Khủng hoảng Món Huế có cản dòng vốn tỉ đô?

Dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân (PE) chảy vào Việt Nam ghi nhận nhiều thương vụ có giá trị kỉ lục nhưng mối quan hệ giữa các PE với ông chủ doanh nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Dù vậy, những mâu thuẫn này là cần thiết để thị trường đang mở cửa sẽ đón nhận thêm nhiều thương hiệu Việt từ triệu đến tỉ đô trong thời gian tới.

Khủng hoảng Món Huế có cản dòng vốn tỉ đô? - Ảnh 1.

Mối quan hệ "cộng sinh" giữa quỹ đầu tư và công ty tư nhân là hết sức quan trọng. (Ảnh: laodong.vn).

“Cộng sinh” hay “tranh thủ”?

Mới đây, các nhà đầu tư đã rót 70 triệu đô la vào Món Huế từ năm 2013 tiến hành khởi kiện nhà sáng lập và điều hành, với cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lí với các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo.

Các nhà đầu tư này bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital, chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong cơ cấu sở hữu của Huy Việt Nam, công ty chủ thương hiệu của Món Huế.

Giai đoạn năm 2015, Huy Việt Nam từng nổi lên đình đám vì gọi vốn "khủng" từ các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chuyện "cộng sinh" cùng tên tuổi tỉ phú Mark Mobius, một "cáo già phố Wall", để mở rộng chuỗi nhà hàng gồm nhiều thương hiệu khác nhau.

Theo Grantthornton, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) là loại hình chuyên đầu tư vào các công ty chưa niêm yết, hoặc công ty đại chúng rồi biến chúng trở thành công ty tư nhân. Thời gian đầu tư thường dao động trong khoảng từ 3-7 năm.

Quỹ PE cũng khác biệt với nhà đầu tư chiến lược, thường nắm giữ dài hạn và tăng cường sức mạnh "cộng hưởng" từ 2 thương hiệu. Đối tượng mà quỹ PE nhắm đến công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn, hoặc gặp khó khăn về tài chính, hoặc quản trị.

Hiện nay, Huy Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài, do ông Huy Nhật đồng sáng lập, Chủ tịch và kiêm Giám đốc điều hành. Trước đó, ngày 2/10, công ty này thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. 

Hiện tại, Chủ tịch của Huy Việt Nam cùng Giám đốc phụ trách thu mua của Món Huế đều không thể liên lạc. Do đó dễ hiểu vì sao các nhà đầu tư vào Huy Việt Nam hiện đứng ngồi không yên.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân không bao giờ là suôn sẻ hoàn toàn.

Một bài học khác chính là chính chuỗi The KAfe, chuyên phục vụ đồ ăn Á-Âu, đã phải đóng cửa sau hơn 1 năm nhận vốn từ quỹ đầu tư dù trước đó, đã hoạt động hơn 3 năm. Đáng chú ý, Phó chủ tịch công ty sở hữu Món Huế từng là Chủ tịch The KAfe. Câu chuyện Món Huế bị các nhà cung cấp nguyên vật liệu tố cáo trốn nợ cũng tương tự như câu chuyện của The KAfe trước đây.

Một ví dụ khác là hồi tháng 8 năm ngoái, Công ty Ba Huân quyết định từ bỏ số tiền 32,5 triệu đô la từ việc bán 34% cổ phần cho VinaCapital, vì những điều khoản ràng buộc không có lợi cho bản thân, trong khi VinaCapital cho rằng do "một số hiểu lầm giữa đôi bên".

Ba Huân thậm chí còn gửi "đơn kêu cứu" lên Thủ tướng, cho rằng tỉ suất hoàn vốn 22% mà Vinacapital đưa ra là không phù hợp với thỏa thuận, và nguy cơ mất luôn thương hiệu nếu cứ tiếp tục cuộc chơi. 

Thực tế, VinaCapital cũng ra điều kiện chịu phạt nếu không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, trong đó có việc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần.

Trường hợp Ba Huân cũng có điểm khác biệt so với những mâu thuẫn lên mức cao trào, đến mức khởi kiện giữa các nhà đầu tư và nhà sáng lập Món Huế. Đó là các nhà đầu tư nhỏ không nắm cổ phần chi phối, không kiểm soát được hoạt động của những nhà sáng lập kiêm điều hành.

Đa phần các quỹ đầu tư yêu cầu tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thâm chí trên 25%.

Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược chỉ dao động trong khoảng 12-18%, theo khảo sát của Grant Thornton về hoạt động PE tại Việt Nam năm 2018.

Trên thực tế, điều khoản ràng buộc "khắc nghiệt" thường là phương án mà quỹ đầu tư đưa ra để tự bảo vệ bản thân, chủ yếu về kết quả kinh doanh, cam kết thời gian gắn bó của nhân sự chủ chốt. Nếu không đạt chỉ tiêu, nhà sáng lập nhiều khả năng mất luôn quyền kiểm soát.

Bên cạnh đó, vẫn còn mâu thuẫn thường gặp phải như tầm nhìn chiến lược khác nhau, chia sẻ quyền lực (đòi hỏi sự cởi mở, tin tưởng cũng như cơ chế ủy quyền rõ ràng). Các chủ sở hữu công ty tư nhân cũng thường lo ngại việc đòi hỏi quá mức trong công bố thông tin tài chính và phi tài chính, một vấn đề mà doanh nghiệp Việt thường không công khai như một thói quen từ trước đến nay.

Khảo sát của Grant Thornton năm 2019 cho thấy, đầu tư vốn tư nhân tại Việt Nam hiện nay gặp nhiều thách thức từ cả 2 phía. Theo đó, các quỹ đầu tư cho rằng vấn đề trở ngại thường là định giá quá cao, thiếu cơ hội hấp dẫn và đội ngũ lãnh đạo tài năng, trong khi đó các chủ doanh nghiệp lo ngại về xung đột tiềm ẩn trong tầm nhìn và quyền điều hành, khiến họ ngần ngại hợp tác.

photo-2

Hiệu quả của các quỹ đầu tư đo lường bằng giá trị tài sản, nên câu chuyện cuối cùng vẫn là bán doanh nghiệp để kiếm tiền. Nói nôm na, quỹ đầu tư sẽ đẩy giá trị doanh nghiệp lên cao hết mức có thể rồi rút vốn.

Trên thực tế, đây là mối quan hệ win-win, nhưng mỗi quỹ đầu tư sẽ có một "phong cách" đầu tư khác nhau mà các ông chủ công ty tư nhân cần phải lưu ý, đặc biệt trong đó nhiều quỹ sẽ ưu tiên đẩy quy mô doanh nghiệp bằng nhiều phương thức khác nhau.

Các quỹ đầu tư cũng được chia thành 2 dạng, một theo kiểu thụ động, chỉ đầu tư tiền rồi chờ được giá thì bán. Mô hình thứ 2 thì tham gia nhiều hơn, sâu hơn với doanh nghiệp, thậm chí là kiểm soát điều hành, thay đổi chiến lược, nhân sự với kinh nghiệm, kiến thức lẫn mối quan hệ thông thường nhiều hơn là ông chủ sáng lập.

Trên thực tế, mối quan hệ "cộng sinh" giữa quỹ đầu tư và công ty tư nhân là hết sức quan trọng. 

Trên sàn chứng khoán cũng không thiếu những trường hợp thành công mà các quỹ đầu tư đã đẩy giá trị công ty lên gấp nhiều lần. Điển hình nổi tiếng nhất có lẽ là trường hợp của Thế Giới Di Động với Mekong Capital, hay gần đây hơn nữa là trường hợp Vincapital cùng Yeah1 với mức giá chào sàn lên đến kỉ lục và gây nhiều tranh cãi vì mô hình kinh doanh.

Đón dòng vốn tỉ đô

Thống kê của Grant Thornton cho thấy tổng giá trị đầu tư tư nhân chảy vào Việt Nam năm 2018 ghi nhận mức kỉ lục trong vòng 1 thập kỉ, với hơn 1,6 tỉ đô la, xếp thứ 3 về giá trị trong khu vực ASEAN. 

Cụ thể hơn, có 38 thương vụ đầu tư, trong đó 27 thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (chiếm 71% tổng số thương vụ trong năm 2018 và tăng 56% so với năm 2017).

Việt Nam luôn được giới đầu tư mô tả là nhiều thuận lợi về quy mô dân số, xu hướng tiêu dùng, thị trường đang mở cửa và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Dòng vốn đổ vào ngày càng nhiều hơn, nên các doanh nghiệp nội đối diện với những lời mời hấp dẫn từ các quỹ đầu tư, cả ngoại lẫn nội.

photo-3

Để huy động vốn tăng tốc kinh doanh, có 37% doanh nghiệp tư nhân chọn cách vay ngân hàng, theo khảo sát của Grant Thornton. Đây là hình thức huy động phổ biến, truyền thống và đơn giản, nhưng trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức cao như giai đoạn qua thì ưu tiên số 2 là gọi vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Xét về chi phi vốn, lãi suất có thể rẻ hơn so với vay ngân hàng, nhưng trên thực tế, các chuyên gia đánh giá rằng dòng tiền từ quỹ đầu tư thường sẽ "tốn kém" hơn ở nhiều khía cạnh khác, như mâu thuẫn đã nêu trên. Để bù đắp, các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận với kinh nghiệm kinh doanh và mối quan hệ sâu rộng trong ngành của những "cá mập".

Các công ty quản lý quỹ hoạt động lâu đời ở Việt Nam như Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCaptial, SAM,… đều thành lập những quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, bên cạnh các quỹ phổ biến đầu tư vào các loại tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu hoặc bất động sản.

Trên phương diện chung, bên cạnh dòng chảy tỉ đô từ các nhà đầu tư ngoại thì trong vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư nội bắt đầu nhập cuộc. Theo Grant Thornton, các quỹ nội nắm ưu thế với tổng cộng 17 thương vụ, chiếm 36% tổng số thương vụ đầu tư tư nhân trong năm 2018.

Nổi bật hiện nay có thể kể đến là Seedcom của ông Đinh Anh Huân, một trong những nhà sáng lập Thế Giới Di Động, đã rót nguồn lực (cả tiền của và nhân lực) vào nhiều thương hiệu khá đình đám như hiện nay như The Coffee House, Scommerce (sở hữu Giao hàng nhanh, Ahamove), thương hiệu thời trang Juno, Hnoss, Haravan (hỗ trợ kinh doanh) và Cầu đất Farm (nông trại).

Một chuyên gia nhận định rằng một lí do khiến quỹ đầu tư tư nhân hiện bùng nổ trong thời gian qua, là vì thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ, các doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân có xu hướng chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong khi đó, IPO chính là "lối thoát" để quỹ đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận dễ dàng nhất.

Dù vậy, bài học thực tế cho thấy rằng, làm nhiều "chiêu trò" để mở rộng nhanh quy mô doanh nghiệp thế nào đi nữa, thì mấu chốt vẫn là vấn đề đội ngũ lãnh đạo tài năng và cơ chế quản trị phù hợp.

Dòng vốn trong thời gian tới dự kiến tiếp tục đổ về, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề chuyển đổi số. Theo Grant Thornton, các doanh nghiệp tư nhân hiện đang thiếu các nguồn lực để dịch chuyển từ chiến lược bán hàng truyền thống sang một cách tiếp cận mới. Nhưng việc đón đầu dòng vốn sẽ phụ thuộc nhiều vào các ông chủ doanh nghiệp.

"Trước hết, tính minh bạch là một yếu tố cốt lõi mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần chuẩn bị và cải thiện", báo cáo Grant Thornton nhận định.


chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.