'Thủ đô găng tay y tế' phải vật lộn khi bị phong tỏa giữa lúc cả thế giới hết thiết bị để chống dịch Covid-19

Trong cuộc chiến chống lại virus Covid-19 của thế giới, găng tay cao su dùng một lần là "vũ khí" thiết yếu. Và quyết định phong tỏa toàn quốc của Malaysia đang de dọa đến nguồn cung găng tay y tế cho tuyến đầu chống dịch.
Nguy cơ dịch Covid-19 tăng cao khi 'thủ đô găng tay y tế thế giới' vật lộn giữa thời phong tỏa - Ảnh 1.

Dù được miễn trừ đóng cửa hoạt động, các công ty sản xuất găng tay y tế tại Malaysia vẫn gặp phải nhiều trở ngại, làm gián đoạn chuỗi cung ứng lớn nhất thế giới này. (Nguồn: Reuters).

Malaysia là "kinh đô sản xuất" găng tay cao su của toàn thế giới, có 3 trong 5 chiếc găng tay đang lưu hành trên thị trường đều được cộp mác 'made in Malaysia'.

Tuy nhiên, lệnh phong tỏa nghiêm nghặt toàn quốc của Malaysia đang gây gián đoạn hoạt động chuỗi cung ứng quan trọng này, dẫn đến viễn cảnh thế giới sẽ sớm thiếu hụt trầm trọng nguồn cung trong thòi gian tới.

Nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới Top Glove Corp Bhd, có khả năng sản xuất đến 200 triệu găng tay mỗi ngày.

"Việc đóng cửa nền kinh tế đã khiến nhà cung cấp thùng giấy của công ty đóng cửa, hiện chúng tôi chỉ còn đủ hộp đựng cho 2 tuần sản xuất nữa thôi", nhà sáng lập Top Glove Corp Bhd chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Reuters.

"Chúng tôi không thể chuyển găng tay đến bệnh viện mà không có thùng giấy", CEO Lim Wee Chai phát biểu trong một cuộc phỏng vấn. "Các bệnh viện đang rất cần găng tay của chúng tôi, và chúng tôi không thể chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của họ được", ông nói thêm.

Nguy cơ dịch Covid-19 tăng cao khi 'thủ đô găng tay y tế thế giới' vật lộn giữa thời phong tỏa - Ảnh 2.

Chính phủ Malaysia chỉ chấp thuận cho các công ty sản xuất găng tay cao su sử sụng 50% lao động, đồng thời yêu cầu đảm bảo các qui tắc an toàn y tế nghiêm nghặt. (Nguồn: Reuters).

Malaysia hiện có số ca nhiễm virus Covid-19 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á với 2.031 trường hợp mắc bệnh, và 26 trường hợp tử vong, tính đến sáng 28/3.

Để ngăn ngừa bệnh dịch lan rộng, chính phủ Malaysia đã ra lệnh cho người dân ở trong nhà từ ngày 18/3 đến ngày 14/4.

Các doanh nghiệp sản xuất găng tay và các sản phẩm thiết yếu khác được chính phủ miễn trừ, cho phép tiếp tục vận hành với 50% nhân lực thông thường, và yêu cầu phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện an toàn nghiêm ngặt.

Dù vậy, Hiệp hội các công ty sản xuất găng tay cao su Malaysia (MARGMA) cho biết họ đã buộc phải "vận động hành lang" gần như mỗi giờ, để đưa ngành công nghiệp này sống lại với sức mạnh sản xuất trước đó.

"Chúng tôi vẫn đang đóng cửa", Evonna Lim - CEO công ty cung cấp bao bì Etheos Imprint Technology,  chia sẻ.

"Dù đủ điều kiện được miễn trừ nhưng chúng tôi vẫn cần có sự chấp thuận từ chính phủ", Lim nói thêm.

Nguy cơ dịch Covid-19 tăng cao khi 'thủ đô găng tay y tế thế giới' vật lộn giữa thời phong tỏa - Ảnh 3.

Malaysia đã gia hạn thời gian phong tỏa toàn quốc đến ngày 14/4. Hiện quốc gia này có số ca nhiễm virus Covid-19 cao nhất Đông Nam Á. (Nguồn: Nikkei Asian Review).

Tiến sĩ Celine Gounder, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa New York, cho biết bà đã sử dụng lượng găng tay nhiều gấp 6 lần so với bình thường mỗi ngày, do tình hình lây lan virus Covid-19 nghiêm trọng xảy ra tại đây.

"Nếu đến một thời điểm nào đó, chúng ta thiếu hụt nguồn cung găng tay, thì chuyện này sẽ là một thách thức rất lớn", bà nói.

"Vì chúng tôi (nhân viên y tế) không thể lấy máu và thực hiện nhiều thủ tục y tế một cách an toàn", bà nói thêm.

Thế giới chạy đua vật tư y tế

Với tình hình nguồn cung găng tay y tế đang dần cạn kiệt, Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) gần đây đã đăng lên trang web chính thức, tuyên bố "một số loại găng tay có thể được sử dụng vượt quá thời hạn sử dụng được chỉ định".

Nguy cơ dịch Covid-19 tăng cao khi 'thủ đô găng tay y tế thế giới' vật lộn giữa thời phong tỏa - Ảnh 4.

Đại dịch Covid-19 càng lan rộng, nhu cầu găng tay y tế cho các nhân viên y tế càng cao. (Nguồn: Reuters).

Hôm thứ Ba mới đây, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu từ nhà sản xuất găng tay của Malaysia, Công ty WRP Asia Pacific.

Trước đó, công ty này đã bị Mỹ cáo buộc đang sử dụng lao động cưỡng bức hay lao động không tự nguyện.

Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Vương quốc Anh đã kêu gọi các nhà chức trách Malaysia, ưu tiên sản xuất và vận chuyển găng tay lên hàng đầu.

Phía cơ quan này nhận định việc đảm bảo nguồn cung găng tay y tế là "cực kì quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19".

Hiện tại, MARGMA đang cân nhắc khâu phân phối sản phẩm, do nhu cầu tăng quá cao.

Ông Denis Low, Chủ tịch MARGMA chia sẻ với Reuters:"Chúng tôi có thể sản xuất số găng tay lớn nhất có thể nhưng lại không có gì để đóng gói chúng cả".

Nguy cơ dịch Covid-19 tăng cao khi 'thủ đô găng tay y tế thế giới' vật lộn giữa thời phong tỏa - Ảnh 5.

Một em học sinh đeo găng tay nhựa sử dụng trong chế biến thực phẩm để bảo vệ bản thân tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc. (Nguồn: CNN).

CEO Top Glove chia sẻ: "Chúng tôi đang tích cực vận động hành lang, yêu cầu chính phủ cho các nhà cung cấp hóa chất, các công ty in ấn, vận chuyển và các công ty hỗ trợ khác, được chấp thuận hoạt động trở lại", ông nói thêm.

Trong một tuyên bố gần đây, MARGMA cũng thông báo vì chỉ có 50% nhân lực làm việc trong giai đoạn phong tỏa, họ buộc phải dựa dẫm vào số giờ tăng ca để đáp ứng nhu cầu, vì vậy chi phí sẽ tăng lên tới 30%.

Phía này cũng cho biết hiện người mua đều đã đồng ý với mức tăng chi phí này.

Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia ngày 24/3 thông báo họ đã nhận được hàng loạt các đơn xin hoạt động trở lại trong giai đoạn phong tỏa từ các doanh nghiệp.

Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia  đang tìm kiếm sự hợp tác giữa các ngành để "dọn đường" cho những công ty sản xuất hàng hóa thiết yếu tiếp tục vận hành.

Nguy cơ dịch Covid-19 tăng cao khi 'thủ đô găng tay y tế thế giới' vật lộn giữa thời phong tỏa - Ảnh 6.

Các công ty sản xuất găng tay cao su Malaysia cho biết họ đang phải phụ thuộc vào số giờ tăng ca của 50% lao động, để đáp ứng nhu cầu tăng lên quá nhanh. (Nguồn: The Edge Markets).

Cơ hội cho các nhà sản xuất găng tay y tế?

Dù chỉ chiếm 1/5 dân số thế giới, nhu cầu găng tay y tế của các nền kinh tế phát triển chiếm gần 70% thế giới do các tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt được đặt ra.

Theo số liệu mới nhất của MARGMA, mức tiêu thụ găng tay bình quân đầu người của Mỹ là 150, gấp 20 lần so với Trung Quốc.

Cũng trong báo cáo này, MARGMA dự kiến nhu cầu găng tay sẽ tăng 16% lên 345 tỉ đôi găng tay trong năm 2020.

Trong đó, thị phần của Malaysia tăng hai điểm phần trăm lên 65%, theo sau là Thái Lan với khoảng 18%, và Trung Quốc ở mức 9%.

Top Glove cho biết số đơn đặt hàng đã tăng gấp đôi kể từ tháng 2/2020, và dự kiến doanh thu của công ty sẽ tăng 20% trong 6 tháng tới.

Giá cổ phiếu của Top Glove cũng đã tăng hơn 33% tính từ đầu năm đến nay, với giá trị thị trường khoảng 3,5 tỉ USD.

Nguy cơ dịch Covid-19 tăng cao khi 'thủ đô găng tay y tế thế giới' vật lộn giữa thời phong tỏa - Ảnh 7.

Dự kiến doanh số và doanh thu của các công ty cung cấp găng tay Malaysia sẽ tang kỉ lục trong 6 tháng tiếp theo khi nhu cầu lên đến đỉnh điểm. (Nguồn: Reuters).

Công ty sản xuất găng tay y tế có khách hàng ở 195 quốc gia trên thế giới, đã ghi nhận dòng tiền ròng cao nhất trong số các công ty niêm yết của Malaysia vào tuần trước, theo dữ liệu của MIDF Research.

"Chúng tôi đã may mắn khi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa thiết yếu", CEO Top Glove nói. "Ít nhất trong sáu tháng tới, chúng tôi dự kiến sẽ ghi nhận những con số về doanh số, doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động", ông nói thêm.

Với hơn 80% trong số 44 nhà máy sản xuất được tự động hóa trên toàn thế giới, bản thân Top Glove cho biết họ sẽ chịu ít tác động của lệnh phong tỏa toàn quốc hơn, so với các nhà cung cấp khác tại Malaysia chú trọng vào lao động.

Tuy nhiên, nếu để thách thức trong khâu đóng gói sang một bên, việc tăng cường sản xuất có thể biến tình trạng thiếu nguồn cung thành thừa, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Dù vậy, CEO Top Glove lại nhìn nhận theo một hướng khả quan hơn.

"Cơn đại dịch này sẽ nâng cao nhận thức và làm cho loài người khỏe mạnh hơn", ông Lim nói.

"Khi người dân chú ý nhiều hơn đến sức khỏe, họ sẽ đầu tư nhiều hơn, và mua nhiều hơn dẫn đến nhu cầu sẽ cao hơn trước", ông giải thích.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.