Nếu không chặn kịp, nước mắm soda công nghiệp đã ra thị trường

“Chúng tôi khẳng định những sản phẩm nước mắm có sử dụng hóa chất soda công nghiệp chưa được bán ra thị trường”, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.

Ngày 14/1, trao đổi với Pháp Luật TP HCM, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh  Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Vào tháng 5/2019, qua thông tin đường dây nóng, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm có dấu hiệu vi phạm. 

Qua kiểm tra đã phát hiện ba công ty sử dụng dịch bột ngọt, nước dịch tôm, cá và muối cacbonat (Na2CO3), là hóa chất công nghiệp, để sản xuất nguyên liệu làm nước mắm.

Soda công nghiệp bị cấm dùng trong thực phẩm

Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Điều Hương (ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang), đoàn thanh tra phát hiện công ty đang sản xuất chưng cất nước hoa cà. Nơi sản xuất rất bẩn, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất về an toàn thực phẩm. Đoàn đã thu một số mẫu tại hiện trường gồm nước bột ngọt, bột soda màu trắng, dịch hoa cà.

Công ty Điều Hương thừa nhận trong quá trình sản xuất đã đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp, gồm dịch bột ngọt chiếm 95%, 5% dịch nước tôm và 120 kg Na2CO3 để trung hòa acid trong dịch bột ngọt, vì dịch này rất chua. Sau đó đun bằng hơi nước trong 40-50 giờ để thu được 800 lít dung dịch có nồng độ đạm đạt 25-35 độ và 700 lít muối kết tủa.

Tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (47 Trần Phú, phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), đoàn thanh tra cũng phát hiện công ty sử dụng hóa chất soda ash light 99,2%, xuất xứ Trung Quốc, để trung hòa acid trong nước bổi cá. 

Nhãn phụ của bao hóa chất ghi: “hóa chất cơ bản dùng trong ngành xà bông”.

Còn tại Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát (ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, Vĩnh Long), thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện tại khu vực các bể dịch có một gian nhà kho chứa 345 bao (50 kg/bao) soda ash light - Na2CO3, xuất xứ Trung Quốc.

 Ngoài ra, qua kiểm tra phát hiện hệ thống lưới ngăn côn trùng và động vật gây hại vào khu sản xuất, khu nguyên liệu chưa đầy đủ; hệ thống cống thải ứ đọng.

Nếu không chặn kịp, nước mắm soda công nghiệp đã ra thị trường - Ảnh 1.

Quyết định xử phạt hành chính với một công ty vi phạm. (Ảnh: Thanh tra Bộ NN&PTNT).

Soda công nghiệp là một chất chỉ được sử dụng trong công nghiệp, không được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Sau khi phát hiện vi phạm, chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Sau đó, cơ quan công an đề nghị Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục lấy mẫu bổ sung, để đem đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trung ương. 

Kết quả kiểm nghiệm, tất cả chỉ số đều dưới ngưỡng quy định, đặc biệt là kim loại nặng. Căn cứ kết quả kiểm nghiệm, bên công an thống nhất giao cho Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lí hành chính nghiêm khắc, vì chưa đến mức phải xử lí hình sự”, ông Tiến cho biết.

Kết quả, Công ty Điều Hương đã bị xử phạt hành chính 275 triệu đồng, Công ty Hòa Hiệp bị xử phạt 235 triệu đồng, Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát bị phạt 266 triệu đồng.

Bên cạnh xử lí hành chính, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng các nguyên liệu này, không được chế biến thực phẩm.

"Soda công nghiệp là loại hóa chất được dùng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, như dùng để làm chất tẩy rửa, làm xà phòng, làm hóa chất trong ngành xây dựng, làm chất dẻo...

Soda công nghiệp là chất không được phép, bị cấm dùng trong thực phẩm vì chứa những chất độc hại", PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chưa bán ra thị trường

Trước lo ngại của người tiêu dùng về việc những sản phẩm, nguyên liệu này đã được tuồn ra ngoài thị trường hay chưa, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tiến, khẳng định sau khi phát hiện sự việc đã yêu cầu các cơ sở dừng sản xuất ngay. 

“Chúng tôi khẳng định những sản phẩm này chưa được bán ra thị trường, vì bán phải có hồ sơ, chứng từ”, Chánh Thanh tra Bộ khẳng định.

Đồng thời, ông Tiến cũng lí giải về nguyên nhân chậm công bố danh tính các doanh nghiệp vi phạm nêu trên.

“Dù sự việc được phát hiện từ tháng 5/2019, tuy nhiên sau đó vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải xử lí tiếp theo. Chẳng hạn từ việc phát hiện mẫu, lấy mẫu kiểm tra…, rồi các cơ quan chức năng của các bộ cùng họp bàn đánh giá mức độ, hướng xử lí, các vấn đề về thị trường chứ không phải chỉ phát hiện, xử phạt là xong”, ông Tiến giải thích.

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết thêm: “Chúng tôi đã phát hiện kịp thời, ngăn chặn có hiệu quả và xử lí nghiêm minh. Nếu sự việc này không được ngăn chặn kịp thời, để các công ty trên đưa soda công nghiệp vào sản xuất nước mắm cho nhân dân sử dụng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe”.

Liên Thành không dùng phụ gia công nghiệp

Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành (ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM) dù không vi phạm việc sử dụng soda công nghiệp nhưng lại bị gom lỗi cùng ba đơn vị khác gây hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín doanh nghiệp. 


Trao đổi với Pháp Luật TP HCM về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích: Khi nhận được thông tin phản ánh qua đường dây nóng, Thanh tra bộ nắm thông tin, dấu hiệu vi phạm của cả bốn công ty, trong đó có Công ty Liên Thành, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra cả bốn công ty tại cùng một thời điểm.

Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định: “Khi kiểm tra thì không phát hiện Công ty Liên Thành dùng soda công nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng lấy mẫu nước mắm bán ngoài thị trường của Liên Thành để kiểm nghiệm. Kết quả các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng cho phép. 

Chúng tôi chỉ phạt Công ty Liên Thành 6 triệu đồng với lỗi tại khu sản xuất nước mắm của phân xưởng 4 có khu xử lí nước thải bị ứ đọng (cống rãnh bị ngập nước thải), không được che chắn và vi phạm”.

Ngày 14/1, trao đổi với Pháp Luật TP HCM, bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc thường trực Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành, cho biết: Liên Thành không vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, không vi phạm sử dụng chất phụ gia công nghiệp soda.

“Việc công bố thông tin Liên Thành cùng với các doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm sử dụng hóa chất tẩy rửa chế biến nước mắm gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Công ty mong muốn cơ quan nhà nước cần cẩn trọng trong công bố thông tin, và báo chí đưa tin chính xác, nếu không có thể sẽ giết chết doanh nghiệp”, bà Mai nói.

 

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.