Canh bạc vaccine Covid-19 của các đại gia dược phẩm

Các đại gia dược phẩm toàn cầu đang chạy đua sản xuất vaccine chống virus corona chủng mới. Cuộc cạnh tranh dữ dội này có thể tạo ra "bong bóng vaccine".

Theo Bloomberg Business, giới chuyên gia y tế nhận định cách hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch virus corona chủng mới đến từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) là tiêm chủng cho người dân trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu muốn hi vọng đó trở thành sự thật vào năm sau, thế giới cần sự kếp hợp của phương pháp khoa học hoàn hảo, quá trình thử nghiệm nhanh chóng và một đội ngũ sản xuất quy mô lớn chưa có tiền lệ trong ngành công nghiệp dược phẩm.

Thông thường, phải mất đến 10-15 năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm tỉ mỉ, để đưa một loại vaccine hoàn toàn mới ra thị trường. Đối với dịch Covid-19, ngành công nghiệp dược phẩm hi vọng rút ngắn thời gian đến 10 lần.

Điều này nghe có vẻ như một việc bất khả thi, nhưng các tập đoàn dược phẩm lớn sẽ không quyết liệt đến vậy nếu không nghĩ rằng vẫn có cửa thành công. Công ty Moderna đã bắt đầu thử nghiệm trên người một loại vaccine khai thác công nghệ RNA mới để chống lại virus corona.

Canh bạc vaccine Covid-19 của các đại gia dược phẩm - Ảnh 1.

Trung tâm Milan, Italy vắng vẻ vì dịch Covid-19. (Ảnh: AP).

Cuộc đua nóng bỏng

Gã khổng lồ dược phẩm Pfizer và đối tác BioNTech SE cũng nghiên cứu một loại vaccine với công nghệ mới. Trong khi đó, Johnson & Johnson đang xây dựng bản mẫu để thử nghiệm vaccine Zika và Ebola.

Nhà sản xuất thuốc Sanofi của Pháp cũng điều chỉnh công nghệ được sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa để kiểm tra xem liệu chúng có thể bảo vệ chống lại virus corona hay không. Có tổng cộng hơn 25 loại vaccine chống virus corona đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm.

“Chúng tôi đang hành động với tốc độ nhanh chưa từng có”, Bloomberg Business dẫn lời ông Clement Lewin - Phó chủ tịch Sanofi, người đã có kinh nghiệm hơn 25 năm trong ngành dược phẩm - khẳng định.

Mọi tập đoàn dược phẩm toàn cầu đang chạy đua với thời gian và các đối thủ cạnh tranh. Để thực hiện được điều đó, họ phải thay đổi hoàn toàn cách phát triển thuốc. Từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng, vaccine chống virus corona là vũ khí tối quan trọng, bởi hơn 1 triệu người đã nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.

Hi vọng vào vaccine đẩy giá cổ phiếu của các đại gia dược phẩm như Pfizer và J&J tăng vọt trong những tuần gần đây, với mức tăng đột biến lần lượt là 6% và 8% chỉ trong một ngày. Giá cổ phiếu Moderna tăng hơn 75% từ đầu năm đến nay. Bloomberg nhận định cuộc đua này có thể trở thành bong bóng vaccine.

Canh bạc vaccine Covid-19 của các đại gia dược phẩm - Ảnh 2.

Các đại gia dược phẩm đua nhau nghiên cứu vaccine virus corona chủng mới. (Ảnh: Getty Images).

Khung thời gian 12-18 tháng để đưa ra vaccine của chính phủ Mỹ khiến giới chuyên gia hoài nghi. “Mọi thứ đều phải hoàn hảo mới đến được đó. Điều quan trọng nhất là quý vị phải hiểu rằng khoa học là điều kì diệu, nó có thể khiến mọi thứ xảy ra, nhưng nó sẽ không đến vào ngay ngày mai”, Seth Berkley, CEO Liên minh Vaccine, nhận định.

Tuy nhiên, những bước đầu tiên đã diễn ra khá nhanh chóng. Ngày 11/1, khi phương Tây không mấy chú ý đến dịch bệnh tại Hồ Bắc, các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định trình tự gen của virus corona. Moderna theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến ở Trung Quốc và bắt đầu nghiên cứu công nghệ vaccine mới.

Đến cuối tháng 2, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn xem nhẹ nguy cơ của dịch Covid-19, các nhà khoa học Moderna giao lô vaccine đầu tiên cho Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Khi virus corona bắt đầu bùng nổ ở Mỹ vào giữa tháng 3, vài người khỏe mạnh đầu tiên đã được tiêm một liều thử nghiệm nhỏ.

Không gì đảm bảo thành công

Công nghệ đang được Moderna, Pfizer và một số tập đoàn khác sử dụng dựa trên các tế bào của cơ thể để sản xuất protein virus. “Vaccine bạn tiêm vào người là bản hướng dẫn để cơ thể tạo ra hàng nghìn bản sao protein từ bề mặt virus", Chủ tịch Moderna Stephen Hoge giải thích.

"Nếu vaccine hoạt động, các protein đó sẽ kích hoạt cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ chống lại virus”, ông nói. Trên thực tế, công nghệ RNA chưa thể được thử nghiệm nhanh như vaccine truyền thống. Hiện, chưa có vaccine RNA nào được phê duyệt và chưa có nhà máy sản xuất nào sản xuất với số lượng lớn.

Ngoài việc đặt cược vào công nghệ mới để tăng tốc quá trình, các hãng dược đang thận trọng thực hiện song song nhiều bước thử nghiệm. Pfizer hi vọng có thể tiêm vaccine RNA thử nghiệm trên người vào cuối tháng này.

Công nghệ vaccine RNA cũng không miễn nhiễm với rủi ro. Người ta biết ít hơn về hiệu quả của công nghệ này, một số lo ngại rằng vaccine RNA có thể gây ra phản ứng miễn dịch không mong muốn.

Một vấn đề khác mà mọi vaccine Covid-19 đều phải tránh là biến chứng phức tạp được gọi là “tăng cường bệnh” đã từng thấy khi thử nghiệm trên động vật đối với vaccine SARS.

Canh bạc vaccine Covid-19 của các đại gia dược phẩm - Ảnh 3.

Những bước tiến trong việc nghiên cứu vaccine virus corona giúp cổ phiếu của các công ty dược phẩm tăng vọt. (Ảnh: Bloomberg).

Ngoài ra, cũng giống như cuộc chiến chống lại HIV, không có gì đảm bảo rằng vaccine là có thể tìm ra. Một thách thức khác là bất kỳ loại vaccine virus corona nào cũng cần tăng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

Pfizer đã bắt đầu thực hiện kế hoạch đầu tư vào năng lực sản xuất cả ở Mỹ và các nước khác. Moderna cho biết họ đã có khả năng sản xuất hàng triệu liều vaccine mỗi tháng. Tuy nhiên, đối với một công ty đang trong giai đoạn phát triển, chưa có một sản phẩm nào trên thị trường như Moderna, đơn hàng này dường như quá sức.

Hơn nữa, hàng triệu mũi vaccine cũng chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu vaccine Covid-19. Những người cần vaccine nhất là các bác sĩ, y tá, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, chỉ riêng Mỹ đã lên đến 26 triệu người.

Khó đáp ứng quy mô toàn cầu

Theo sau là hàng triệu nhân viên khác làm việc ở tuyến đầu và trẻ em có bệnh nền. Tiếp theo là 41 triệu người trên 65 tuổi và 38 triệu người trẻ có bệnh nền. Như vậy, chỉ riêng ở Mỹ đã có đến 100 triệu người cần được ưu tiên tiêm vaccine.

Tất nhiên, hàng trăm triệu người khác ở Trung Quốc, châu Âu, châu Á và những nơi khác cũng cần vaccine. “Câu hỏi không chỉ là liệu vaccine có hoạt động hay không mà còn là bạn có thể tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu như thế nào”, Mark Feinberg, cựu CEO Merck & Co. bình luận.

“Ngay cả các công ty dược phẩm lớn cũng không thể vận hành với quy mô đó. Không một công ty nào”, ông nhấn mạnh.

Các gã khổng lồ dược phẩm như J&J và Sanofi không thể tham gia vào thử nghiệm nhanh như Moderna, nhưng khả năng sản xuất của họ có thể lên đến hàng trăm triệu liều vaccine.

Sanofi cho biết vaccine virus corona mà công ty đang nghiên cứu sử dụng cùng một công nghệ với vaccine cúm đã được cấp phép. Vì vậy, họ có thể sản xuất với số lượng lớn một cách dễ dàng. Nhà máy có công suất từ 100-600 triệu liều mỗi năm, tùy thuộc vào số lượng vaccine cần thiết cho mỗi liều.

Canh bạc vaccine Covid-19 của các đại gia dược phẩm - Ảnh 4.

Vaccine virus corona sẽ đòi hỏi quy mô sản xuất lớn chưa từng có. (Ảnh: NYT).

Trong khi đó, J&J nghiên cứu dựa trên nền tảng đã được sử dụng để tạo ra vaccine thử nghiệm cho một số bệnh, bao gồm Ebola, Zika và RSV. J&J bắt đầu bằng cách đánh giá 10 phương pháp khác nhau rồi chọn ra một phương pháp vào hôm 30/3. Bước tiến này đã giúp giá trị vốn hóa của công ty tăng 8%.

“Chúng tôi có năng lực thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới với 80 quốc gia. Chúng tôi sẽ được chuẩn bị để di chuyển đến những nơi bùng dịch. Nếu đó là Brazil, chúng tôi đến đó. Trung Quốc hay châu Phi cũng vậy”, ông Paul Stoffels, Giám đốc khoa học J&J, khẳng định.

Diễn biến lí tưởng là số ca nhiễm mới giảm dần cho đến khi những thử nghiệm vaccine này chấm dứt dịch hoàn toàn. Tuy nhiên, các quan chức ngành dược phẩm cho rằng đường cong đồ thị số ca nhiễm và tử vong có khả năng vẫn duy trì ở mức cao.

“Nó thật đáng sợ. Nhiều khả năng chúng ta cần vaccine để chấm dứt đại dịch này. Đó là cách đảm bảo nhất”, ông Stoffels nhận định.

chọn
Toàn cảnh vị trí quy hoạch cầu vượt sông Đáy nối Chương Mỹ - Ứng Hòa, Hà Nội
Một cầu vượt sông Đáy dự kiến được xây dựng kết nối các huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa, Hà Nội.