mối quan hệ giữa chủ lao động và nhân viên của họ. Điều này được cho là sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng khi nên kinh tế mở cửa trở lại.
Nó đã có hiệu quả trong quá khứ. Kurzarbeit được cho là đã giúp ngăn chặn việc sa thải hàng loạt ở Đức sau cuộc Khủng hoảng tài chính năm 2008, và cho phép các nhà sản xuất như Volkswagen và Daimler nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu bùng nổ từ Trung Quốc.
Theo Alexander Hijzen, nhà kinh tế học tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, hiện tại, Đức có tới 1/4 lao động đang tham gia chương trình làm việc trong thời gian ngắn này. Trong khi đó ở Pháp và Italia, con số này tăng lên mức 1/3 lực lượng lao động.
Ở châu Âu, nơi rất khó để thuê và sa thải nhân viên, người lao động có rất nhiều sự bảo vệ và được bảo vệ bởi các thoả thuận của các tổ chức lớn. Do đó, những chương trình làm việc trong thời gian ngắn đã trở nên phổ biến, và được cả giới chủ lẫn người lao động biết đến.
Kurzarbeit, chương trình làm việc trong thời gian ngắn nổi tiếng ở châu Âu, có nguồn gốc từ thế kỉ trước, và thường xuyên được vận dụng để bảo vệ công ăn việc làm ở Đức kể từ cuộc Khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970.
"Kurzarbeit tốt hơn thất nghiệp", cựu Bộ trưởng Lao động Đức Walter Arendt nói với tạp chí Der Spiegel năm 1973.
Điều này dường như đã đúng trong cuộc Đại suy thoái sau cuộc Khủng hoảng tài chính năm 2008. Việc làm ở Đức chỉ giảm 1% mặc dù sản lượng kinh tế giảm 7%, theo ông Florian Hense - Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Berenberg. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ vào thời điểm ấy, tổng sản phẩm quốc nội giảm 4%, việc làm giảm tới 5,4%.
Một số nhà kinh tế cho rằng, các yếu tố khác như cách các doanh nghiệp lập bảng lương làm thêm giờ, tốc độ tuyển dụng chậm,… cũng có khả năng đóng vai trò trong việc hạn chế việc làm bị mất.
Tuy nhiên, một yếu tố khác mà ít người nhắc tới đó là tại Đức, trong những thời điểm khó khăn, Chính phủ chi trả từ 60 - 67% tiền lương cho số giờ không làm việc. Điều này đặc biệt hữu ích trong một nền kinh tế đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động lành nghề, và các nhà tuyển dụng muốn giữ chân những nhân viên mà họ đã đào tạo.
"Đó là phương cách chia sẻ gánh nặng đúng nghĩa giữa Chính phủ, chủ lao động và người lao động", Hense nói.
Tại Pháp, một chương trình tương tự như Kurzarbeit, gọi là "chômage partiel" đang được đánh giá là rất phù hợp trong cuộc khủng hoảng Covid - 19, ít nhất là trong thời gian tới.
Chương trình được thiết kế để giải quyết cú sốc kinh tế trong thời gian ngắn. Họ làm cầu nối cho các doanh nghiệp và người lao động cho đên khi Chính phủ bắt đầu dỡ bỏ các lệnh đóng cửa.
Vương quốc Anh cũng có một phiên bản "việc làm ngắn" của riêng mình, để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại. Ước tính có 6,3 triệu lao động Anh hiện đang tham gia chương trình này.
Điều này có thể giúp châu Âu thúc đẩy phục hồi, cho phép các nền kinh tế trong khu vực khởi động lại nhanh chóng và hiệu quả khi nhu cầu tăng trở lại.
Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài hơn dự kiến, kinh phí để duy trì những chương trình như ở Vương quốc Anh có thể vượt quá mức cho phép và đẩy những lao động đang mấp mé thất nghiệp chính thức trở thành thất nghiệp.
Chính phủ Đức đã mở rộng chương trình Kurzarbeit của mình, khi hỗ trợ tiền lương cho 10,1 triệu lao động, theo Ngân hàng đầu tư UBS. Con số này lớn hơn gấp nhiều lần so với 1,4 triệu người nhận hỗ trợ trong cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một cuộc khảo sát của viện Ifo ở Đức trong tuần này, cho thấy 99% nhà hàng và 97% khách sạn ở nước này đang tham gia chương trình Kurzarbeit. Tương tự 94% các công ty trong lĩnh vực ô tô cũng sử dụng Kurzarbeit để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trong khi các ngành khác tỉ lệ trung bình là 50%.
Tại Pháp, Chính phủ nước này cho biết có 11,3 triệu người đang được hưởng lợi từ "chômage partipel". Trong khi đó tại Italia, hơn 7,7 triệu người đang tham gia chương trình làm việc thời gian ngắn, và ở Tây Ban Nha là 3,4 triệu người.
Uỷ ban châu Âu muốn tăng cường những nỗ lực như vậy, và tuyên bố sẽ cấp khoản vay cho các quốc gia thành viên, kèm theo các điều khoản có lợi để hỗ trợ những chương trình như "chômage partipel".
"Tuy nhiên, nếu thời gian đóng cửa kinh tế đủ lâu, chúng ta sẽ thấy công việc bị cắt giảm hoàn toàn", Klaus Wohlrabe - Người đứng đầu cuộc khảo sát tại Ijo cảnh báo.
Hôm thứ Tư, Uỷ ban châu Âu dự báo tỉ lệ thất nghiệp trong khối EU sẽ tăng từ 6,7% vào năm 2019 lên 9% trong năm 2020, trước khi giảm xuống 8% trong năm 2021.
Tại Hoa Kỳ, nơi đã có 30 triệu lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3, và tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 4 ước đạt 16%, các nhà kinh tế đang theo dõi sát sao những nỗ lực của châu Âu.
Các phiên bản của chương trình làm việc trong thời gian ngắn, được gọi là "chia sẻ công việc" đang được 26 tiểu bang của Mỹ áp dụng đơn lẻ. Điều này cho phép người lao động chọn nhân viên có thể nhận trợ cấp thất nghiệp trong những giờ làm bị cắt giảm.
Chính phủ Liên bang muốn nhiều doanh nghiệp tận dụng ưu điểm của lựa chọn này, và khuyến khích sử dụng nó, bao gồm việc triển khai hỗ trợ trong gói kích thích trị giá 2.000 tỉ USD được thông qua vào tháng trước. Tuy nhiên, đến nay số doanh nghiệp Mỹ tham gia vào chương trình này vẫn hết sức hạn chế.
Hiện chỉ có 62.300 người Mỹ nhận được lợi ích từ chương trình chia sẻ công việc, tính đến hết ngày 11/4 theo số liệu từ Bộ Lao Động Hoa Kỳ.
Betsey Stevenson, giáo sư kinh tế tại Đại học Michigan cho rằng, một phần nguyên nhân liên quan tới nhận thức. Các công ty ở Mỹ thường không biết tới những chương trình tương tự ở châu Âu.
"Chia sẻ công việc sẽ được các tiểu bang áp dụng nhiều hơn khi nền kinh tế được mở cửa trở lại. Trong môi trường đó, thật hợp lí để khuyến khích các nhà tuyển dụng tuyển lại lao động, ngay cả khi giờ làm đã bị giảm", vị Giáo sư nói.
"Việc phá huỷ vĩnh viễn mối quan hệ giữa người tuyển dụng lao động và lao động sẽ gây ra nạn thất nghiệp lâu dài ở Mỹ. Thậm chí nó có thể dẫn tới các vấn đề lớn hơn", Stevenson cho biết thêm.
Sau đại dịch, các quốc gia hạn chế được tình trạng thất nghiệp có thể vực dậy nền kinh tế mạnh mẽ hơn so với những quốc gia không thể duy trì liên kết giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Tại châu Âu, các chương trình làm việc trong thời gian ngắn được đánh giá là yếu tố then chốt trong việc phục hồi kinh tế thời kì hậu Covid - 19.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020