Cuộc chạy đua y tế toàn cầu: Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm

Nhờ công nghệ thông tin, việc chia sẻ kinh nghiệm điều trị Covid-19 giữa các quốc gia rất dễ dàng. Tuy nhiên, đến nay y học thế giới vẫn chưa thể thống nhất đâu là phương pháp điều trị dứt điểm Covid-19. Câu trả lời có thể phải mất đến vài năm.

Từ thuốc trị HIV, Ebola tới thuốc trị viêm khớp dạng thấp, hay bệnh cúm thông thường, ngành y tế toàn cầu đều phải thử qua để giành giật mạng sống cho bệnh nhân trước dịch Covid-19. Trong lúc nền y tế nhiều quốc gia đang sụp đổ, hàng triệu thầy thuốc vẫn đang chạy đua với thời gian, để tìm ra phương pháp trị dứt điểm Covid-19.

Australia nín thở chờ đỉnh dịch Covid-19

Các giường chăm sóc đặc biệt đang bắt đầu lấp đầy bệnh viện Sydney, nơi Harriet, một nhân viên hộ tịch y tế, đang cật lực chuẩn bị cho sự gia tăng nhanh chóng của dịch Covid-19. Australia đã có dưới 6.000 trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 kể từ ngày 6/4, và bệnh viện của Harriet đã làm những gì có thể để sẵn sàng ứng phó, nếu con số đó bắt đầu tăng lên. 

Họ đã tạo ra một biệt đội chống dịch và một đơn vị chăm sóc đặc biệt thứ hai, đồng thời chuyển các bác sĩ có đủ khả năng từ các cơ sở hay khoa khác sang khu vực ứng phó Covid-19.

"Thật khó để nói chúng ta sẵn sàng hay chưa. Tôi hi vọng chúng tôi đã có thể đối mặt với đỉnh dịch. Đang là một sự yên bình kì lạ trước mỗi cơn bão. Chúng tôi đang chờ đỉnh dịch xảy ra", Harriet nói với Asian Nikkie Review.

Sự chuẩn bị trước đại dịch của họ bị cản trở, bởi thực tế là căn bệnh chỉ mới xuất hiện vài tháng trước, vẫn chưa được hiểu rõ. Không có thuốc được chứng minh là có tác dụng với virus.

Bên trong cuộc đua y tế toàn cầu: Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm - Ảnh 1.

Nền y tế của Australia có nguy cơ vỡ trận khi đỉnh dịch chưa có dấu hiệu lộ diện. (Ảnh: Andolu).

Sự thiếu hụt máy thở, giường bệnh và các thiết bị bảo vệ cá nhân mà y tá và bác sĩ cần, đã gây ra một căng thẳng khổng lồ cho các hệ thống y tế trên toàn thế giới. Harriet đã nhận được tin nhắn từ các bạn học cũ, bao gồm cả những người ở Ý, nơi có hơn 15.000 người đã chết. 

"Ở đó, các đồng nghiệp của tôi đã bị buộc phải đưa ra quyết định bất khả thi, về việc bệnh nhân nào được thở máy, còn ai sẽ không được điều trị. Hệ thống y tế đang sụp đổ. Không thể được! Họ không thể theo kịp tiến độ dịch bệnh. Thật kinh khủng! Tôi đã đọc những tin nhắn đó để nhắc nhở bản thân", cô nói.

"Ngay bây giờ, mọi người đều nín thở. Chúng tôi chỉ chờ đợi và hi vọng rằng những gì chúng tôi đã làm là sẽ đủ", Harriet nói thêm.

"Chúng ta chỉ có thể đánh bại đại dịch nếu chúng ta sát cánh bên nhau"

Khi tâm dịch chuyển từ nước này sang nước khác, kinh nghiệm của các bác sĩ và y tá đã từng tiếp xúc với Covid-19 trước, là "phao cứu sinh" cho các đồng nghiệp của họ ở các quốc gia, như Australia.

Tại Trung Quốc, Ý và Hàn Quốc, những quốc gia đầu tiên bùng phát dịch, nền y tế của họ đã phải thiết lập các phác đồ điều trị từ đầu. Một số người đã thử các biện pháp chưa được chứng minh trong một nỗ lực tuyệt vọng, để tìm ra bất cứ điều gì có thể làm được, từ phương pháp điều trị cúm thông thường cho đến thuốc chống sốt rét và thuốc viêm khớp.

Tom Frieden, Chủ tịch và CEO của Resolve to Save Lives, một sáng kiến phòng chống dịch bệnh tại tổ chức y tế toàn cầu Vital Strategies, cho biết: "Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta không biết về loại virus này, và chúng ta đang học hỏi nhiều hơn mỗi ngày. Một người làm nghề tuyệt vời sẽ chủ động sử dụng dữ liệu mình tìm kiếm được, để điều chỉnh phương pháp điều trị.

Dữ liệu là một trong những biện pháp phòng vệ mạnh nhất của chúng ta chống lại virus này. Chúng ta cần tìm hiểu thật nhiều, càng nhanh càng tốt, và chúng ta chỉ có thể đánh bại đại dịch nếu chúng ta sát cánh bên nhau".

Bên trong cuộc đua y tế toàn cầu: Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm - Ảnh 2.

Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc kiểm soát được dịch là nhờ tinh thần đoàn kết dân tộc. (Ảnh: The Times of Israel).

Vào ngày 20/3, khoảng 80 nhà khoa học và bác sĩ từ Mỹ và Trung Quốc, đã thực hiện một hội nghị trực tuyến để nói về những kinh nghiệm tập thể của họ, trong việc giải quyết đại dịch Covid-19. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã bắt đầu chia sẻ với thế giới những nỗ lực của họ đã kiểm soát được căn bệnh này. Nhưng Mỹ đang leo lên một con dốc, khi thêm hàng chục ngàn trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh mỗi ngày.

Người Mỹ, chủ yếu đến từ Đại học Johns Hopkins, muốn hiểu từ các đối tác của họ những gì họ có thể làm, để cố gắng ngăn chặn sự bùng phát. Trước khi chào tạm biệt nhau, các bác sĩ Trung Quốc đã cầu nguyện cho các đồng nghiệp người Mỹ của họ.

Trong hội nghị đó, Shmuel Shoham, Phó Giáo sư Y khoa tại Đại học Y khoa Johns Hopkins, đã có mặt. Vào đầu năm 2020, Shoham đã nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm ở bệnh nhân cấy ghép tại Johns Hopkins. Giống như tất cả mọi người trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, ông biết rằng một ngày nào đó sẽ có đại dịch toàn cầu. 

"Trong y học, bạn luôn nghĩ về việc chuẩn bị cho tương lai. Và bây giờ, đột nhiên, đây là tương lai. Đây là một trong những điều đó", vị này chia sẻ.

Đến tháng 3, với các bệnh viện quá tải ở New York và lan nhanh ở các thành phố khác của Mỹ, Shoham dành toàn thời gian cho căn bệnh này.

Một thử nghiệm nhỏ ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng truyền cho bệnh nhân "huyết tương khoẻ mạnh", huyết tương từ những người đã khỏi virus, có thể giúp ngăn ngừa những người trong giai đoạn đầu của bệnh phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn. 

Được biết đến như là "tiêm chủng thụ động", phương pháp này đã được sử dụng trong hơn một thế kỉ, và vẫn là một phần của việc điều trị bệnh dại và viêm gan.

Bên trong cuộc đua y tế toàn cầu: Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm - Ảnh 3.

Số quan tài chất đống vì Covid-19 đang thách thức đội ngũ y tế Mỹ. (Ảnh: Getty).

Shoham và các đồng nghiệp đã tìm đến các chuyên gia khác trong mạng lưới của họ trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới, để khởi động một loạt các thử nghiệm. Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã nhanh chóng phê duyệt các thử nghiệm về huyết tương điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đang mở rộng nghiên cứu của họ, và đã chuyển giao phương pháp này đến Ý, để được thử nghiệm ở đó.

Các rào cản trong thế giới y học bỗng chốc bị gỡ bỏ chỉ trong 3 tháng gần đây. Hơn 100 nhà xuất bản khoa học đã đưa tất cả các bài báo liên quan đến virus corona của họ được truy cập miễn phí, cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cơ sở dữ liệu thông tin khổng lồ. 

"Với quy mô và tầm quan trọng của đại dịch này, tôi nghĩ mọi người đều sẵn sàng chia sẻ dữ liệu của họ, chia sẻ tài nguyên của họ và chia sẻ công nghệ của họ. "Điều đầu tiên mà mọi người đang nghĩ đến là lợi ích cho bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng điều này chắc chắn đã tạo ra sự đoàn kết hơn rất nhiều trong giới hành nghề", Junaid Nabi, nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Bệnh viện Brigham and Women's và Trường Y Harvard, cho biết.

Trên các diễn đàn của bác sĩ, các chuyên gia từ Iran, Thổ Nhĩ Kì, Đức và Tây Ban Nha cũng đang đưa ra lời khuyên cho các đồng nghiệp của họ ở các châu lục khác, từ cách đặt nội khí quản cho bệnh nhân, đến trải nghiệm của chính họ bằng các phương pháp điều trị thử nghiệm.

"Thông tin đã dễ dàng truy cập một cách đáng ngạc nhiên", Edsel Maurice Salvana, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, hiện đang điều hành phòng thí nghiệm thử nghiệm Covid-19 tại Viện Y tế Quốc gia Philippines, bày tỏ cảm xúc. 

"Hầu hết các tạp chí khoa học đã cho phép truy cập miễn phí vào hầu hết các bài báo về Covid-19, và nhiều nhà khoa học đang đăng các nghiên cứu của họ càng sớm càng tốt", vị này nói thêm

Chống Covid-19 "giống như một trải nghiệm chiến tranh"

Mặc dù tất cả các thông tin có sẵn, tuy nhiên, gánh nặng của việc ra quyết định vẫn còn dành cho các bác sĩ và y tá đáng tin cậy trong lĩnh vực này. Họ phải khôn ngoan và cân bằng đạo đức trong việc sử dụng các phương pháp điều trị chưa được chứng minh, để giải quyết một căn bệnh mà họ kém hiểu biết.

Ở miền Bắc Italy, Nicola Forni, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người đã làm việc trực tiếp trong dịch bệnh kể từ cuối tháng 2, nói với Nikkei Asian Review, rằng các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc chống sốt rét, bao gồm hydroxychloroquine, cũng như thuốc kháng retrovirus và thuốc dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp, sau khi đọc các nghiên cứu của Trung Quốc.

"Chúng tôi có nghĩa vụ phải thích nghi mỗi ngày. Mỗi ngày chúng tôi phải đưa ra các giao thức làm việc mới", Forni nói.

Bên trong cuộc đua y tế toàn cầu: Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm - Ảnh 4.

Các bác sĩ ở Ý phải "cắn răng" quyết định ai là người được dùng máy thở. (Ảnh: France 24).

Điều này đang xảy ra trong bối cảnh của một hệ thống y tế nước nhà đã gần sụp đổ. Các bác sĩ đang phải đưa ra quyết định tàn khốc về mặt cảm xúc, rằng người nào sẽ được cấp quyền dùng máy thở cứu sinh. "Tôi chưa bao giờ tham chiến. Nhưng đây giống như một trải nghiệm chiến tranh. Chúng tôi đã bị choáng ngợp", Formi ví von.

Chuyên gia Salvana nói rằng ông từng biết về ít nhất một người đã chết ở Philippines, do tự điều trị bằng hydroxychloroquine. Ông đoán nguyên nhân là do Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi chloroquine và hydroxychloroquine là "người thay đổi cuộc chơi" tại một cuộc họp báo. Nhận xét trên hứng chịu nhiều chỉ trích từ các quan chức y tế công cộng. "Điểm mấu chốt là chúng ta cần một thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát", Salvana nói.

Trị Covid-19 từ thuốc trị HIV đến… thuốc trị cúm thông thường

Các nhà nghiên cứu đầu tiên giải trình tự DNA của Sars-CoV-2, một nhóm từ Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, đã chia sẻ bộ gen trên GenBank, một cơ sở dữ liệu trực tuyến miễn phí, vào ngày 11/1. Các nhóm khác đã theo dõi và hiện có hơn 250 trình tự được liệt kê. Vào ngày 24/1, Nevan Krogan, Giám đốc của Viện Khoa học sinh học định lượng tại Đại học California, đã chỉ định một nhóm nhỏ bắt đầu xem xét bộ gen loại virus này.

Được thành lập vào năm 2016, phòng thí nghiệm của Krogan chuyên sử dụng các kĩ thuật định lượng và tính toán để hiểu các cơ chế sinh học cơ bản, làm nền tảng cho các bệnh và dược phẩm. Các đồng nghiệp của Krogan bắt đầu tạo ra một bản đồ về virus mà họ có thể so sánh với bộ gen của con người, và xác định các protein mà nó dựa vào để tái tạo và lây nhiễm các tế bào.

"Về cơ bản, đây là bản kế hoạch về cách thức virus xâm nhập và tấn công vật chủ trong quá trình lây nhiễm", Krogan nói.

Bên trong cuộc đua y tế toàn cầu: Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm - Ảnh 5.

Mặc sự hỗn loạn bên ngoài, nhóm nghiên cứu vaccine tại HKU-Pasteur Research, Hong Kong, vẫn đang chạy đua với thời gian. (Ảnh: ANR).

Chỉ hơn một tháng sau khi họ bắt đầu làm việc, California bắt đầu báo cáo về việc truyền nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

"Tôi đã đi vào phòng thí nghiệm và tôi nhận ra rằng mọi thứ sẽ ngừng hoạt động, trường đại học sẽ đóng cửa. Vì vậy, tôi tập hợp tất cả đội ngũ của mình và nói, 'Chúng ta sẽ dừng mọi thứ chúng ta đang làm, và làm việc này tại một nơi khác suốt ngày đêm, 24/7'", Krogan nói.

Đội ngũ gồm 25 nhân viên của phòng thí nghiệm, trong đó có 21 người trong 21 phòng thí nghiệm khác được thành lập vội vàng. Trong hai tuần, họ đã xây dựng bản đồ thành công, vốn đây là việc thường sẽ mất nhiều năm.

Từ bản đồ, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định được 332 protein của con người tương tác với virus. Sau đó, họ bắt đầu tìm kiếm thông qua các cơ sở dữ liệu công cộng về dược phẩm, để xác định các hợp chất nhắm vào các protein đó. 

Họ đã tìm thấy 69 dược phẩm, 27 trong số đó đã được FDA chấp thuận. Một số là thuốc chống siêu vi, nhưng một số khác là thuốc dùng để điều trị các mầm bệnh khác.

Thử nghiệm đã bắt đầu trong các phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York và Viện Pasteur ở Paris. Các công ty dược phẩm, bao gồm Roche, đã sẵn sàng chuyển các loại thuốc đầy triển vọng sang các thử nghiệm lâm sàng.

"Thật tuyệt vời. Nhận được chuỗi vào tháng 1 và thử nghiệm thuốc vào tháng 3, điều đó là không ngờ đối với một loại virus không ai biết rõ về nó. Nó cho bạn thấy bọn chúng có thể di chuyển nhanh như thế nào. Giờ thì các mảnh ghép đều ở đó. Loại khủng hoảng này đã buộc mọi người phải làm việc cùng nhau, để hoàn thành công việc nhanh nhất có thể", Krogan tự hào chia sẻ.

Phòng thí nghiệm của Krogan là một trong nhiều đơn vị đang tăng tốc tìm kiếm phương pháp điều trị khả thi cho Covid-19. 

Peter Fedichev, CEO của Gero có trụ sở tại Singapore, cho biết đơn vị của ông đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm kiếm các hợp chất có thể ngăn chặn virus nhân lên trong tế bào người. Họ đã xác định được một số ứng cử viên, bao gồm hai loại thuốc dùng để điều trị nhiễm kí sinh trùng, Niclosamide và Nitazoxanide, cũng như thuốc trị ung thư Afatinib và thuốc chống rối loạn thần kinh, Reserpine. Công ty hiện đang tìm kiếm đối tác để chạy thử nghiệm.

"Ở một khía cạnh tích cực nào đó của dịch bệnh, nó cho chúng ta bắt đầu thấy rõ sự tích hợp thực tế của machine learning, trí tuệ nhân tạo và phát triển dược phẩm", Kenneth Kaitin, Giám đốc Trung tâm Tufts về Nghiên cứu Phát triển Thuốc ở Boston, nhận định.

Khả năng nhanh chóng sàng lọc hàng chục ngàn loại thuốc đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng,  tác dụng phụ và độc tính đã bắt đầu. Tuy nhiên, Kaitin cảnh báo, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà nghiên cứu không chỉ tìm kiếm một loại thuốc thần kì, mà còn có nhiều lựa chọn phù hợp với bệnh nhân ở các giai đoạn khác nhau của bệnh và cho các bệnh nhân mắc các bệnh tiềm ẩn khác nhau. Mặc dù có nhiều loại thuốc đang được thử nghiệm, tỉ lệ thất bại sẽ cao.

"Khả năng của một hợp chất thực sự có tác dụng đối với bất kì bệnh nào là rất nhỏ. Các nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, rằng chỉ có khoảng 10% các hợp chất được nghiên cứu thực sự tiếp cận được thị trường", ông nói.

Bên trong cuộc đua y tế toàn cầu: Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm - Ảnh 6.

Một số loại vaccine có triển vọng đang được thử nghiệm lâm sàn. (Ảnh: RFI).

Tổ chức Y tế Thế giới đang tuyển bệnh nhân cho một thử nghiệm toàn cầu khổng lồ, được gọi là "Đoàn kết".

Tình nguyện viên lần lượt được thử nghiệm các phương pháp điều trị: remdesivir, một loại thuốc chưa được chứng minh, được phát triển để điều trị Ebola; các thuốc chống sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine; lopinavir và ritonavir chống retrovirals; Kaletra điều trị HIV; lopinavir, ritonavir và interferon-beta.

Các loại thuốc được chọn dựa trên khả năng hoạt động chống lại Covid-19. Ngoài ra, chúng đều ít tác dụng phụ cũng như có thể nhân rộng sản xuất. Với nhóm của Nevan Krogan, chloroquine là một trong những loại thuốc được xác định là một phương pháp điều trị tiềm năng.

Tại Nhật Bản, chính phủ đang ủng hộ một nghiên cứu lâm sàng về thuốc cảm cúm Avigan, được phát triển bởi Fujifilm. Avigan, cũng được đề xuất là phương pháp điều trị khả thi cho Ebola vào năm 2015, đã được phê duyệt theo quy định tại Nhật Bản.

Ít nhất một chục vắc-xin tiềm năng cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm khác nhau.

Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm

Tuy vậy, Kaitan cảnh báo không nên giữ quá nhiều hi vọng rằng một trong những thử nghiệm này sẽ đưa ra giải pháp trong thời gian tới.

"Tôi nghĩ trong một thời điểm tuyệt vọng như chúng ta bây giờ, mọi người đang kiếm tìm không chỉ là một loại thuốc, mà còn hi vọng rằng nếu họ mắc bệnh thì sẽ có cách điều trị", ông nói. Truyền thông đang thổi phồng sự lạc quan "dẫn đến một niềm tin gần như điên rồ, rằng có một thứ gì đó có thể giết được Covid-19 ngoài kia", nhưng các thử nghiệm lâm sàng phải mất một thời gian dài, và không có cách nào để tăng tốc chúng.

"Điều đó có nghĩa là chúng ta không nên mong đợi nhìn thấy một loại thuốc trên thị trường trong một năm hoặc lâu hơn. Điều này nghe có vẻ khủng khiếp với tỉ lệ tử vong dự đoán của loại virus này. Nhưng đó là thực tế", ông nhấn mạnh.

Thực tế nghiệt ngã đó đặt gánh nặng trở lại đối với các biện pháp y tế công cộng và sự cách li xã hội. 

Đầu tháng 4, Singapore, nơi dường như đã hạn chế thành công sự lây lan của virus, đã công bố một lệnh giới nghiêm, buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát rộng hơn của Covid-19. Chính phủ Nhật Bản đã công bố tình trạng khẩn cấp cho Tokyo và sáu tỉnh khác vào ngày 7/4, để ứng phó với sự tăng đột biến các ca nhiễm mới.

Bên trong cuộc đua y tế toàn cầu: Không thể có thuốc trị Covid-19 chỉ trong một vài năm - Ảnh 7.

Còn khá lâu mới có thuốc đặc trị, người dân không nên tin vào những thông tin chưa kiểm chứng để hại sức khoẻ bản thân. (Ảnh: Financial Times).

Việc điều trị cũng làm tăng nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân cho những người ở tuyến đầu. Ở hầu hết các quốc gia đối phó với căn bệnh này, nhân viên y tế thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ, chất tẩy rửa mà họ cần. Thậm chí họ phải tự chế tạo, gia công những sản phẩm tạm bợ để bảo vệ bản thân.

Những thiếu hụt này đã dẫn đến một số lượng lớn các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Tại Ý, gần 10% trong số các trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 là nhân viên chăm sóc sức khỏe. Ở một số tiểu bang Mỹ, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn. Trên toàn thế giới, hàng trăm người đã chết. Mỗi ca nhiễm và mỗi cái chết càng làm suy yếu khả năng toàn cầu trong việc chống lại đại dịch.

"Tôi cảm thấy một nỗi buồn và mất mát sâu sắc mỗi khi một bác sĩ khác qua đời. Ít nhất ba trường hợp tử vong là giáo sư của tôi, người mà tôi đã làm việc với tư cách là đồng nghiệp", Edsel Salvana chia sẻ khi đang tự cách li, sau khi hai bệnh nhân của mình có kết quả dương tính với Covid-19.

"Thật muốn tan ra trong đau buồn, nhưng chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Khi chuyện này kết thúc, tôi sẽ khóc thật lâu. Bây giờ, tôi phải tiết kiệm nước mắt cho trận chiến phía trước", vị này tâm sự.