Trong một bản đánh giá kinh tế được ban hành hôm thứ Sáu, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia năm 2020 có thể sẽ chỉ dao động trong mức từ âm 2% đến 0,5%.
Con số dự kiến - 2% này sẽ là kết quả kinh tế thấp nhất của Malaysia kể từ năm 2009, sau khi chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kể từ lần tăng trưởng kinh tế xuống âm 1,5% được ghi nhận vào năm 2009, nền kinh tế nước này luôn có mức tăng trưởng trên 4,4% mỗi năm, nhờ vào dòng tiền đầu tư vào lớn và giá cả hàng hóa cao.
"Nền kinh tế trong nước đang phải đối mặt với những tác động từ việc thực thi những biện pháp cần thiết, để ngăn chặn đại dịch Covid-19, gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa", trong bản đánh giá có ghi.
Ngân hàng Trung ương cho biết thêm nguyên do gây ra những cú sốc và hậu quả kinh tế này là do cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn chưa từng có, dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng của Malaysia trong năm 2020.
Trong đó, các hạn chế đi lại của các quốc gia, bao gồm cả Malaysia, nhằm hạn chế du lịch, sẽ có tác động rất lớn đến ngành du lịch - vốn chiếm 11,8% GDP của quốc gia này.
Lưu lượng hành khách tại các sân bay ở Malaysia đã giảm 8.2% chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, lúc các ca nhiễm virus bắt đầu leo thang và các nền kinh tế bắt đầu ban hành các biện pháp phòng ngừa, như cấm đi lại và kiểm dịch.
Chỉ 1 tháng sau đó, các biện pháp cứng rắn hơn đã được thực thi trên toàn cầu, khiến Ngân hàng Trung ương cho rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu trong các lĩnh vực liên quan đến ngành du lịch, như khách sạn, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, và ngành dịch vụ vận tải.
Cơ quan này cho biết thêm, ngoài tác động từ cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, nền kinh tế Malaysia cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự sụt giảm sâu và mức biến động cao của giá dầu thô – đang ở mức thấp trong 20 năm qua.
Giá dầu toàn cầu thấp nếu kéo dài sẽ gây tác động lên các triển vọng của các lĩnh vực liên quan đến khai thác, đặc biệt là thu nhập, việc làm và đầu tư.
Ngân hàng cho biết giá các loại hàng hóa chính yếu khác cũng sẽ giảm thấp hơn, bao gồm cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Dự kiến, nhu cầu LNG của Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thấp hơn, do các nhà máy hạt nhân ở Trung Quốc đang mở cửa trở lại, và nền kinh tế Nhật Bản bị gián đoạn do dịch Covid-19.
Chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã công bố hai gói kích thích kinh tế, với tổng trị giá 250 tỉ ringgit (tương đương 58 tỉ USD), để giúp người dân Malaysia đối phó với cuộc suy thoái kinh tế.
Việc phát tiền mặt và các khoản vay ưu đãi từ các gói kích thích kinh tế, sẽ giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình.
"Điều quan trọng là chính sách hỗ trợ trên diện rộng sẽ hạn chế tác động của dịch Covid-19 đến chi tiêu hộ gia đình", Ngân hàng Trung ương ghi trong bản đánh giá.
"Đồng thời cho phép nền kinh tế phục hồi dần dần, khi điều kiện thị trường cuối cùng cũng ổn định hơn, sau khi các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước được cải thiện dần".
Dù mức tăng trưởng kinh tế dự kiến âm, Ngân hàng Trung ương Malaysia tuyên bố hiệu quả kinh tế dự kiến sẽ có cải thiện vào cuối năm nay, sang năm tiếp theo.
Theo đó, dự báo quốc gia này sẽ hưởng lợi đáng kể từ sự cải thiện về nhu cầu toàn cầu, sau khi kiểm soát được khủng hoảng, và sẽ là yếu tố thúc đẩy các lĩnh vực định hướng xuất khẩu tăng trưởng trở lại.
"Khi rủi ro từ đại dịch giảm xuống, tâm lí của người tiêu dùng cuối cùng sẽ được cải thiện khi các hạn chế đi lại được nới lỏng và hoạt động du lịch vào guồng trở lại", trong bản đánh giá có viết.
"Ngoài ra, sản xuất trong lĩnh vực khai thác và nông nghiệp dự kiến cũng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay do sự gián đoạn nguồn cung", trong đó có ghi thêm.
Tính đến ngày 3/4, ở Malaysia có 3.116 trường hợp nhiễm virus Covid-19 với 50 ca tử vong. Hiện quốc gia này đã thực hiện phong tỏa toàn quốc, đóng cửa biên giới và hạn chế công dân đi lại được hơn hai tuần.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020