Chưa một quốc gia nào đạt chuẩn nuôi bé sữa theo khuyến nghị của WHO

Chưa một quốc gia nào đạt chuẩn nuôi bé sữa theo khuyến nghị của WHO là kết quả báo cáo mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF công bố hồi tháng 8 năm nay.

tong giam doc who sua me hoat dong nhu loai vac xin dau tien cua tre
Tổng giám đốc WHO: "Sữa mẹ hoạt động như loại vắc-xin đầu tiên của trẻ". (Ảnh: A Million Little Echoes)

Ai cũng hiểu rõ tầm quan trọng của nuôi con sữa mẹ

Theo khuyến nghị của 2 tổ chức này, các bà mẹ cho con bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau sinh, nuôi con sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục cho bú, trong khi bổ sung các loại thực phẩm khác, cho tới khi trẻ được ít nhất 2 tuổi.

Trẻ bú sữa mẹ được hưởng rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, trong đó, nổi bật nhất là khả năng cải thiện hệ miễn dịch của trẻ. Sữa mẹ càng đặc biệt quan trọng với trẻ trong 6 tháng đầu đời, giúp ngăn ngừa bệnh tiêu chảy và viêm phổi – 2 căn bệnh gây tử vong chính ở trẻ sơ sinh. Các bà mẹ cho con bú sữa mẹ cũng giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng và ung thư vú – 2 căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ.

tong giam doc who sua me hoat dong nhu loai vac xin dau tien cua tre
Chưa một quốc gia nào đạt chuẩn nuôi bé sữa theo khuyến nghị của WHO. (Ảnh: Bare It For Baby)

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết: “Sữa mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong và trao cho trẻ toàn bộ dưỡng chất cần thiết để sinh tồn và phát triển”.

Nuôi con sữa mẹ quả thực đóng vai trò thiết yếu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện ở chỗ: cải thiện dinh dưỡng (mục tiêu số 2); ngăn ngừa tỷ lệ tử vọng ở trẻ và giảm nguy cơ các bệnh không lây nhiễm (mục tiêu số 3), hỗ trợ sự phát triển nhận thức và giáo dục (mục tiêu số 4). Nuôi con sữa mẹ còn có khả năng chấm dứt đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng.

tong giam doc who sua me hoat dong nhu loai vac xin dau tien cua tre
Tỷ lệ trẻ bú mẹ nhìn chung thấp, tỷ lệ ở Mỹ thấp hơn nhiều so với mức bình quân. (Ảnh: Bare It For Baby)

Nhưng tỷ lệ trẻ bú mẹ nhìn chung thấp, tỷ lệ ở Mỹ thấp hơn nhiều so với mức bình quân

Thông qua so sánh tỷ lệ trẻ được bú mẹ tại 194 nước trên toàn thế giới, WHO và UNICEF đã phát hiện ra, không có quốc gia nào đạt tỷ lệ 100%. Và điều đáng nói là chưa đầy 44% các bà mẹ tham gia cuộc điều tra cho biết, họ cho con bú sữa mẹ trong giờ đầu tiên sau sinh.

Cũng theo bản báo cáo, chỉ có 23 quốc gia có tỷ lệ nuôi con sữa mẹ hoàn toàn ở tháng thứ 6 trên 60% là Bolivia, Burundi, Cabo Verde, Campuchia, Hàn Quốc, Eritrea, Kenya, Kiribati, Lesotho, Malawi, Micronesia, Liên bang Nauru, Nepal, Peru, Rwanda, São Tome và Principe, Solomon Islands, Sri Lanka, Swaziland, Timor-Leste, Uganda, Vanuatu, Zambia.

Laurence Grummer-Strawn, kỹ thuật viên của WHO, tiết lộ, bản báo cáo nêu rõ nước Mỹ đang trong tình trạng đáng báo động khi tỷ lệ nuôi con sữa mẹ thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Chưa đầy 25% các bà mẹ Mỹ nuôi con sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời của trẻ. Nước Mỹ không có chính sách trả lương cho sản phụ nghỉ sinh và dữ liệu cho thấy, chỉ 18% bệnh viện hỗ trợ sản phụ cho con bú sữa mẹ như khuyến nghị.

Grummer-Strawn cũng chỉ ra rằng, nước Mỹ không có quy định về việc quảng cáo sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và đây là lý do các bà mẹ có thể nghĩ, sữa công thức hoàn toàn có thể thay thế sữa mẹ.

tong giam doc who sua me hoat dong nhu loai vac xin dau tien cua tre
"Nhiều người hiểu rõ tầm quan trọng của nuôi con sữa mẹ, nhưng họ lại quá thường xuyên mặc định rằng, trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc về người mẹ". (Ảnh: Bare It For Baby)

Tại sao các bà mẹ ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới ngừng cho con bú từ sớm?

Nguyên nhân chủ chốt nằm ở chỗ nhu cầu phải trở lại làm việc của các bà mẹ. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như họ gặp khó khăn, cảm thấy đau đớn và bối rối trong việc xác định xem liệu đứa trẻ có được bú đủ sữa hay không; việc vừa làm vừa phải hút sữa đúng là cực hình…

Theo số liệu thống kê, chỉ có 12% các quốc gia tuân thủ khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về việc trả lương thai sản cho nữ lao động với 18 tuần được trả 100% lương từ các quỹ công cộng.

Grummer-Strawn bày tỏ: “Đây thực sự là lần đầu tiên những dữ liệu này được thu thập và tập hợp lại cùng một điểm, nhờ đó, chúng ta có thể so sánh các quốc gia với nhau. Kết quả cho thấy một thực tại thật đáng buồn”.

Ông cũng cho biết thêm: “Nhiều người hiểu rõ tầm quan trọng của nuôi con sữa mẹ, nhưng họ lại quá thường xuyên mặc định rằng, trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc về người mẹ. Họ không quan tâm và xem xét tới các yếu tố môi trường, xã hội, chính trị vốn thực sự có vai trò quy định việc nuôi con sữa mẹ”.

tong giam doc who sua me hoat dong nhu loai vac xin dau tien cua tre
Đầu tư cho trẻ sơ sinh, nhất là tăng tỷ lệ trẻ được bú mẹ, mới là đầu tư đem lại lợi ích lâu dài nhất. (Ảnh: Bare It For Baby))

Đầu tư cho trẻ sơ sinh, nhất là tăng tỷ lệ trẻ được bú mẹ, mới là đầu tư đem lại lợi ích lâu dài nhất

Trong bản phân tích mang tên “Nurturing the Health and Wealth of Nations: The Investment Case for Breastfeeding” (tạm dịch “Nuôi dưỡng Sức khoẻ và Sự thịnh vượng của Quốc gia: Trường hợp đầu tư vào nuôi con sữa mẹ”) được công bố cùng báo cáo trên, có đoạn viết: Chỉ cần một khoản đầu tư hàng năm khoảng 4,7 USD/mỗi trẻ sơ sinh là đủ để tăng tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn trên thế giới lên 50% tính cho tới trước năm 2025.

Cũng theo bản phân tích này, nếu đạt được mục tiêu vừa nêu, sữa mẹ có thể cứu sống 520.000 trẻ dưới 5 tuổi và có thể tạo ra khoản tiền 300 tỷ USD trong tăng trưởng kinh tế 10 năm – đây là kết quả của việc chi phí chăm sóc sức khoẻ, điều trị bệnh tật giảm và năng suất lao động tăng.

Giám đốc điều hành UNICEF, Anthony Lake, nhấn mạnh: “Nuôi con sữa mẹ là một trong những biện pháp đầu tư hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất mà các quốc gia có thể thực hiện đối với sức khoẻ của những thành viên nhỏ tuổi nhất trong xã hội cũng như sức khoẻ tương lai của toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Thất bại trong đầu tư vào nuôi con sữa mẹ, chúng ta đang làm suy yếu các bà mẹ và con họ và rồi chúng ta sẽ phải trả cái giá đắt gấp đôi: những sinh mạng bị đánh mất và những cơ hội bị bỏ lỡ”.

tong giam doc who sua me hoat dong nhu loai vac xin dau tien cua tre
Nuôi con sữa mẹ là một trong những biện pháp đầu tư hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất mà các quốc gia có thể thực hiện. (Ảnh: Jashuat)

Bản phân tích còn cho thấy, 5 trong số các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới – bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico và Nigeria - việc thiếu đầu tư vào nuôi con sữa mẹ gây hậu quả theo ước tính là 236.000 trẻ em bị thiệt mạng mỗi năm. Còn thiệt hại kinh tế lên tới 119 tỷ USD.

Xét trên phạm vi toàn cầu, đầu tư vào nuôi con sữa mẹ đang ở mức cực kỳ thấp. Mỗi năm, các chính phủ ở những quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp chi khoảng 250 triệu USD vào chiến dịch quảng bá lợi ích của nuôi con sữa mẹ và các nguồn quyên tặng chỉ cung cấp thêm 85 triệu USD nữa.

tong giam doc who sua me hoat dong nhu loai vac xin dau tien cua tre
Để tăng tỷ lệ nuôi con sữa mẹ, cần khích lệ các mạng lưới cộng đồng bảo vệ, khuyến khích và hỗ trợ nuôi con sữa mẹ. (Ảnh: Bare It For Baby)

Những việc mà các quốc gia nên làm để tăng tỷ lệ nuôi con sữa mẹ

1. Tăng ngân sách hỗ trợ việc tăng tỷ lệ nuôi con sữa mẹ từ khi trẻ lọt lòng tới khi 2 tuổi.

2. Tuân thủ đầy đủ Quy tắc Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ cũng như giải pháp tương ứng của Hội đồng Y tế Thế giới qua các biện pháp hợp pháp nghiêm khắc, được củng cố và giám sát độc lập bởi các tổ chức phi lợi nhuận và phi mâu thuẫn.

3. Ban hành quy định về chế độ thai sản cũng như chính sách nữ lao động nuôi con sữa mẹ tại nơi làm việc, xây dựng dựa trên hướng dẫn về bảo vệ chế độ thai sản của Tổ chức Lao động Thế giới như một yêu cầu tối thiểu, trong đó có các điều khoản cho bộ phận không chính thức.

4. Thực hiện 10 bước để nuôi con sữa mẹ thành công trong các cơ sở thai sản, bao gồm cung cấp sữa mẹ cho trẻ sơ sinh bị ốm và có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

5. Cải thiện điều kiện tiếp cận với chương trình tư vấn sữa mẹ chuyên nghiệp như một phần của chính sách và chương trình hỗ trợ nuôi con sữa mẹ toàn diện trong các cơ sở y tế.

6. Tăng cường mối liên hệ giữa các cơ sở y tế và cộng đồng, khích lệ các mạng lưới cộng đồng bảo vệ, khuyến khích và hỗ trợ nuôi con sữa mẹ.

7. Củng cố hệ thống giám sát, giúp theo dõi tiến độ các chính sách, chương trình và ngân sách hướng đến việc đạt được mục tiêu nuôi con sữa mẹ ở phạm vi quốc gia và toàn cầu.

chọn
Hiện trạng khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc sau 30 năm quy hoạch
Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ năm 1994, có vị trí tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Cùng xem hiện trạng dự án này sau 30 năm quy hoạch.