Bị loại ngay vòng hồ sơ vì là người đồng tính, chuyển giới
Những năm gần đây có rất nhiều hội thảo, chương trình về cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) diễn ra nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, giảm thiểu việc kỳ thị của xã hội với cộng đồng này. Thế nhưng xã hội vẫn chưa nhìn nhận đúng đắn về cộng đồng LGBT, dẫn đến những người đồng tính, chuyển giới phải chịu sự xa lánh, kỳ thị, phân biệt đối xử. Sự kỳ thị từ xã hội vô tình tạo ra nhiều rào cản cho người đồng tính và chuyển giới. Họ gặp khó khăn trong mọi phương diện của cuộc sống, từ đi học, tham gia các hoạt động công cộng, tiếp cận các dịch vụ y tế đến khi đi làm, đi xin việc.
Người đồng tính, chuyển giới gặp khó khăn ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Chính sự kỳ thị, xa lánh của mọi người khiến người đồng tính, chuyển giới mặc cảm về sự khác biệt của bản thân. Ngại tiếp xúc, ngại đến trường nên không ít người đồng tính, chuyển giới học hành dang dở, không có bằng cấp nên càng khó hơn khi đi xin việc sau này.
La Lam (sinh năm 1995, ở Yên Bái), một người chuyển giới nữ chia sẻ về một lần đi phỏng vấn xin việc. “Trên giấy tờ tùy thân, giới tính của Lam vẫn là nam. Khi gửi hồ sơ đi xin việc, nhân viên tuyển dụng xem hồ sơ, rồi nhìn vẻ ngoài của Lam là nữ thì có thái độ rất lạ. Sau đó, công ty không hề gọi đến phỏng vấn, dù Lam có nhiều kinh nghiệm làm việc. Lam đã bị loại ngay vòng hồ sơ và chưa có cơ hội thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng”.
“Một lần khác, La Lam vượt qua vòng phỏng vấn, gần như được nhận vào làm thì lại bị tuột mất cơ hội. Lý do không phải vì Lam không có năng lực, mà vì giấy tờ tùy thân rắc rối, nên phía công ty không chấp nhận”, La Lam chia sẻ thêm.
Dù có năng lực nhưng La Lam (Yên Bái) vẫn gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc. Ảnh: NVCC |
Khác với La Lam, Nhi (sinh năm 1997, ở Tuyên Quang) lại không có cơ hội được học hành tử tế. Nhi xin đi làm nhân viên phục vụ ở một quán karaoke. Dù chỉ là công việc phổ thông, nhưng Nhi cũng khá chật vật mới được nhận vào làm. Nhi được một người bạn giới thiệu nên chủ quán karaoke mới gật đầu chấp nhận. Nhi chia sẻ “mọi người thường nghĩ cộng đồng LGBT là những người hay chơi bời, không thích làm việc, nhưng thực ra những người như Nhi rất cần kiếm tiền và khao khát được kiếm tiền. Có tiền thì mới có thể trang trải cuộc sống và quan trọng nhất là có thể duy trì đều đặn việc tiêm hormone”.
Trong khi đó Hà Anh, một người chuyển giới khác, quê ở Bắc Giang vẫn còn đang đi học và chưa có kinh nghiệm đi xin việc lần nào. Nhưng Hà Anh nói: “Hà Anh cũng mường tượng ra những khó khăn mà mình gặp phải khi đi xin việc sau này, đành chấp nhận thôi”.
Mong muốn xã hội nhìn nhận đúng hơn về cộng đồng LGBT
Như đã đề cập, người đồng tính, chuyển giới bị kỳ thị trên mọi phương diện của cuộc sống. Sự kỳ thị không chỉ đến từ xã hội, mà đến từ chính người thân, gia đình họ. Để được bố mẹ, gia đình chấp nhận con người thật của mình là cả một hành trình dài. Có nhiều người trong cộng đồng LGBT vẫn chưa dám hoặc chưa thể công khai giới tính thật của mình.
Mặt trái của sự kỳ thị, nhìn rõ nhất ở việc người đồng tính, chuyển giới không tìm được việc làm phù hợp, dẫn tới phải làm nhiều công việc ở những ngành nghề nhạy cảm. Nhiều người đồng tính, chuyển giới gặp khó khăn khi đi xin việc và đành phải xin làm các công việc lao động chân tay, phục vụ ở quán bar, karaoke. Cũng có nhiều người hành nghề tự do như làm người mẫu, chuyên viên trang điểm để đỡ gặp phải những sự kỳ thị của mọi người.
Mong muốn được xã hội nhìn nhận đúng hơn về cộng đồng LGBT là mong muốn của tất cả những người đồng tính, chuyển giới. Họ hy vọng mọi người chấp nhận sự khác biệt và không coi sự khác biệt trong con người họ là sự kỳ dị, đáng xa lánh.
LGBT 07:23 | 14/06/2019
LGBT 17:33 | 11/06/2019
LGBT 07:42 | 11/06/2019
LGBT 18:23 | 10/06/2019
LGBT 18:00 | 06/06/2019
LGBT 16:01 | 05/06/2019
LGBT 14:31 | 05/06/2019
LGBT 16:28 | 04/06/2019