Mỗi ngày, cả nước có thể sản xuất đến 25,5 triệu khẩu trang y tế

47 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế trên cả nước có năng lực làm ra 25,5 triệu chiếc mỗi ngày. Bộ Y tế cho biết sẽ mua thêm 14 triệu chiếc để đủ kế hoạch 60 triệu chiếc khẩu trang y tế được giao.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 20/4, Bộ Công Thương cho biết tính đến ngày 16/4, cả nước hiện có 47 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, với năng lực sản xuất tối đa 25,5 triệu chiếc/ngày, trong trường hợp đủ nguyên liệu sản xuất.

Mỗi ngày, cả nước có thể sản xuất đến 25,5 triệu khẩu trang y tế - Ảnh 1.

Mỗi ngày, cả nước có thể sản xuất đến 25,5 triệu khẩu trang y tế. (Ảnh: Báo Công Thương).

Cũng theo Bộ Công Thương, hiện chỉ có một doanh nghiệp trong nước sản xuất nguyên liệu vải SMS, với năng lực sản xuất 5 tấn/ngày, tương đương 5 triệu khẩu trang y tế/ngày, nếu không sản xuất bộ trang phục phòng chống dịch.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế hiện nay khoảng trên 3,5 triệu chiếc/ngày, gồm 2 triệu chiếc cho các cơ sở y tế, số còn lại cho các đơn vị, lực lượng phòng chống dịch. Thống kê trên chưa bao gồm nhu cầu sử dụng của người dân.

Bộ Y tế cho biết đã kí hợp đồng mua 46 triệu chiếc khẩu trang y tế, được bàn giao từng đợt từ nay đến hết tháng 5/2020. Bộ sẽ tiếp tục mua 14 triệu chiếc còn lại theo kế hoạch được giao, đủ 60 triệu chiếc.

Bộ Y tế đề xuất cho phép xuất khẩu tối đa 80% khẩu trang y tế

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ, xem xét bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế, theo quy định tại Nghị quyết 20.

Theo đó, dự kiến cho phép xuất khẩu tối đa 80% số lượng cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, đồng thời phải cung cấp 20% số lượng còn lại cho nhu cầu trong nước, kể cả dự trữ. 

Quy định này không áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã kí hợp đồng gia công trước ngày 1/3/2020.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh tỉ lệ cho phép xuất khẩu, hoặc áp dụng biện pháp tạm dừng xuất khẩu, hoặc chế độ cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nguyên tắc để xuất khẩu những mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch là phải bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước, kể cả dự trữ. Đồng thời, chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nói trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 20, vốn khống chế tỉ lệ, chỉ cho phép xuất khẩu tối đa 25% sản lượng với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế, 75% sản lượng còn lại dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cần xử lí nhanh việc này, tránh bỏ lỡ thời cơ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.