Khi nào dịch nCoV đạt đỉnh?

Giữa các dự báo về đỉnh dịch, giới chuyên gia y tế toàn cầu đang nỗ lực nghiên cứu thuốc đặc trị cũng như vắc xin để kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona chủng mới (nCoV).
Khi nào dịch nCoV đạt đỉnh? - Ảnh 1.

Diễn biến dịch nCoV ở Trung Quốc đại lục. (Ảnh: AFP - nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: Hồng Sơn)

Tranh cãi nguy cơ lây lan

Các cơ quan y tế và chuyên gia đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đồng thời tìm hiểu vì sao nCoV lây lan nhanh chóng. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là liệu rằng những người bị nhiễm bệnh, nhưng không có triệu chứng có thể lây nhiễm cho người khác qua đường hô hấp hay không?

Tín hiệu lạc quan

Malik Peiris, nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông - cố vấn cho WHO, cho biết một tín hiệu lạc quan là nCoV dường như có tỉ lệ tử vong thấp hơn SARS. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 4/2 cho biết tỉ lệ tử vong là 2,1% trên toàn quốc, trong khi đó SARS có tỉ lệ tử vong toàn cầu là 9,6%, theo WHO.

"T lệ tử vong không tính đến các trường hợp bệnh nhẹ hơn, không được điều trị nên chúng ta chưa nên vội lạc quan. Tôi hy vọng rằng mức độ nghiêm trọng dịch bệnh thấp hơn nhiều so với những gì chúng ta tin hoặc biết vào lúc này", ông Peiris nói.

Một kịch bản khác là nCoV có thể trở thành một căn bệnh phổ biến trên toàn cầu, như cúm. Chẳng hạn, H1N1, chủng vi rút gây ra đại dịch cúm năm 2009, giờ đây đã trở thành loại vi rút gây bệnh theo mùa.

Hai đợt bùng phát dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) do chủng vi rút corona gây ra trước đây chỉ lây lan từ những người thể hiện triệu chứng bệnh. Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo khả năng nCoV có thể lây lan trong giai đoạn ủ bệnh, có triệu chứng nhẹ hoặc không thể hiện bất triệu chứng nào.

Tuy nhiên, mới đây, nghiên cứu của các nhà khoa học Đức công bố trên tạp chí y học New England ngày 30/1 gây tranh cãi khi kết luận một du khách từ Trung Quốc không có triệu chứng đã lây bệnh cho đồng nghiệp ở TP Munich (Đức). Tạp chí Science sau đó kết luận nghiên cứu này không chính xác vì nữ bệnh nhân đã có triệu chứng. 

Bình luận về vấn đề này, nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu dịch bệnh mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa nhận đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

“Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong các bệnh khác, cụ thể là những người tự nhận là không có triệu chứng, nhưng nếu thăm khám hơn thì họ thật sự đang ở giai đoạn đầu của các triệu chứng đang phát triển. Vì vậy, họ không hoàn toàn là không có triệu chứng”, bà Kerkhove nói.

Chuyên gia Jeffrey Shaman thuộc Đại học Colombia cảnh báo: “Đôi khi triệu chứng nhẹ như cảm cúm thông thường nên người bệnh dễ phớt lờ và không đến gặp bác sĩ”, theo NPR.

Đến nay, WHO vẫn khẳng định “phương thức lây truyền... là các trường hợp biểu hiệu triệu chứng”. WHO đồng thời lưu ý cơ quan này nắm thông tin về khả năng lây truyền từ bệnh nhân không có triệu chứng “trong một số ít trường hợp” nhưng tin rằng điều này là hiếm gặp và không phải là tác nhân chính.

Khó kiểm soát hơn SARS?

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng việc kiểm soát nCoV khó khăn hơn so với SARS trước đây.

Giáo sư John Nicholls, thuộc Đại học Hồng Kông, đánh giá dịch SARS bùng phát hồi tháng 11/2002 ở miền nam Trung Quốc và đã chấm dứt vào tháng 7/2003 nhờ áp dụng biện pháp đảm bảo vệ sinh tốt, như rửa tay thường xuyên, cùng yếu tố môi trường như nhiệt độ cao và độ ẩm trong những tháng mùa hè. Trong dịch SARS, có 8.098 trường hợp nhiễm bệnh và 774 ca tử vong được ghi nhận tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng phần lớn là ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, theo WHO.

Ngày 6/2, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin ông Hồ Lập Sơn, Phó bí thư TP Vũ Hán, cho biết TP này có thêm 1.900 ca nhiễm được xác nhận và hơn 780 ca bị nghi nhiễm cần cách li trong ngày 4/2, nhưng chỉ có 421 giường có sẵn cho bệnh nhân. "Chính quyền Vũ Hán đang tìm cách trưng dụng thêm khách sạn và trường học làm bệnh viện dã chiến", ông Hồ cho biết thêm.

Cùng ngày 6/2, Hội đồng vấn đề đại lục của Đài Loan thông báo những người đến vùng lãnh thổ này từ Hồng Kông và Macau sẽ bị cách li 14 ngày. Đài Loan cũng sẽ tạm dừng cấp thị thực vô thời hạn cho những người đến từ Hồng Kông và Macau, theo SCMP. Ở Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng đã cho cách li khoảng 960 binh sĩ nước này sau khi họ đến Trung Quốc đại lục, Hồng Kông hoặc Macau.

Trước tình trạng dịch bệnh lan rộng, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua kêu gọi quyên góp 675 triệu USD (15.707 tỉ đồng) nhằm phục vụ kế hoạch chống nCoV.

Văn Khoa

Trong khi đó, trong vòng chưa đầy 2 tháng, nCoV lan ra hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ và tính đến ngày 6/2, số trường hợp tử vong tăng lên 563 người, hơn 28.000 ca nhiễm nCoV khắp Trung Quốc đại lục. Ông Nicholls lưu ý nCoV “có khả năng lây lan mạnh hơn” SARS có thể là do những trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, còn SARS chỉ lây lan qua trường hợp có triệu chứng, nhưng cần phải có thêm nghiên cứu để chứng minh điều này.

Người phát ngôn WHO Olivia Lawe-Davies hôm qua 6/2 cho biết WHO đang phối hợp với Bộ Y tế các nước để điều tra khả năng nCoV “lây lan qua tiếp xúc giữa người với người” bên ngoài Trung Quốc, điều này có thể báo hiệu sự lây lan rộng hơn, theo Reuters. Cuộc điều tra sẽ nhằm vào 109 người tham gia một diễn đàn doanh nghiệp quốc tế ở Singapore vừa qua, trong đó 94 người nước ngoài đã về nước. Trong số những người này có một người từ tâm dịch Vũ Hán và một người Malaysia được xác nhận nhiễm nCoV.

Khi nào dịch nCoV đạt đỉnh? - Ảnh 4.

Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu kiểm soát nCoV. (Ảnh: Reuters)

Khi nào kết thúc?

Từ thực tế trên, giới chuyên gia quốc tế chưa thể thống nhất dịch nCoV sẽ kéo dài trong bao lâu. Ông Chung Nam Sơn, một chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc - người tiên phong trong cuộc chiến chống SARS năm 2003, dự đoán cuối tuần tới có thể là đỉnh dịch ở Trung Quốc và sau đó số ca nhiễm sẽ giảm dần.

Tuy nhiên, chuyên gia y khoa Gabriel Leung tại Đại học Hồng Kông ít lạc quan hơn và ước tính số ca nhiễm sẽ lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 4 hoặc giữa tháng 5. “Tôi nhận thấy khả năng tái diễn kịch bản SARS và thế giới có thể hứng chịu dịch bệnh trong vòng khoảng 5 tháng tới”, CNN dẫn lời Giáo sư Nicholls nhận định.

Bước đột phá mới

Trong khi đó, các công ty phát triển thuốc điều trị nCoV được chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện phê chuẩn nhanh chóng, rút ngắn thời gian thử nghiệm. “Tiến trình này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng do nhiều thách thức về mặt hậu cần lẫn quy định pháp . Chúng tôi không muốn đầu tư vào rủi ro ngay bây giờ”, ông Merdad Parsey, Giám đốc phụ trách dược phẩm của Công ty Gilead Sciences (Mỹ), cho biết.

Hiện Gilead Sciences, có thuốc thử nghiệm remdesivir, đang phối hợp với Bộ Y tế Trung Quốc để đánh giá xem liệu rằng nó có thể giúp chống lại nCoV hay không. Tuy nhiên, Gilead Sciences chỉ có nguồn cung hạn chế remdesivir và thuốc này từng được thử nghiệm trong dịch bệnh Ebola (năm 2013 - 2016) nhưng bị đánh giá không hiệu quả, theo Reuters.

Hôm 5/2, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang tuyên bố đã tìm thấy một loại thuốc trị nCoV hiệu quả, theo CCTV. Còn Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm lâm sàng khoảng 30 loại thuốc hiện có, bao gồm thuốc chống nhiễm HIV Kaletra từ hãng dược Mỹ AbbVie.

Cùng ngày, chuyên gia Robin Shattock tại Đại học Hoàng gia London (Anh) tuyên bố có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu vắc xin từ “2 - 3 năm xuống còn 14 ngày”. Ông Shattock dự kiến sẽ thử nghiệm vắc xin ngừa nCoV trên động vật vào tuần tới và trên người vào hè năm nay.

Liên minh đổi mới trong chuẩn bị phòng chống dịch bệnh CEPI (trụ sở ở Na Uy) đã huy động được khoảng 800 triệu USD (gần 20.000 tỉ đồng) từ các nhà tài trợ để hỗ trợ nghiên cứu vắc xin ngừa vi rút corona và đã phân bổ cho một số công ty bao gồm Inovio Enterprises, Moderna và CureVac.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.