Người dân Huế phản ánh vi phạm trật tự đô thị nhưng nhiều cơ quan chức năng không trả lời

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được hàng nghìn kiến nghị, phản ánh vi phạm về đô thị nhưng cơ quan phụ trách chậm trả lời dù được nhắc.

Hàng trăm phản ánh, kiến nghị của dân đã quá thời hạn xử lí

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, thực hiện Quyết định số 75/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 29/12/2018 về việc qui định triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) đã tích cực xây dựng triển khai vận hành hệ thống.

3

Người dân phản ánh vi phạm qua ứng dụng di động Hue-S hoặc Cổng thông tin tương tác. (Ảnh chụp màn hình).

Đến nay, đã có 88 cơ quan, tổ chức tham gia vào hệ thống. Hầu hết các cơ quan, đơn vị tham gia đều có sự quan tâm xử lí các phản ánh của người dân, trả kết quả đúng hạn và có chất lượng rất tốt được người dân đánh giá hài lòng.

Cụ thể, đã có gần 1.500 phản ánh, kiến nghị có kết quả xử lí đã được biên tập và đăng tải lên hệ thống. Bên cạnh đó, vẫn còn đến 480 phản ánh, kiến nghị đã được Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế phân phối đến các đơn vị đã quá thời hạn xử lí, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả xử lí từ các đơn vị.

Để giảm bớt tình trạng quá hạn xử lí các phản ánh, trung tâm này đã tiến hành đốc thúc bằng các hình thức như tin nhắn SMS, gọi điện trực tiếp cho cán bộ và lãnh đạo đơn vị xử lí để đôn đốc quá trình xử lí. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi.

Đối với những phản ánh đã có kết quả xử lí nhưng chưa dứt điểm, công dân, tổ chức gửi phản ánh có sự giám sát và phản hồi thông qua hệ thống tương tác bằng hình thức bình luận, trao đổi trên cổng thông tin tương tác, trung tâm đã tiến hành liên hệ và yêu cầu đơn vị xử lí vào theo dõi để tương tác với công dân, tổ chức, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống.

Phản ánh bất cập về hạ tầng đô thị, trật tự xây dựng…qua điện thoại, cổng thông tin điện tử

Được biết, đây là một trong 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế.

Phản ánh hiện trường là dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội (như hạ tầng đô thị, trật tự xây dựng, hạ tầng giao thông, vệ sinh môi trường...) với chính quyền bằng smartphone qua ứng dụng di động Hue-S hoặc Cổng thông tin tương tác (https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn), kèm theo hình ảnh, video hiện trường.

4

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Khải Tuấn).

Nội dung, hình ảnh, video và thời gian, địa điểm phản ánh hiện trường yêu cầu phải rõ ràng, chính xác. Những phản ánh này được Trung tâm ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lí.

Quá trình tiếp nhận, xử lí và kết quả được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi ra kết quả cuối cùng. Qua đó, người dân có thể giám sát, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lí phản ánh của từng cơ quan.

Chị Nguyễn Thị Bảo Ngọc (người dân trú tại phường Thuận Thành, TP Huế) chia sẻ: "Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều đột phá trong điều hành nhằm xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, hiện đại, cũng như đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện hơn đối với người dân; đặc biệt là đã cho ra đời Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh để người dân có thể phản ánh hiện trường những vấn đề còn bất cập trên địa bàn".

Trước đó, từ tháng 8/2018, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (nay là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã thí điểm triển khai giải pháp "phản ánh hiện trường".

Việc triển khai thành công giải pháp "phản ánh hiện trường" là cơ sở để triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh khác. Qua đó, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Đề án "Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025". 

Mới đây, vào chiều ngày 25/7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Công bố dịch vụ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây sẽ là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.