Nằm bên kia bờ sông Sài Gòn, bán đảo Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm TP HCM 300 m đường chim bay nhưng hiện vẫn còn tàn tích của vùng đầm lầy hoang vu. Hơn 20 năm trước, xác định nơi này đầy tiềm năng phát triển, thành phố được Chính phủ phê duyệt đồ án xây dựng Thủ Thiêm thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khu đô thị mới hiện vẫn chưa thành hình do vướng khiếu nại của cả trăm hộ dân, cho rằng chính quyền thành phố thu hồi đất trái quy định, làm sai phê duyệt ban đầu của Thủ tướng.
Không ảnh đôi bờ sông Sài Gòn với bán đảo Thủ Thiêm và trung tâm thành phố 50 năm trước. (Ảnh: Tư liệu) |
Theo Từ điển địa danh Sài Gòn – TP HCM do Tiến sĩ Lê Trung Hoa chủ biên, Thủ Thiêm là địa danh có từ cuối thế kỷ XVIII. Trong đó, "Thủ" có nghĩa là đồn canh, về sau để chỉ chức vụ người đứng đầu đồn. Còn "Thiêm" có thể là tên người này.
Chính quyền thời đó đã cho lập đồn binh Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn, phòng thủ cho khu vực trung tâm. Dần về sau tên gọi Thủ Thiêm được đặt cho vùng đất này.
Thủ Thiêm ngày trước còn có tên xóm Tàu Ô - nơi ở của nhóm hải tặc người Hoa trốn chạy nhà Thanh bên Trung Quốc, được chúa Nguyễn cho lưu trú để giữ đất, mở rộng chủ quyền. Ban đầu, đây là một bãi bồi hoang sơ, nhiều đầm lầy, cây dại. Dân cư sống thưa thớt trong những căn nhà nhỏ ven sông Sài Gòn.
Dân tứ xứ sau đó kéo đến ở ngày càng nhiều, hình thành những xóm làng đông đúc. Lác đác những miếu thờ, đình chùa cũng xuất hiện kèm các khu chợ, bến đò...
Dân Thủ Thiêm một phần khai hoang làm ruộng vườn, số còn lại theo những con đò qua trung tâm bên bờ đối diện làm mướn. Trong các tài liệu lưu trữ, cuộc sống người dân ở đây vất vả nhưng đầy tình làng nghĩa xóm.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, thời vua Tự Đức (khoảng 300 năm trước) có đoạn viết về vùng đất Thủ Thiêm. "Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Thủ Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả".
Huyện Nghĩa An nay là quận 2, 9 và dòng Bình Giang chính là sông Sài Gòn.
Bến đò Cây Bàng ở Thủ Thiêm xưa. (Ảnh: Tư liệu) |
Do là vùng trũng, đầm lầy nên Thủ Thiêm xưa thành nơi thuận lợi cho cây bàng và lác phát triển. Người dân tận dụng lá bàng đan buồm dùng để đi ghe trên sông. Địa danh ấp Cây Bàng, bến đò Cây Bàng cũng hình thành và tồn tại đến sau này. Sau khi bến đò và khu dân cư bị giải tỏa hơn 10 năm trước, ít ai còn biết đến tên gọi này trừ người Thủ Thiêm cố cựu.
Thủ Thiêm xưa còn ghi lại qua dấu tích hàng trăm năm của các công trình tôn giáo, nhất là hệ thống tu viện, nhà thờ của Hội dòng Mến Thánh giá còn tồn tại đến ngày nay. Vào giữa thế kỷ 19, vua Minh tìm diệt những người theo đạo Công giáo sau loạn Lê Văn Khôi nên các nữ tu chạy đến vùng Thủ Thiêm. Họ sau đó khai phá đất hoang rồi xây nên tu viện, nhà dòng… Hiện công trình tôn giáo này có lịch sử gần 180 năm.
Khi Pháp chiếm miền Nam, chọn Sài Gòn làm trung tâm thì giao thương thủy phát triển vượt bậc. Cảng Bến Nghé thành điểm tấp nập tàu thuyền vào ra chở hàng kéo theo sự phát triển của bờ đối diện. Vài xưởng đóng tàu cũng hiện diện bên bờ Thủ Thiêm nên tàu bè, khu dân cư cùng hoạt động buôn bán thêm nhộn nhịp.
Thủ Thiêm lúc này được nhắc đến nhiều nhất thông qua các chuyến đò ngang dọc. Những con đò xuôi ngược này đã vào ca dao, được lưu truyền đến ngày nay mà nhà văn Sơn Nam đã trích đăng lại trong biên khảo đất Bến Nghé – Sài Gòn xưa của mình: "Bắp non mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm"
Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm nhìn qua quận 1 ngày nay. (Ảnh: Báo PL TP HCM) |
Trong tấm bản đồ tỷ lệ 1/50.000 của Sài Gòn do chính quyền Pháp vẽ năm 1911, bến đò Thủ Thiêm lần đầu được đánh dấu. Sự xuất hiện của những con đò đã đưa thêm nhiều cư dân đến vùng đất này hơn. Phương tiện chuyên chở cũng dần được cải tiến với thuyền máy đuôi tôm rồi đến những con phà hiện đại.
Trong ký ức người Sài Gòn xưa, chiếc phà hình hột vịt của hãng đóng tàu Caric là đáng nhớ nhất. Phà có hai tầng, có thể chở ôtô, xe tải và được xem là điều mới lạ vào những năm 1960.
Sau 1975, phà Thủ Thiêm vẫn tiếp tục hoạt động đến hết năm 2011. Sứ mạng những chiếc phà nối đôi bờ sông Sài Gòn xưa giờ nhường chỗ cho hầm vượt sông cũng như những cây cầu hiện đại.
Bốn năm trước, khi thi công các tuyến đường ở Thủ Thiêm, nhiều hiện vật, dấu tích liên quan đến xưởng đóng tàu, cọc gỗ cùng đồ dùng của cư dân Tàu Ô xưa lộ thiên. Những hiện vật này được các nhà khảo cổ đánh giá cao về tính lịch sử bởi qua đó có thể hiểu hơn về cuộc sống xa xưa của vùng đất Thủ Thiêm – Sài Gòn. Nhưng để phục vụ việc thi công Khu đô thị Thủ Thiêm, họ chỉ thu gom được một số hiện vật rồi nhường lại khu vực cho máy xúc.
Đại Quang Minh của ông Trần Bá Dương đang làm ăn ra sao?
Không sở hữu quá nhiều dự án nhưng Đại Quang Minh lại là một cái tên lớn gây ấn tượng trên thị trường bất động ... |
Nhiều Doanh nghiệp Nhà nước sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản đất công
"Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh ... |
Nhà đất 07:34 | 24/07/2020
Thời sự 14:35 | 08/12/2018
Thời sự 01:43 | 16/11/2018
Thời sự 04:36 | 15/11/2018
Thời sự 01:05 | 14/11/2018
Thời sự 04:02 | 07/11/2018
Đô thị 07:20 | 01/11/2018
Thời sự 07:10 | 24/10/2018