Theo Ngân hàng Nhà nước, trong hơn 2 tháng tính từ 23/1 - 28/3, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỉ đồng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỉ đồng.
Trong gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỉ đồng cho vay lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm mà các ngân hàng cam kết, cũng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng, với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỉ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết hiện đã có khoảng 20 tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đồng thuận giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay, so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bởi dịch và cần được hỗ trợ như nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Tại Vietcombank, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết nhà băng đã có chính sách giảm lãi suất đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch. Tổng số dư nợ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhà băng hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đã lên tới trên 112.700 tỉ đồng.
Ngân hàng sẽ tiếp tục tung gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5%, so với mặt bằng hiện nay. Vietcombank ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5%/năm và mức lãi suất áp dụng chỉ 4,5-5% một năm.
Tại Vietinbank, từ thời điểm công bố dịch đến hết tháng 3, nhà băng này đã giảm lãi suất cho vay 0,5-1,5%/năm cho gần 3.000 khách hàng, với tổng dư nợ 60.000 tỉ đồng, cơ cấu nợ cho 350 khách hàng với dư nợ 18.000 tỉ đồng.
Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2% đối với các doanh nghiệp, người dân, và đặc biệt có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng khác như VPBank, TPBank, ACB, SHB… cũng tung ra những gói tín dụng vài nghìn tỉ, thậm chí cả chục tỉ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất đến 2-3% cho doanh nghiệp gặp khó khăn mùa dịch.
Đáng chú ý, tại VPBank, ngân hàng này áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 3% và hạn mức cho vay lên đến hơn 100 triệu, ưu đãi áp dụng với khách hàng tiểu thương đang kinh doanh mọi ngành nghề, bao gồm tiểu thương tại các chợ và trên các tuyến phố.
Những khách hàng cá nhân đang kinh doanh và có nguồn thu thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 như lữ hành, khách sạn, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận tải, nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản... mức giảm lãi suất là 1% so với mức hiện hành. Ngoài ra, nếu khách hàng có xếp hạng tín dụng tốt, có lịch sử giao dịch với ngân hàng trên 3 năm và dư nợ từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ được giảm thêm 0,5% lãi suất.
VPBank còn có những hỗ trợ đặc biệt cho khách hàng vay thế chấp không có khả năng năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 như tái cơ cấu, gia hạn, giãn nợ theo tình hình cụ thể.
Trước đó, ngân hàng cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng giảm lãi suất cho vay tới 2%/năm; giãn nợ, gia hạn, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ...để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, một số ngân hàng như VIB, HDBank đưa ra cam kết không giới hạn đối tượng được vay ưu đãi trong thời điểm này, tức không cần chứng minh thiệt hại vì dịch Covid-19.
VIB mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5-2% trong 6 tháng, cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực.
Còn HDBank cam kết giảm lãi suất vay từ 2% và tối đa đến 4,5%/năm cho khách hàng. Bên cạnh tự động giảm lãi suất mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ, hay chứng minh khó khăn mình gặp phải, HDBank cũng miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Ngoài cam kết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng cho rằng hoạt động tài chính, ngân hàng không nằm ngoài vòng xoáykhó khăn vì dịch bệnh. Bởi nhiều khách hàng vay vốn bị thiệt hại, tình hình kinh doanh đi xuống.
Đại diện một số ngân hàng cũng đã gửi kiến nghị với cơ quan quản lí.
Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành khẳng định các tổ chức tín dụng luôn xác định đồng hành chống dịch, nhưng rất cần sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, cụ thể là Bộ Tài chính.
Các chính sách về hoãn, giãn, thuế, giảm phí với doanh nghiệp cũng cần tính tới các ngân hàng, bởi các tổ chức tín dụng bản chất cũng là doanh nghiệp kinh doanh, cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Các cơ quan quản lí hãy coi tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, ngân hàng có khỏe mới đồng hành, chia sẻ hiệu quả với các doanh nghiệp", ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020